Những bất cập trong quản lý về hoạt động biểu diễn nghệ thuật đã được các cơ quan chức năng đem ra bàn bạc tại hội nghị đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định biểu diễn nghệ thuật diễn ra ngày 15/4, tại Hà Nội.


Quy chế về hoạt động biểu diễn nghệ thuật hiện nay đã không theo kịp với sự phát triển của loại hình nghệ thuật này. Vì thế, một Quy chế mới đang được soạn thảo nâng cấp thành Nghị định với những thay đổi sao cho phù hợp thực tế. Hiện nay, dự thảo này đã và đang được lấy ý kiến từ các sở, ban, ngành và các đơn vị nghệ thuật trên cả nước. Dự kiến đến đầu quý 3 năm 2011 sẽ trình chính phủ xem xét, phê duyệt.

Nhà quản lý biện minh


Tại hội nghị, ông Lê Tiến Thọ - Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, cho biết, vấn đề trang phục biểu diễn, đầu tóc… của các nghệ sĩ cũng đã nhiều lần được mang ra chất vấn tại Quốc hội. Trên cơ sở việc quản lý phục trang của nghệ sĩ thì Quy chế cũng đã đưa ra, làm sao giữ được thuần phong mỹ tục. Còn hiện nay, các nghệ sĩ tự… kiểm soát cách ăn mặc của mình. Do đó, theo ông cái cần làm lúc này là việc duyệt chương trình. Điều này ở các địa phương, cục NTBD là nơi cấp phép phải có trách nhiệm yêu cầu nghệ sĩ có cách ứng xử văn hóa sao cho đúng với thần phong mỹ tục, với khán giả. Đây là một đề nghị đối với đơn vị quản lý và đơn vị cấp phép biểu diễn.

Qui định về trang phục biểu diễn, đầu tóc…. của các nghệ sĩ
đến giờ vẫn chưa thể ra qui chế. Ảnh: CTV

“Đã đến lúc cần có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, sẽ phải bàn đến trong từng tiết mục nghệ thuật và nghệ sĩ mặc trang phục để biểu diễn tiết mục đó ở đâu, lúc nào. Bởi thực tế có những điệu múa, vũ đạo buộc phải mặc ngắn, hở. Hoặc nếu là một chương trình ca múa nhạc quốc thế thì không thể bắt nghệ sĩ ăn mặc theo thuần phong mỹ tục. Phải hiểu một cách thoáng như vậy thì mới không khô cứng trong vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa và tiếp thu văn hóa thế giới”, ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hưng Yên nói.

Trách nhiệm… chẳng thuộc về ai?!


Thứ trưởng Lê Tiến Thọ cho rằng, kiểu ăn mặc quá đà của các nghệ sĩ hiện nay phải cấm. Tuy nhiên, muốn thể hiện thành văn bản, ngắn đến đâu, hở đến đâu thì rất khó. “Trên thế giới, vấn đề này cũng chưa có văn bản cụ thể nào. Do đó, muốn giải quyết tốt, các đơn vị trực tiếp cấp phép phải có trách nhiệm nhắc nhở nhà tổ chức, các nghệ sĩ”, Thứ trưởng cho biết.

Bộ trang phục trong suốt mà người đẹp Lê Kiều Như  mặc
khi ra mắt cuốn tiểu thuyết "Sợi xích" của cô làm thiên hạ... hết hồn.

“Trong tất cả các hoạt động văn hóa đều phải có thanh tra văn hóa. Các sở VH-TT-DL địa phương phải tăng cường kiểm tra. Có thể, có những hành động mà các nghệ sĩ nói là sự cố, nhưng sự cố đó lặp đi lặp lại nhiều lần thì đó là bản chất. Vì thế, phải tăng cường hơn nữa công tác thanh kiểm tra, chứ không được cứ cấp xong, thả nổi”, ông Thọ nhấn mạnh.

Hiện nay, khi xét duyện một chương trình nghệ thuật, sở VH-TT-DL các địa phương thường chỉ chú ý đến phần nội dung còn việc ăn mặc thế nào thì rất lơ là. Không những thế, theo ông Hùng, vấn đề ăn mặc thế nào trong một chương trình biểu diễn đã được cơ quan có thẩm quyền  xem xét và duyệt trước khi cấp phép. Khi đã được cấp phép rồi thì về nguyên tắc các sở địa phương chỉ có quyền chấp nhận, chứ không được bác bỏ. Trong trường hợp có sự phản ứng của khán giả thanh tra mới vào cuộc và có ý kiến lên trên.

Cũng theo ông Hùng, thông thường muốn được cấp phép biểu diễn bao giờ đơn vị tổ chức cũng phải diễn toàn bộ chương trình như thật, kể cả phục trang, nội dung… Nhưng phần lớn khi đi diễn thật, các đơn vị này lại không làm chuẩn theo đúng với khi duyệt. Chính vì thế, cơ quan tiếp nhận, cụ thể là sở địa phương, không thể biết hết được.
 
Theo Đất Việt