- Mới đây bà Joan Lebold Cohen, một nhà nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật người Mỹ đã mua một bức tranh cổ động Việt Nam với tiếng kêu cứu của hòa bình.
Tại triển lãm tranh cổ động về đề tài biển đảo diễn ra hồi tháng 6 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, trong số 49 bức tranh tham dự của các họa sĩ, bà Joan Lebold Cohen đã chọn mua bức "SOS - Hãy cho hòa bình một cơ hội" của họa sĩ Nguyễn Giang Anh.
"SOS - Hãy cho hòa bình một cơ hội" được vẽ bằng đồ họa Adobe Illustrator. Hình ảnh trung tâm là chú chim bồ câu hòa bình đang chảy máu bởi chiếc giàn khoan Hải Dương 981 cắm trên lưng. Đầu chú chim quay nhìn về phía dàn khoan. Bức tranh đơn giản nhưng ấn tượng bởi sự đối lập của các mảng màu đen trắng và đỏ. Dưới chân chú chim bồ câu là tín hiệu cấp cứu trên biển SOS được lồng lá cờ Việt Nam ở bên trong.
"SOS - Hãy cho hòa bình một cơ hội" được vẽ bằng đồ họa Adobe Illustrator. Hình ảnh trung tâm là chú chim bồ câu hòa bình đang chảy máu bởi chiếc giàn khoan Hải Dương 981 cắm trên lưng. Đầu chú chim quay nhìn về phía dàn khoan. Bức tranh đơn giản nhưng ấn tượng bởi sự đối lập của các mảng màu đen trắng và đỏ. Dưới chân chú chim bồ câu là tín hiệu cấp cứu trên biển SOS được lồng lá cờ Việt Nam ở bên trong.
Hàng chữ dưới chân tranh ghi: "Hãy cho hòa bình một cơ hội", “Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế - China must respect international laws”. Dưới đó là một hàng chữ nhỏ hơn nữa "Many Chinese vessels that are guarding the oil rig Haiyang Shiyou 981 China has illegally deployed in Vietnam’s water since May 1 have often fired their water cannons at Vietnamese ships." (Rất nhiều tàu Trung Quốc đang bảo vệ dàn khoan Hải Dương 981. Trung Quốc đã dàn trận bất hợp pháp trên vùng biển Việt Nam kể từ ngày 1 tháng Năm, thường xuyên phun vòi rồng về phía các tàu Việt Nam).
Bà Joan Lebold Cohen. Nguồn ảnh: joanleboldcohen.com |
Người mua bức tranh kể trên là bà Joan Lebold Cohen - một nhà nghiên cứu người Mỹ chuyên nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật kiêm nhiếp ảnh gia và giám tuyển. Bà bắt đầu nghiên cứu về nghệ thuật Trung Quốc từ năm 1960. Sống nhiều năm tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông, bà viết sách, trưng bày triển lãm và cho ra đời những bức ảnh về Châu Á từ năm 1973. Bà đã cùng chồng, ông Jerome A. Cohen - một chuyên gia về luật Trung Quốc - viết cuốn sách "China Today and her Ancient Treasures". Được biết bức tranh được bà mua để tặng chồng.
Họa sĩ Nguyễn Giang Anh thuộc lứa 8X, xuất thân từ trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Anh cho biết bức tranh vốn được vẽ từ thời sinh viên (năm 2008) với thông điệp bảo vệ môi trường. Trước đó thay cho hình dàn khoan cắm trên lưng chú chim bồ câu, anh đã vẽ lò phản ứng hạt nhân. Anh cho rằng hình ảnh mới đúng hơn và phù hợp hơn trong hoàn cảnh hiện tại.
Họa sĩ đã theo dõi tin tức về việc Trung Quốc đặt dàn khoan trong vùng biển Việt Nam từ những ngày đầu. Anh cập nhật thông tin thường xuyên và tác phẩm "SOS - Hãy cho hòa bình một cơ hội" đã có trước khi Hội Mỹ thuật TP.HCM phát động sáng tác về đề tài biển đảo. Sau khi biết thông tin từ Hội, anh mới gửi tranh tham dự và bất ngờ khi biết có một người Mỹ đặt mua.
Họa sĩ Nguyễn Giang Anh |
"Được biết đây là lần đầu tiên bà đến Việt Nam, tình cờ sau đó khi bà đã có mặt tại triển lãm và chú ý đến bức tranh SOS. Tôi tham dự triển lãm với hai bức tranh và không hề rao bán chúng, nhưng bà Cohen đã chọn mua chỉ riêng bức SOS trong tất cả những bức tranh trưng bày. Tôi được Hội Mỹ thuật thông báo khi đang trên đường đi. Khi biết tin tôi rất vui và có hẹn sẽ trở về trong buổi chiều để ký tên lên tranh, nhưng đã không kịp gặp bà để làm điều đó." - họa sĩ Giang Anh nói.
"Poster thường khó bán lắm, bán được cũng hơi lạ. Mình vui thứ nhất là vì tranh của mình được công nhận, thứ hai - quan trọng hơn - là tuyên truyền được một vấn đề của Việt Nam mình ra thế giới".
Họa sĩ tiết lộ, bức tranh được bán với giá 100 đô la (trên 2,1 triệu đồng). Một phần trong số đó anh góp cho quỹ Biển đảo. Triển lãm cá nhân đầu tiên của Nguyễn Giang Anh mang tên "Mộc" sẽ khai mạc vào ngày 16/7 tới tại TP.HCM, trong đó anh sẽ in lại bức "SOS - Hãy cho hòa bình một cơ hội".
Vân Sam