Khánh Ly đã chính thức được cấp phép biểu diễn trong một buổi hòa nhạc vào ngày 9/5 tại Hà Nội. Cuộc trở về của Khánh Ly, sau bao trắc trở, mang đến khá nhiều luồng dư luận. Người ta nhớ lại những cuộc trở về của rất nhiều nghệ sĩ hải ngoại trong những năm gần đây. Những cuộc trở về vì mưu sinh, cơm áo và còn nhiều ý nghĩa khác…
Nhiều năm trở lại đây, người ta chứng kiến hàng loạt cuộc trở về của giới ca nhạc sĩ Hải ngoại, thế hệ trước 1975. Những người đã từng có những “lầm lạc”, cả những người từng ngỡ sẽ lưu vong suốt đời với vết thương khôn lành trong kí ức, thế nhưng họ đã lần lượt trở về. Phạm Duy, Duy Quang, Tuấn Ngọc, Khánh Hà rồi Ngọc Lan, Hương Lan, và ngoài lề một chút là cả những “đứa con lầm lỡ” thế hệ sau 1975 như Bằng Kiều, Thu Phương cũng đã có một ngày, những ngày đường hoàng đứng trên sân khấu trong nước, hát cho hàng ngàn khán giả nghe.
Ca sĩ Chế Linh, một trường hợp cũng khá khó khăn trong hành trình về Việt Nam hát, nay cũng đã có mặt thường xuyên trong các show diễn Nam Bắc, và là “át chủ bài” bảo đảm doanh thu của một số bầu show. Âm nhạc xoa dịu tất cả, âm nhạc khiến người ta vị tha và biết đón nhận những người từng quay lưng lại với mình.
Người ta nói, lý do mà hầu hết ca sĩ hải ngoại tìm đường về nước và liên tục về diễn, chung quy lại là ở cát xê. Trong khi thị trường âm nhạc ở hải ngoại đang bão hòa, thậm chí nhiều chương trình biểu diễn danh tiếng hàng chục năm, nay tuyên bố đóng cửa, bỏ cuộc, nghệ sĩ vắng show, thất thoát doanh thu, thì thị trường âm nhạc Việt Nam, vẫn sôi động, nhu cầu nhiều, và đặc biệt chuộng những giọng ca hải ngoại, những người đem về cho các thế hệ những dòng nhạc của kí ức.
Và thế là, đáp ứng thị hiếu của công chúng, các ông bầu hăm hở làm show, dập dìu những chuyến trở về của các danh ca hải ngoại mà trước kia, người mộ điệu chỉ được nghe qua thu âm. Mức cát xê khiến cho các chuyến trở về trở nên đặc biệt hấp dẫn và Việt Nam trở thành thị trường quen thuộc của các ca sĩ hải ngoại.
Theo một bầu show cho biết, cát xê của các danh ca hải ngoại khá cao (tương đương hoặc cao hơn các ca sĩ đang ở “đỉnh cao” trong nước). Tuấn Anh, Vũ Khanh, Ý Lan… có mức cát-xê cho từng show sự kiện từ 4.000 đến 6.000 USD, chưa kể vé máy bay, ăn, ở (khoảng hơn 2.000 USD). Tuấn Ngọc, Trịnh Nam Sơn, Khánh Hà, Nguyễn Hưng, Trường Vũ, Mạnh Đình, Thanh Hà, Mạnh Quỳnh, Phi Nhung… từ 2.000 đến 6.000 USD tùy tính chất chương trình.
Một số ca sĩ “hot” như Bằng Kiều, Quang Lê, giá một show xê dịch ở mức 10.000 USD. Tiết lộ của bầu show cho thấy, giá cát xê ở Việt Nam trả cho các ca sĩ hải ngoại… gấp đôi giá các bầu show hải ngoại, kể cả các show tại châu Âu trả cho ca sĩ.
Tất nhiên, đó là một lý do quan trọng hàng đầu, nhưng không phải luôn là lý do chính. Nhiều nghệ sĩ khác về nước, còn bởi lòng hoài nhớ quê hương, tìm về những hoài niệm, hay mong muốn đóng góp, cống hiến cho quê hương. Có những nghệ sĩ về nước, ngoài hoạt động nghệ thuật, dành tấm lòng thiện nguyện với đồng bào, mà Phi Nhung là một đơn cử. Với nhiều nhà tổ chức biểu diễn, Phi Nhung là một nghệ sĩ có tinh thần hợp tác, lao động nghệ thuật nghiêm túc và không quá “ngặt” cát xê.
Còn với nhiều người dân, hình ảnh cô ca sĩ lai Việt này gắn liền với tâm lòng nhân ái. Từ nhiều năm nay, Phi Nhung đã nhận 13 trẻ mồ côi về làm con nuôi của mình, không lấy chồng sinh con, ngoài nghiệp diễn, thời gian còn lại cô dành hết cho những đứa con nuôi của mình, với một tấm lòng cao cả của người mẹ.
Năm 2012, Lệ Hằng, một ca sĩ hải ngoại có tiếng đã trở thành nghệ sĩ hải ngoại đầu tiên ra hát cho đồng bào chiến sĩ ở Trường Sa. Vì cuộc trở về này, nữ ca sĩ và gia đình đã gặp không ít khó khăn với những phần tử quá khích ở hải ngoại, sự nghiệp bị “đóng băng” một thời gian. Nhưng cuộc trở về đã thổi bùng lên trong chị lòng yêu nước, lòng tự hào quê hương. Sau chuyến trở về, chị đã trở thành một “người kể chuyện” về Việt Nam cho bạn bè người Việt đang sống ở hải ngoại hiểu đúng về quê hương, đất nước mình.
Khánh Ly là một trường hợp đặc biệt. Đường về của Khánh Ly có vẻ trắc trở hơn các bạn nghệ sĩ cùng thế hệ và thế hệ sau của mình rất nhiều. Đã hơn một lần, những chuyến về của Khánh Ly bị hủy trong sự tiếc nuối của chính nữ danh ca và những người mộ điệu trong nước. Lần thì giấy phép trục trặc, lần vì rắc rối giữa các bên hợp tác, liên quan đến thù lao và nhiều vấn đề khác.
Những chuyến trở về không thành cũng nhanh chóng lắng đi, bởi cuộc sống nhiều tất bật, công chúng còn quá nhiều thứ để quan tâm, và còn bởi, từ sâu thẳm trong lòng, tuy ái mộ danh ca, nhưng nhiều người vẫn hiểu rằng, thời điểm chưa đến.
Bây giờ thì Khánh Ly đã đường hoàng về nước trong một chương trình biểu diễn quy mô và duy nhất tại Hà Nội. Sự náo nức của công chúng đã không còn ồn ã như xưa, nhưng tất nhiên, với rất nhiều thế hệ người nghe, đây vẫn là một thông tin đáng để vui. Không chỉ bởi Khánh Ly hát hay, không chỉ bởi họ say mê giọng hát. Khánh Ly dường như đã trở thành một phần của câu chuyện âm nhạc về người nhạc sĩ huyền thoại họ Trịnh, và bản thân Khánh Ly, với cuộc du ca suốt đời, cũng gần như trở thành một huyền thoại của một thời dĩ vãng. Sự hoài niệm buồn, nhưng đôi khi đem lại sự mê mẩn như một chất gây nghiện.
Tất nhiên, với nhiều người, đón nhận cuộc trở về này là đón nhận một phần của hoài niệm, nghe hát bằng hoài niệm, bởi họ hiểu rằng, với một ca sĩ ngoại thất thập, dù là danh ca, thì cũng khó lòng bảo toàn được giọng hát liêu trai thời son trẻ như công chúng từng say mê trên băng đĩa.
Ngay cả Khánh Ly, cũng nói rằng “Tôi là người đã sống qua hai thế kỷ, là kẻ kể chuyện rong trong suốt hơn 50 năm. Tôi đã kể cho các bạn nghe về tình yêu đôi lứa, tình bằng hữu, tình quê hương. Các bạn đến với tôi không phải tôi đẹp hơn như tuổi hai mươi, cũng không phải vì giọng hát tôi còn như thuở thanh xuân, mà vì những năm tháng cách xa, tôi đã trở thành kỷ niệm. Tôi sẽ rất hạnh phúc được gặp lại nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong những khoảnh khắc quý giá trên sân khấu quê nhà”.
Có thể gọi đây lại là một cuộc trở về mang ý nghĩa khác, cuộc trở về của những hoài niệm. Vẻ đẹp của âm nhạc, lại một lần nữa xoa dịu kí ức đau buồn, xóa bỏ những định kiến, ranh giới và khác biệt, của những người cùng chung một quê hương.
Theo PLO