- Nói về sự ra đi của nhà văn Colombia Gabriel García Márquez, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng thế giới vừa mất đi "một trong những nhà văn vĩ đại nhất của dòng văn chương huyền ảo".
Chia sẻ của ông Obama không nằm ngoài đánh giá chung mà thế giới dành cho nhà văn Gabriel García Márquez, người vừa qua đời ở tuổi 87 bên cạnh vợ và người thân, vào hôm 17/4 tại nhà riêng ở Mexico City.
Người của công chúng khắp nơi trên thế giới, từ tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto cho đến ca sĩ Shakira ca ngợi ông như là tác giả quan trọng nhất của văn chương Mỹ La tinh thế kỷ 20, mà còn là nhà văn đã làm cuộc cách mạng văn chương ở cả ba khía cạnh: kiến tạo không gian văn chương, dựng hình ảnh huyền ảo và cách kể chuyện.
Nhà văn Gabriel García Márquez mãi ra đi. |
Sự tái tạo ký ức
Đoạt giải Nobel văn chương năm 1982, phải đến 4 năm sau Márquez mới thực sự đến với người đọc Việt Nam qua bản dịch đầu tiên "Trăm năm cô đơn" của cố dịch giả Nguyễn Trung Đức. Cuốn tiểu thuyết gây ồn ào trong dư luận bởi cái nhìn định kiến xem nó là tiểu thuyết "khiêu dâm". Nhưng trong phạm vi hẹp hơn thuộc giới văn chương, cuốn sách là cả một cơn địa chấn tư duy, sự gợi ý về những khả năng viết khác, kể khác.
Bằng sức tưởng tượng giàu có và lối kể biến hóa như thể trò ảo thuật sân khấu, ông dàn dựng một thế giới mê đắm người đọc bằng những cảnh tượng huyền ảo: những đêm trút xuống liên miên những bông hoa vàng, cơn đại dịch của chứng mất ngủ và hay quên, một đầm lầy của những bông hoa kèn rỉ máu, con tàu Tây Ban Nha mắc cạn trong một khu rừng, chùm nho ma thuật chứa đựng bí mật của cái chết...
"Trăm năm cô đơn" từng làm gia cảnh ông lâm vào túng quẫn khi ông quyết định đóng cửa ở nhà viết "Trăm năm cô đơn". Bị ám ảnh bởi những thất bại văn chương đầu tay, ông bỏ ra 18 tháng cho cuốn sách kể từ khi đặt bút khởi đầu vào năm 1965. Thậm chí có lần tưởng đã hoàn tất, ông nhận được ý kiến chê không có gì mới, liền xé bỏ viết lại từ đầu. Hai nỗi ám ảnh thời thơ ấu và ngôi làng tưởng tượng Macondo từng được ông thăm dò và thể hiện trong tập truyện ngắn đầu tay "Bão lá" nhưng ông vẫn cảm thấy dường như còn khuyết thiếu, cho tới khi ông trở lại với hình ảnh về chúng trong cuốn tiểu thuyết đưa ông lên đỉnh cao văn đàn thế giới vào năm 1967 này.
Độc giả của "Trăm năm cô đơn" dường như nhìn thấy mối liên hệ giữa ngôi làng Macondo trong tiểu thuyết với thị trấn hẻo lánh Aracataca nơi miền viễn tây hoang dã, mà nhà văn đã trải qua suốt thời thơ ấu với ông bà ngoại, trong một gia đình đông anh em. Đó là nơi mà những cơn gió khô hạn và chết chóc đáng sợ, rồi lũ đột ngột đến, nạn dịch châu chấu kéo qua và những cơn sốt ảo được vẽ ra bởi một công ty nông sản. Thế nên, có thể xem ngôi làng Macondo là sự tái tạo về hình ảnh thị trấn thời thơ ấu qua lăng kính của trí nhớ và niềm luyến tiếc.
"Trăm năm cô đơn", cuốn tiểu thuyết được tái bản rất nhiều lần tại VN. |
Thần thoại hóa lịch sử
Nhiều người vẫn cho rằng, với bộ ba tiểu thuyết "Tình yêu thời thổ tả", "Mùa thu của vị trưởng lão" và "Trăm năm cô đơn", Márquez đã không chỉ thần thoại hóa lịch sử của cả một châu lục, mà còn là những ngụ ngôn mới về thân phận. Trí tưởng tượng về cái huyền ảo của ông trộn lẫn với tính hiện thực theo một cung cách lạ lùng, khiến người đọc như thấy được cái khác thường trong cái bình thường, cái quen thuộc trong điều mới lạ. Thân phận con người như thể một giấc mơ mà cơn sốt tình yêu lẫn nỗi đau khổ dằn vặt, sự ăn năm sám hối trở đi trở lại theo một chu kỳ vòng lặp.
Cách trộn lẫn giữa hiện thực và siêu thực, giữa bình thường và khác thường đến nay vẫn được xem là phong cách đặc trưng của dòng văn chương huyền ảo trải dài suốt thế kỷ 20, đặc biệt phát triển đỉnh cao ở châu Mỹ La tinh mà Márquez là đại diện tiên phong. Có cách lý giải cho rằng đây là quãng thời gian mà châu Mỹ La tinh trải qua quá nhiều biến động, trong đó có cuộc nội chiến giết chết 300.000 người ở quốc gia quê hương của Márquez. Đứng trước một thực tế mà chính ông gọi là "hiện thực ngoại cỡ", mọi diễn đạt theo logic thông thường, các kỹ năng tự sự truyền thống của văn chương đều trở nên bất khả. Chúng đòi hỏi một phương tiện biểu hiện vượt ra ngoài tính hợp lý của chủ nghĩa hiện thực trong các câu chuyện cũ.
Cuốn sách đưa ông trở về một hiện thực rõ rệt hơn hẳn không gì khác ngoài cuốn hồi ký "Sống để kể lại", nơi những trang viết được ông dành cho trí nhớ và các mối liên hệ đã ảnh hưởng lên cuộc đời ông. Từ những bức tường màu trắng trong xưởng của ông ngoại để ông vẽ lên trí tưởng tượng của mình, đến chiếc ghế đu và mùi hoa nhài "như thể một bóng ma vô hình" trong vườn của bà ngoại. Từ biến cố của gia đình, đến các biến động dữ dội trong khí hậu chính trị của đất nước...
Những năm dài làm phóng viên dường như đã trang bị cho Márquez một óc quan sát tinh tế hiếm có. Giọng văn của ông cũng cho thấy sự phát triển cho tới khi nó đạt được tính nhịp điệu quanh co gấp khúc như kiểu William Faulkner hay James Joyce, tính ẩn dụ của Franz Kafka và hình ảnh thơ mộng của Jorge Luis Borges. Về văn nghiệp và cuộc đời, như một lần ông chia sẻ thời còn trẻ, ông tin rằng điều khiến ông không may mắn với phụ nữ và tiền bạc là "bẩm sinh và không thể khắc phụ nữ". Nhưng ông không bận tâm bởi nó không liên quan đến việc bạn viết giỏi hay không và không gì chứng minh sức mạnh của một nhà văn cho bằng tài năng và thẩm quyền giọng nói.
Khải Trí