Những gam màu trong sáng, tinh tế, những nét vẽ đầy nội lực, và một tình yêu đăm đắm dành cho hội họa truyền thống – đó là tất cả những gì tôi cảm nhận được khi xem tranh của họa sĩ trẻ Nguyễn Đức Đàn.


“Tôi tìm thấy ở sơn mài cái đẹp ẩn hiện”, người họa sĩ nói rồi chỉ cho tôi xem cái duyên dáng của từng gam màu trên những bức tranh treo trên tường nhà anh, cái lấp lánh tự nhiên của những vỏ ốc, vỏ trứng, ánh biêng biếc dịu dàng của những chấm li ti vỏ trai, vỏ sò…   

Sự mời gọi của những sắc màu sơn truyền thống

Sinh năm 1982 tại Mỹ Đức, Hà Nội, Nguyễn Đức Đàn thích vẽ từ khi còn nhỏ. “Nhớ những buổi đi chăn trâu cùng lũ bạn, tôi say sưa ngồi một chỗ lấy đất đắp tượng Bác Hồ”, Đàn nói. Những bức tượng giản đơn và ngái mùi bùn đất ấy có lẽ đã theo cậu bé Đàn vào trong cả những giấc mơ chập chờn, để rồi không biết tự lúc nào, những buổi chiều chăn trâu trên cánh đồng quê đã trở thành niềm mong đợi đầy hào hứng của cậu bé.

 {keywords}

Họa sĩ Nguyễn Đức Đàn

Lên lớp 10, Nguyễn Đức Đàn xin học vẽ tại xưởng của một người làm truyền thần. Cậu bé đã bắt đầu việc học tập với ít nhiều hứng thú, song cùng với thời gian, Đàn phát hiện ra rằng con đường đó không phải là nghệ thuật hội họa. Tốt nghiệp cấp III, Đàn lên trung tâm Hà Nội với ý định thi vào một trường mỹ thuật, nhưng dự định ấy bị chính Đàn dập tắt khi nhìn thấy bao thí sinh tự tin quanh mình. “Nhìn họ, tôi thấy hoảng quá, và đành phải lui lại 1 năm để trang bị thêm kiến thức cho mình”, anh kể lại. Vậy là tạm gác lại ước mơ trở thành sinh viên mỹ thuật, Nguyễn Đức Đàn hiểu rằng hơn lúc nào hết mình cần đến những người thầy.

Được sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Xuân Nghị và thầy Khúc Văn Thông, sau một năm Đàn đã đủ kiến thức cơ bản để có thể thực hiện ước mơ của mình. Thi đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, với Đàn là một niềm vui lớn lao nhưng bên cạnh đó, anh vẫn thấy giữa việc học và bước tiến đến nghề nghiệp sau này quả thực rất mơ hồ. Anh thành thực chia sẻ: “Lúc đó tôi chưa hiểu nổi sau này mình sẽ làm nghề gì. Tôi chỉ biết mình học vì thích thôi, và tôi chờ đợi…”.

Thế rồi, như một cơ duyên, từ chỗ không định hình được con đường nghệ thuật và sự nghiệp, Nguyễn Đức Đàn đã có một lựa chọn. Nhìn thấy tranh sơn mài của các thầy, anh tỏ ra vô cùng thích thú. Vẻ đẹp tự nhiên, ẩn hiện của sơn mài đã đánh thức nỗi đam mê trong chàng sinh viên mỹ thuật. “Chất liệu sơn mài truyền thống là chất liệu huyền ảo, có độ sâu thẳm khác hẳn với các loại sơn mài công nghiệp”, anh cho biết. Đàn kiên quyết chọn học Khoa Mỹ thuật truyền thống ngành sơn mài, mặc cho nhiều bạn bè khuyên can với lý do “học sơn mài khổ lắm”. Đàn chỉ trả lời bằng câu: “Nhưng tôi thích”. Trước sự kiên quyết ấy của Đàn, một người bạn thở dài buông câu: “Rồi sẽ ân hận đấy!”.

Và với sự gọi mời đầy quyến rũ của những sắc màu sơn truyền thống, Nguyễn Đức Đàn đã mở ra cánh cửa cho con đường nghệ thuật của anh. 

Những lát cắt từ một giấc mơ đẹp

Khi bắt đầu vào học chuyên ngành, Nguyễn Đức Đàn thấy rằng việc học trong nhà trường không đủ cho khát vọng sáng tác tranh. Một lần nữa, anh tìm đến xin làm thêm tại một số xưởng của các họa sỹ nổi tiếng. Thời gian phụ việc ở đó đã giúp nhiều cho Đàn không chỉ trong việc bồi bổ kiến thức và nhãn quan nghệ thuật mà còn trong cả việc giao lưu, mở rộng quan hệ với giới hội họa, kinh doanh. Cũng có một thời gian, tạm ngừng các công việc học tập lại, Đàn dành riêng cho mình một khoảng lặng để tự cân bằng và lấy lại tâm thế sáng tạo nghệ thuật.

{keywords} 

Tác phẩm Gánh hàng rong của Nguyễn Đức Đàn

Có những ngày như thế, anh chỉ nằm ở nhà hoặc lên thư viện đọc sách. Hết cuốn nọ đến cuốn kia, thường là sách văn học hoặc triết học, Đàn đọc như thể khát chữ. Hơn bất cứ nghệ thuật nào khác, văn học với trò chơi kỳ diệu của những con chữ không những có khả năng lấp đầy những khoảng trống của kiến thức mà còn có tác dụng nuôi dưỡng, thanh lọc tâm hồn. Nguyễn Đức Đàn coi đó như một cách để trau dồi hiểu biết và hấp thụ những xúc cảm thẩm mỹ. Những sáng tác đầu tiên của anh bị ảnh hưởng nhiều từ công việc đó. Chúng mang vẻ đẹp lãng mạn, trữ tình, giống những lát cắt từ một giấc mơ đẹp mà tác giả cùng tất cả những hăm hở của tuổi trẻ và sự say sưa dấn thân vào cuộc thử nghiệm đã nắm bắt được từ cuộc sống hiện thực. Bức Tiếng vĩ cầm và Sáng chủ nhật là tác phẩm tiêu biểu cho giai đoạn sáng tác này. Ở đó, người họa sĩ trẻ phác họa một cô gái trong khung cửa đang kéo violon, một thiếu nữ nhâm nhi ngồi đọc sách trong quán cà phê…, tất cả toát lên vẻ đẹp mang chút sang trọng, đài các nơi phố thị.

Tuy nhiên, Nguyễn Đức Đàn không chỉ tìm đến những vẻ đẹp sang trọng  như thế, mà còn khắc họa cái đẹp ở mọi ngõ ngách cuộc sống. Gánh hàng rong là một bức tranh sơn mài khá lớn đặc tả chị bán hàng rong đang nép vào một cột điện, một gờ tường với ánh mắt lo lắng, bồn chồn. Bức tranh Bắt cá lại diễn tả những phụ nữ thôn quê đang úp nơm với gương mặt tươi tắn, rạng rỡ… Và điều đặc biệt dễ nhận thấy trong tranh sơn mài truyền thống của Nguyễn Đức Đàn là màu sắc khá trang nhã, hài hòa, bố cục chắc, hợp lý và khi đi vào chi tiết thì đường nét khá tinh tế.

Cuộc thử nghiệm mới

Không ngừng làm mới mình, Nguyễn Đức Đàn dần nhận ra rằng lối vẽ theo kiểu hiện thực lãng mạn ấy chưa hẳn đã bao quát được hết những ý tưởng. Anh tìm đến lối vẽ đơn giản, mang tính trừu tượng và ước lệ hơn. “Truyện Kiều” được họa sĩ chọn như một đề tài đầy hấp dẫn cho cuộc thử nghiệm mới. “Cái khó là đề tài về Truyện Kiều đã có nhiều bậc tiền bối có tên tuổi chọn làm, như họa sĩ Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ… Chưa nói đến chuyện chất lượng nghệ thuật, nhưng phải làm sao để tranh của mình khác với tranh của họ”, Nguyễn Đức Đàn tâm sự.

{keywords} 

Tác phẩm Chơi vơi

Thế rồi, anh đã dồn hết tâm sức cho cái việc không dễ chút nào là thể hiện một đề tài truyền thống, chất liệu truyền thống trên lối vẽ hiện đại. Thành công đầu tiên là 4 bức vẽ Kiều đánh đàn đã được chọn dự triển lãm festival nghệ thuật quốc tế tại Myanmar vào năm 2012 (International Multimedia Art Festival - Myanmar). Sau đó, Nguyễn Đức Đàn còn vẽ một seris về bộ Truyện Kiều, mỗi bức một vẻ nhưng đều mang vẻ trang nhã, hiện đại. Ngoài ra, cũng với lối vẽ ước lệ này, anh còn khai thác ở một số đề tài khác nữa và cũng được người trong ngành đánh giá cao. Hai bức được chọn dự Triển lãm giới thiệu hội họa Việt Nam lần thứ 2 tại Đại sứ quán Đan Mạch - Chơi vơi và Nhìn – thể hiện quan niệm của Nguyễn Đức Đàn về nghệ thuật. “Chơi vơi” diễn tả tâm trạng của con người hiện đại đang chao đảo với cuộc sống bộn bề. “Nhìn” là bức tranh lấy ý tưởng từ một tờ kinh thánh cũ nát, chẳng có gì đáng chú ý, nhưng nếu ta quan tâm sẽ tìm được rất nhiều điều ý nghĩa ở đó.

Nguyễn Đức Đàn quan niệm rằng nghệ thuật phải luôn luôn tiến lên phía trước và người nghệ sỹ phải biết định hướng cái đẹp cho công chúng, thay vì tạo ra cái gì đó đèm đẹp nhàn nhạt cho phù hợp với số đông thị hiếu. Chính bởi vậy mà anh quyết tâm đi theo con đường của mình, chọn điều khó thay vì điều dễ, chọn cái mới mẻ thay vì cái quá cũ nhàm, chọn cách đến với công chúng chậm rãi mà lâu bền thay vì chiều chuộng nhằm vụ lợi. “Con đường nghệ thuật là con đường dài suốt cả cuộc đời, là một cuộc thử nghiệm mãi mãi”, anh nói. Và nhắc lại lời khuyên ngăn của bạn bè năm nào khi anh chọn sơn mài cho bước đường nghệ thuật của mình, Nguyễn Đức Đàn quả quyết: “Tôi biết là nhọc nhằn, nhưng nếu cho chọn lại, tôi vẫn sẽ đi con đường này”.

Phạm Quỳnh An