- "Sự hòa nhập với nhịp điệu của tuổi trẻ khi nhạc sĩ đã vào tuổi lục thập, thật không thể dễ dàng. Ai là người làm sáng tạo VHNT cũng biết rõ điều đó. Ấy vậy mà Thuận Yến đã làm được điều đó với hàng loạt ca khúc mới lạ, trẻ trung''.


Sự ra đi của nhạc sĩ Thuận Yến khiến nhiều đồng nghiệp và khán giả tiếc nuối. Trên trang cá nhân của mình, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã có một bài viết dài xúc động trong đó có những câu chuyện rất riêng của ông cùng tác giả ca khúc "Tình yêu không lời".

"Vào tuổi hoàng hôn của cuộc đời, nhạc sĩ Thuận Yến mắc phải căn bệnh mất trí nhớ Alzheimer, ông không nhận ra được cả Thanh Lam, cô con gái yêu của mình. Hai năm trước, tôi gặp vợ chồng ông trong cuộc hội ngộ Văn công Quân Khu 4 tại Hà Nội, chị Hương chỉ tôi và hỏi chồng: Anh có nhớ ai đây không? Thuận yến cười hiền lành, lắc đầu.

{keywords}
Vợ chồng nhạc sĩ Thuận Yến.

Sau bữa trưa, mọi người đang ngồi uống nước thì chị Hương phát hiện chồng đi đâu mất và hốt hoảng đi tìm. Thuận Yến đã đi ra đường và không biết lối trở lại. Khi chị Hương đưa ông về, tôi thấy buồn vô hạn. Một nhạc sĩ tài hoa, một người sống tình cảm luôn thân thiết với mọi người và thích chuyện tiếu lâm... đã mất trí nhớ.

Thời chiến tranh, anh sinh viên trường Âm nhạc Việt Nam Đoàn Hữu Công vừa tốt nghiệp Trung cấp sáng tác đã tình nguyện về chiến trường miền Nam để sáng tác âm nhạc phục vụ kháng chiến. Nhiều bài hát cách mạng của ông đã truyền cảm sâu sắc đến những người lính giải phóng và nhân dân hai miền như: Hát mừng quê ta giải phóng, Mỗi bước ta đi, Bài ca tiếp vận, Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc...

Âm nhạc của ông luôn khúc chiết, bài bản, chứng tỏ một học vấn khá chuẩn mực. Thời đó, tôi rất thích những ca khúc viết theo lối âm nhạc hình tượng, hàn lâm như thế với những sáng tạo bất ngờ mà không bị "nghiệp dư hóa". Nhưng cái thành công hơn cả trong ca khúc Thuận Yến là hơi thở của cuộc sống kháng chiến và hơi thở của người nhạc sĩ đã hòa nhập làm một. Có thể nói, với những ca khúc của mình, Thuận Yến đã thổi một làn gió mới vào âm nhạc cách mạng cuối những năm 60 của thế kỷ 20.

Sau 1975, Thuận Yến trở lại Nhạc viện Hà Nội tiếp tục hoàn thành chương trình đại học sáng tác. Thời kỳ này ông viết một số bản nhạc không lời, viết nhạc cho phim. Nhưng đam mê nhất của ông vẫn là viết ca khúc trữ tình. Nhiều ca khúc của ông vang lên lay động lòng người: Bác Hồ - một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Ðình, Miền Trung nhớ Bác, Người về thăm quê... và đặc biệt là những ca khúc về người lính rất nổi tiếng ngay trong cuộc chiến tranh biên giới phía bắc 1979 như Gửi em ở cuối sông Hồng, Màu hoa đỏ, Hương tràm...

Có lẽ bước ngoặt ấn tượng nhất của Thuận Yến là ông chuyển hướng từ nhạc trữ tình sang nhạc trẻ cuối những năm 80 thế kỷ trước. Bước ngoặt này khởi đầu từ cô con gái rượu Thanh Lam, "nữ hoàng âm nhạc" thời bấy giờ. Thanh Lam muốn hát bài hát của ba, và ông đã viết một loạt bài hát trẻ cho giọng hát của cô: Chia tay hoàng hôn, Tình yêu không lời, Khát vọng, Đợi chờ, Em tôi, Tìm anh, Thành phố vắng anh, Trái tim lang thang, Vị đắng tình yêu.

Sự hòa nhập với nhịp điệu của tuổi trẻ khi nhạc sĩ đã vào tuổi lục thập, thật không thể dễ dàng. Ai là người làm sáng tạo VHNT cũng biết rõ điều đó. Ấy vậy mà Thuận Yến đã làm được điều đó với hàng loạt ca khúc mới lạ, trẻ trung. Tôi ngạc nhiên về bước ngoặt này của ông, bởi ông là một người luôn sống nghiêm ngắn, với tâm hồn giàu chất truyền thống nếu không gọi là "bảo thủ" trong các quan niệm sống và sáng tác.

Có lẽ ông đã chia sẻ thật nhiều với tâm hồn cô con gái, ca sĩ Thanh Lam, một tính cách mạnh trong làng nhạc trẻ. Những khát khao, mất mát trong cuộc sống của Thanh Lam như đã truyền thổi vào tâm hồn người cha luôn bên đứa con yêu. Với những ca khúc này, Thuận Yến như chia sẻ cùng con. Và có lẽ vì thế mà nó đã vượt qua được giới hạn cá nhân để hòa nhập với thế hệ trẻ đương thời.

Một lần ngồi uống bia cùng họa sĩ Lê Huy Quang bên hồ Ngọc Khánh, tôi gặp Thuận Yến ngang qua. Khi bắt tay ông, tôi hát mấy câu nhạc trẻ của ông mà tôi rất thích: "Chưa dám hôn nhau. Chưa lời thổ lộ. Mà sao hơi thở như là của nhau. Chưa nắm tay nhau. Chưa ngồi sát lại. Mà sao năm tháng như là của nhau". Thuận Yến xúc động lắm. Ông bảo nhà ông có rượu Tây, chả uống bao giờ, Tạo, Quang về thử xem có ngon không.

Tôi và Quang về nhà ông. Trên tủ rượu có nhiều chai đủ loại, ông bảo Tạo thích chai nào cứ mở. Tôi chỉ vào chai rượu đắt tiền nhất, nói đùa vì biết ông là người không hay bia rượu: "Mở chai này anh ạ. Chai này ít tiền thôi". Thuận Yến ngăn ngay: "Lấy chai ngon nhất mà uống, để đây có ai uống đâu". Tôi cảm động về cái tính chân thành, nhiệt tình với khách của ông, và thú thật: "Đây là chai rượu mà anh muốn đó". Ngồi uống rượu ngon và nghe ông hát. Chị Hương nướng mực khô, đi ra đi vào lắng nghe và thỉnh thoảng nói vui: "Ông già dạo này viết nhạc cứ như thanh niên''.

Đúng vậy, Thuận Yến đã trẻ lại. Nhưng rồi không cưỡng được thời gian, ông tập hợp các tác phẩm âm nhạc của mình để in thành sách. Tập sách này đã gói lại cuộc đời sáng tác của ông...

Tôi xem tập sách được ông ký tặng, thấy đóng góp của ông thật lớn lao. Chợt nghĩ, nếu người ta tặng cho ông Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT kể cũng xứng đáng. Nhưng ông chỉ được trao Giải thưởng Nhà Nước. Khi tôi nói điều này, Thuận Yến chỉ cười cười, một nụ cười không rõ vui hay buồn...

Tôi lại mở sách và gặp ca khúc Tự sự. Có lẽ đây cũng là một nỗi niềm riêng của ông: 'Ta vẫn biết đời ta còn nhiều cơn mưa nhỏ. Ðừng ướt thấm hồn ta thành những nỗi đau dài. Hãy như những mầm xanh xứ sở. Mưa gió nhiều thành cổ thụ ngày mai. Nếu lòng ta có ào ào bão tố! Thì em ơi! Hãy vững lấy tay chèo...

Bẵng đi một thời gian, không thấy ông viết gì nữa, tôi hỏi Thanh Lam mới biết ba cô đã mắc bệnh quên. Và hôm thứ bảy ngày 24/5/2014 tôi nhận được mấy cuộc điện thoại từ các báo đặt bài viết về Thuận Yến, tôi mới biết ông đã qua đời vào buổi trưa cùng ngày. Tiếc là hôm đó tôi có việc nên không thể ngồi viết bài về ông được, và giới thiệu người khác viết. Hôm nay, trước khi đưa ông về cõi xa vào lúc 12h30 ngày mai, tôi viết vội mấy dòng này như một nén tâm nhang vĩnh biệt ông, người nhạc sĩ của cách mạng và tuổi trẻ''.

C.O.I tổng hợp