- Lúc sáng tác tôi cũng không ngờ 'Như có Bác trong ngày đại thắng' lại có sức lan tỏa rộng như thế, còn vượt qua biên giới Việt Nam", nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Cho tới bây giờ nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn nhớ như in thời điểm mấy năm trước khi anh em nhạc sĩ Hà Nội, Sài Gòn gặp nhau ở Huế. Hôm đó, văn nghệ sĩ đang tưng bừng hát ca thì có một đoàn khách Nhật Bản tình cờ gặp và xin tham gia. Đoàn khách du lịch ấy có vài ba người biết đánh guitar, họ chỉ xin hát đúng 2 bài, bài đầu tiên là dân ca Nhật Bản rất nổi tiếng Hoa Anh Đào và bài thứ hai, thật bất ngờ, đó chính là “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Bất ngờ hơn là họ lại hát bằng tiếng Nhật – khiến nhạc sĩ ngỡ ngàng vì xúc động.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể: "Khi các bạn hát bài của tôi, họ hát bằng tiếng Nhật cho nên ở dưới các nhạc sĩ chỉ biết vỗ tay theo nhưng đến đoạn điệp khúc 'Việt Nam Hồ Chí Minh' không ai bảo ai, tất cả đều đồng thanh hát tiếng Việt. Ngay sau đó nhạc sĩ gặp trưởng tốp người Nhật hỏi tại sao bên đó lại biết bài này bởi ngày giải phóng đã qua lâu rồi? Bà trả lời: “Chúng tôi hát bài này không chỉ ca ngợi ngày chiến thắng 30/4 của các bạn mà còn ca ngợi nước Việt Nam dưới thời đại Hồ Chí Minh. Chính vì vậy trong các cuộc họp mặt đông đảo hai nước Việt Nhật chúng tôi đều hát hai bài này".
Nhạc sĩ Phạm Tuyên nhớ lại, lúc đó ông phụ trách Ban Âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam . Lực lượng anh em nhạc sĩ ở Đài tương đối mạnh và gần như ai cũng dồn tâm huyết vào sáng tác những ca khúc hướng về miền Nam ruột thịt. Ngày bất ngờ nghe Đài đưa tin có chiến sĩ phi công Nguyễn Thành Chung ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Ông với các anh em đứng ngây người một lúc nghĩ “đến Tân Sơn Nhất tức là đến Sài Gòn; mà đã đến Sài Gòn thì chỉ vài ba hôm nữa thôi là giải phóng”. Lúc bây giờ ông Trần Lâm - giám đốc Đài giao nhiệm vụ “chiến thắng lần này của chúng ta là vĩ đại lắm cho nên anh em viết một bài gì đó phải thật hoành tráng”.
Ngay đêm đó nhạc sĩ Phạm Tuyên đã suy nghĩ và dốc sức ra viết. Sáng hôm sau ông mang tới Đài bản nhạc “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Lúc duyệt mọi người nhận xét bài này quá đơn giản và còn chưa chiến thắng nên anh em động viên nhau bài này sẽ chuẩn bị ngày 7/5 kỷ niệm giải phóng Điện Biên Phủ thì phát sóng. Có anh em làm bên chính trị còn nói với các nhạc sĩ: “Cẩn thận không thôi lạc quan tếu vì mình chưa chiến thắng”. Một vài tiếng sau anh em ở trên báo rằng: “11h trưa quân ta kéo cờ trên Dinh Độc lập”. Vậy là giám đốc Trần Lâm gọi điện gấp cho tôi lên bàn, bởi ban tuyên huấn cho phép Đài tiếng nói VN phát tin vui đại thắng vào lúc 17h hôm 30/4/1975.
Lúc gặp, ông Lâm có nhắc: “Trước đây tôi có nói chuẩn bị ca nhạc hoành tráng để đón ngày chiến thắng, vậy hiện nay có những ca khúc gì cho tôi biết?” Nhạc sĩ Phạm Tuyên có kể ra một số bài mình biết xong, ông Trần Lâm có hỏi: “Thế ông không viết à?” Nhạc sĩ chia sẻ rằng mình chỉ viết được một bài ngắn ngắn và hát cho ông Lâm nghe. “Nghe xong ông ý có nói với tôi chỉ cần bài ngắn như thế này thôi, chiều nay triệu tập đoàn ca nhạc lên để tập. Tôi hơi ngập ngừng và bảo rằng hay là dùng những bài Giải phóng Miền Nam… Ông Trần Lâm gạt ngay. Bây giờ dùng bài Tiến về Sài Gòn thì tiến về rồi, Giải phóng Miền Nam thì giải phóng rồi cứ phát lại những bài cũ không được cho nên dứt khoát dựng bài này”.
“Có thể nói tôi chưa bao giờ dự một buổi thu thanh cảm động như vậy. Khi đó ông Cao Việt Bách chỉ huy cả những nghệ sĩ chơi nhạc cụ đến người hát đều rơi nước mắt vì ngạc nhiên và sung sướng khi đất nước hoàn toàn giải phóng. 4h chiều thu xong, ông Trần Lâm lên báo cho các anh ở ban tuyên huấn và các trưởng ban đối nội, đối ngoại của Đài đến nghe ở phòng thu. Sau đó, đúng 5h chiều sau khi phát tin đại thắng ca khúc: “Như có Bác trong ngày đại thắng” được phát liên tiếp cho đến tận 12h đêm” – nhạc sĩ Phạm Tuyên kể.
Nói về “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” với nhạc sĩ Phạm Tuyên dường như không bao giờ có thể kết thúc được.
Nguyễn Thanh Sơn