- “Niềm tin cuối cùng là núi sông ta sẽ vẹn toàn!" - đó là lời của vị nhạc sĩ 73 tuổi, người đoạt giải cao nhất cho phần thi Âm nhạc.
Tháng 8 năm 2011 cũng rực lửa như những ngày
tháng 5 năm 2014 này, khi cả nước đang đồng lòng hướng về phía biển
Đông. Khi đó, báo VietNamNet đã cùng Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Nhà văn
Việt Nam quyết tâm tổ chức cuộc thi sáng tác thơ và ca khúc về đề tài
biển đảo, về tình yêu và lòng quyết tâm bảo vệ chủ quyền trên biển của
Việt Nam. Cuộc thi mang một cái tên đầy ý nghĩa: "Đây biển Việt Nam".
Sau hơn 4 tháng phát
động, BTC đã nhận được một con số ấn tượng gồm 1015 tác phẩm Thơ và 417
tác phẩm Nhạc gửi đến cuộc thi. Dù chất lượng về mặt nghệ thuật có thể
khác nhau, nhưng các tác phẩm đều tràn đầy tinh thần yêu nước, yêu hòa
bình, một lòng thiết tha với dân tộc và hướng về những người lính đang
ngày đêm bảo vệ miền biển đảo. Đa phần trong số đó là những sáng tác mới
được viết ngay trong những tháng ngày mà trái tim tác giả đau đáu hướng
về phía biển.
12 tác phẩm Nhạc và 11 tác phẩm Thơ đã được trao
giải long trọng trong đêm 19/02/2012. Những người mang sứ mệnh sáng tác
đã thể hiện trách nhiệm nói lên tiếng nói của trái tim, của dân tộc và
thời đại về một thời kỳ ta đang sống; với mong muốn mạnh mẽ được yêu Tổ
quốc, xây dựng và bảo vệ non sông. Giờ đây sau hơn 2 năm, dường như
những tiếng lòng ấy mong muốn lại được cất lên gửi tới Đồng bào và các
Chiến sĩ ngoài hải đảo.
Báo VietNamNet xin trân trọng giới thiệu lại các ca
khúc đoạt giải cao nhất trong cuộc thi "Đây biển Việt Nam" năm 2011-2012
mà chúng tôi đã tổ chức. Những khúc ca mạnh mẽ và tươi mới về tình yêu
biển đảo đã cắm mốc chủ quyền bằng âm nhạc, tiếp thêm niềm tin và sức
mạnh trong trái tim chiến sĩ và đồng bào cả nước.
Đảo chìm - tác giả: Lê Mây
Trong cuộc thi "Đây biển Việt Nam", nhạc sĩ Lê Mây đã nắm giữ một kỉ lục khó ai bì kịp, đó là sáng tác 7 bài hát trong 8 ngày, mỗi bài hát chỉ mất 30 phút. Vị nhạc sĩ năm đó đã 71 tuổi nhưng mỗi khi nói về Trường Sa ông lại không ngừng nói về những kỉ niệm, nỗi nhớ một cách say sưa: “Trường Sa vốn là niềm vui, là nỗi buồn là cái gì đó căn cốt trong tôi rồi”.
Đảo chìm là ca khúc được ông sáng tác ngay trên hòn
đảo nổi tiếng của quần đảo Trường Sa trong một chuyến mà ông vinh dự
được một lần ghé thăm. Những lời ca trong bài hát hoàn toàn là bức tranh
thực ông vẽ về hòn đảo này. Và khi rời khỏi đảo, ngoảnh lại nhìn những
chiến sĩ ở lại hướng theo con thuyền, một niềm tin ngay tức khắc chợt
đến trong trái tim ông -“Niềm tin cuối cùng là núi sông ta sẽ vẹn
toàn…!”.
Khúc tráng ca biển - Thơ: Trịnh Công Lộc, nhạc: Vũ Thiết
Ca khúc do Xuân Hảo - giọng ca đoạt giải Nhất Sao
Mai 2009 dòng Thính phòng trình bày, mang nhiều âm hưởng thính phòng với những tìm
tòi nghiêm túc, kỹ lưỡng về thủ pháp.
Đúng như
tên gọi, những lời ca hùng tráng, bi tráng đến gai người cùng với
tiếng nhạc xoáy vào tâm trí người nghe những câu hỏi của biển.
Bản nhạc tuy ngắn, chỉ vừa đúng một trang, nhưng bài hát và âm hưởng của
nó như dài mãi, như tấm lòng của người chiến sĩ dành cho Tổ quốc, không
cạn bao giờ.
Ca khúc đoạt giải Đặc biệt, hợp xướng: Biển đảo anh hùng, Tổ quốc quang vinh - tác giả Nguyễn Tôn Nghiêm
Hợp xướng: Biển đảo anh hùng Tổ quốc quang vinh
(Nguyễn Tôn Nghiêm) sẽ là một sự ngạc nhiên cho người nghe. Tác phẩm đặc
biệt gây xúc động bởi phần lời thiết tha, cao đẹp, hòa hợp và ăn ý với
âm nhạc hết sức dịu dàng, thanh tao.
Phần nhạc chủ yếu sử dụng đệm piano tưởng chừng như
giản dị và được tiết chế đến tối giản, nhưng đã tạo được hiệu quả về cảm
nhận đến không ngờ và trở thành một nét lạ lẫm, nghe nhiều không chán,
không ồn ào. Âm nhạc ẩn dưới lời ca càng làm nổi bật ý nghĩa của câu từ
và nâng cao sức mạnh đồng thuận của thể loại hợp xướng.
"Bao đau thương đã biến thành sức mạnh, cả nước lên
đường cuộc trường chinh gian nan. Chung sức chung lòng cho một ngày
chiến thắng. Rạng rỡ màu cờ đỏ thắm vinh quang".
Vân Sam