- Sự ra đi của NSND Trịnh Thịnh, trong thương tiếc của nhiều người, còn là lời gọi nhớ về dòng chảy trăm năm của điện ảnh tại VN.


Sau những ngày hân hoan mừng giải phóng, khi những người Pháp cuối cùng đã rút đi, Hà Nội bắt đầu trở lại nhịp sống hàng ngày với nhiều lo toan vất vả cho cuộc sống mới. Trong số đó có ông bố 28 tuổi Trịnh Thịnh, người vừa thất nghiệp sau khi Ngân hàng Đông Dương (Banque L'Indochine) đóng cửa. Để nuôi sống gia đình nhỏ, ông đẩy xe nước mía đi khắp phố phường Hà Nội và làm đủ nghề mưu sinh. Đôi tay khỏe từng đập những cú vợt hiểm hóc hạ gục nhiều “Tây đen Tây trắng” trên sân tennis ngày nào giờ dẻo dai hơn theo những vòng quay ép nước mía.

{keywords}

Nghệ sĩ Trịnh Thịnh (trái) trong phim Vợ chồng A Phủ.

Những ngày khó khăn trên hè phố, chẳng ai nghĩ chàng thanh niên Trịnh Thịnh rồi sẽ trở thành một trong những diễn viên để lại nhiều dấu ấn của nền điện ảnh cách mạng. Điện ảnh, với ông, vẫn còn là giấc mơ đẹp của thời thơ ấu, đến vào những buổi tối có buổi chiếu phim công cộng ở các rạp trên phố Hàng Da, Hàng Quạt. Sinh năm 1927, ông và những người cùng thế hệ chứng kiến những hoạt động điện ảnh sơ khởi đầu tiên ở VN.

Cơ duyên đưa ông đến gần với điện ảnh đến vào năm 1956 khi một hãng xuất nhập khẩu phim của Liên Xô tổ chức tuyển diên viên lồng tiếng. Vài kinh nghiệm diễn xuất sân khấu trước đó giúp ông nhanh chóng trúng tuyển công việc, vốn đưa chàng nhân viên ngân hàng học “trường Tây” đã quen với việc bàn giấy tới gần giấc mơ ngày bé và cũng thoát khỏi cảnh lao động chân tay vất vả.

Cùng thời gian, đạo diễn Phạm Kỳ Nam của hãng phim truyện Việt Nam đang tìm diễn viên cho bộ phim đầu tiên của hãng – phim Chung một dòng sông, vốn sau này được xem như dấu mốc cho sự khai sinh của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Với gương mặt đậm nét quê và giọng nói sang sảng, rõ to, ông được mời tham gia đóng phim, đưa ông tới một trong những vinh dự hiếm hoi: bén duyên với điện ảnh nhờ bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Đó cũng là dấu mốc khởi đi sự nghiệp diễn xuất kéo dài gần 60 năm cho đến khi ông chịu đựng một cơn tai biến cách nay 2 năm, sau khi hoàn thành bộ phim cuối cùng “Tết này ai đến xông nhà” của đạo diễn Trần Lực. Sự nghiệp ấy để lại rất nhiều vai diễn ấn tượng, trong rất nhiều tác phẩm thuộc hàng kinh điển của điện ảnh Việt. Có thể tạm kể tới như vai ông chú của thằng Bờm trong phim Thằng Bờm, vai ông chủ tịch huyện trong Thị trấn yên tĩnh, vai ông Củng trong Vợ chồng anh Lực…

Rồi hàng loạt phim từ Vợ chồng A Phủ (1961), Không nơi ẩn nấp (1971), Tự thú trước bình minh (1979), Chị Dậu (1980), Dịch cười, Lá ngọc cành vàng (1989), Xích lô (1995)…Tất cả đưa ông gắn chặt với hình ảnh một người đàn ông, một ông lão đậm chất mộc mạc, dân quê trên màn ảnh Việt. Sự nghiệp của ông để lại nhiều vai hài tới mức khán giả có thể…nhìn thấy ông là đã cười.

Thực tế gây khó khăn khi ông cần phải làm cho họ…khóc với nhân vật ông lão thuyền chài cả đời u uất trong bộ phim Lời nguyền một dòng sông. Như có lần ông chia sẻ với báo chí về vai diễn này: “Tôi xuất hiện không phải để hài, mà để gửi gắm tâm trạng bi hài của tôi, của một cõi người đến những cõi người! Khi đã xuất hiện trong nhiều vai hài, hễ thấy mặt tôi trên phim là khán giả đã cười! Vì thế với vai ông lão thuyền chài trong Lời nguyền một dòng sông, nếu tôi xuất hiện mà khán giả cười thì... thất bại!”.

{keywords}

Vai “ông thằng Bờm” của nghệ sĩ Trịnh Thịnh trong phim Thằng Bờm.

Thế nhưng, cũng không ai có thể nói ông là một diễn viên hài khi mỗi nhân vật ông thể hiện thường đứng ở ranh giới mong manh giữa cái hài và cái bi, nằm ngay trong những tình thế đời thường mà ông biết đưa nó thành một chất liệu để khai thác, để tiếng cười của khán giả thường đi kèm những hiệu ứng tâm lý khác, đầy thấu hiểu đối với những nhân vật, những số phận.

Nghe ông kể chuyện phải diễn đi diễn lại cảnh uống rượu của ông lão thuyền chài đến mức hết cả rượu và phải thay bằng…nước sông, hẳn nhiều diễn viên trẻ quen đóng phim với cảnh nhà lầu, xe hơi sẽ ngạc nhiên khó hiểu. Ông và những diễn viên cùng thời đã từng là những minh chứng để người ta thấy được vẻ đẹp của nghệ thuật chỉ có thể đến từ những lao động vất vả của người sáng tạo, không có chỗ cho những người lười biếng. Thế nên, trong nỗi tiếc thương vì người đã khuất, dường như nghe ra cái giật mình về một thời đang dần xa vắng.

Khải Trí