Những họa sỹ tên tuổi như Lương Xuân Đoàn, Lê Thiết Cương, Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật) đã thẳng thắn đưa quan điểm khen, chê để lên “dây cót” cho họa sỹ trẻ Lê Hữu Hiếu tại triển lãm cá nhân: “Mặc”.

{keywords}
Họa sỹ Lương Xuân Đoàn (đứng) đang nhận xét về tác phẩm sắp triển lãm của Lê Hữu Hiếu (người ngồi mặc áo đỏ).

Dường như, cái tên “Mặc” có vẻ gợi mở đa nghĩa và “đánh lừa” người xem. Một số khách mời khi được hỏi đã thẳng thắn bày tỏ: “Nghĩ rằng, nó sẽ là những tác phẩm về chủ dề rất đời thường, kiểu… “ăn, mặc, ở”, nhất là triển lãm của một họa sỹ trẻ.

Mà, với người trẻ, khi nhìn chưa sâu, đi chưa xa, họ hay thích nói về những thứ xung quanh họ, gần với họ, cái mà họ quan tâm. Nhất là trào lưu “giải phóng cái tôi” của một số người trẻ làm rùm beng cộng đồng mạng thời gian qua.

{keywords}
Tác phẩm "Đoàn kết"

{keywords}
"Khiêu vũ"

Nhưng, “Mặc” của Lê Hữu Hiếu, họa sỹ trẻ, sinh năm 1982, “nghề tay phải” là kiến trúc sư, thời gian cầm chuột và bàn phím nhiều hơn cầm cọ, lại hoàn toàn khác.

Anh nói: “Mặc” ở đây, nó mang ý nghĩa phản ứng của cá nhân tác giả đối với một thời gian sống nội tại của chính mình, kiểu “mặc kệ”, “mặc xác”, để mình “rơi tự do” vào quãng sâu, xem nó rơi đến chừng nào thì dừng, chừng nào thì thoát ra được thời điểm mà anh tự thấy “khủng hoảng nhất” của chính mình.

Với 18 tác phẩm triển lãm (vào ngày 3/7 tại Bảo tàng Mỹ thuật, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), được thể hiện trên các chất liệu chủ đạo: sơn dầu trên canvas, acrylic, vàng, bạc, acrylic, nhựa composite kết hợp màu acrylic…, 8 tác phẩm đánh số từ 1 đến 8 có chủ đề “Mặc”, còn lại đều “có tên” như: Áp lực, Hai nụ cười, Một mình, Phơi, Thoát, Miền tư duy, Cuộc chiến cuối cùng, Lễ hội cuối cùng…

Những bậc “đàn anh” trong làng hội họa Việt Nam như Lương Xuân Đoàn, Lê Thiết Cương, Vi Kiến Thành đã có mặt tại buổi ra mắt ấm cúng với họa sỹ trẻ.

Nhận xét về tranh của Lê Hữu Hiếu và trào lưu vẽ tranh của giới họa sỹ trẻ thời nay, họa sỹ Lê Thiết Cương nói: “Giới họa sỹ trẻ bây giờ không điệu như thế hệ họa sỹ trẻ U60 thời chúng tôi. Các bạn vẽ có chủ đề, có ý tưởng, có tư tưởng rành mạch, không vẽ đèm đẹp, không chủ đề, không ý tưởng… như nhiều họa sỹ thế hệ tôi thời trẻ từng vẽ”.

Lê Thiết Cương nói triển lãm đầu tay của anh, năm 1991, anh còn không dám mời Lương Xuân Đoàn. Nhưng, Lê Hữu Hiếu đã dám làm điều ấy. Đó là sự khác biệt của cả hai thế hệ họa sỹ.

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn cũng có nhiều nhận xét tương đồng với Lê Thiết Cương. “Lão họa sỹ” nói: “Đã là tác phẩm nghệ thuật thì cần đưa đến công chúng. Bức tranh vẽ ra không phải đẹp với người vẽ, mà phải đẹp với người xem. Cần nhiều sự quan tâm của xã hội, công chúng để tiếp sức cho các họa sỹ, nhất là các họa sỹ trẻ".

Lê Hữu Hiếu đáp từ trước những ý kiến của các bậc đàn anh: “Hội họa, đó là đam mê của tôi từ nhỏ. Với tôi, vẽ là được sống trong một thế giới an toàn nhất, là cách để giải phóng đời sống tinh thần mà vẫn tập trung được năng lượng”.

Một số tác phẩm sẽ được triển lãm của Lê Hữu Hiếu

{keywords}
"Phơi"

{keywords}
"Một mình"

{keywords}
"Áp lực"

{keywords}
"Thoát"

DiLinh