Mang danh hiệu Hoa hậu đi buôn cần sa, lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng, nhiều chân dài dùng thủ thuật trục lợi từ chính chiếc vương miện cỡ 'ao làng'.
Mang danh hiệu đi buôn cần sa
Giới chân dài, Hoa hậu Việt luôn tô vẽ một cuộc sống xa hoa bậc nhất, người ngoài nhìn vào chỉ thấy lấp lánh hư ảo của hào nhoáng, cuộc sống giàu có trải thảm, nhưng ít ai biết để có được sự lộng lẫy ấy, nhiều người đẹp đã dùng đủ thủ thuật trục lợi từ chính chiếc vương miện mình có được.
Mới đây, Tristine Trâm Bùi – Hoa hậu phu nhân toàn cầu bị tuyên án ba năm tù vì trồng và buôn bán một lượng lớn cần sa tại nhà khiến dư luận ồn ào.Cảnh sát Mỹ triệt phá đường dây buôn bán ma túy của Trâm Bùi vào tháng 2/2012 sau khi cô bị phát hiện giấu 0,5 kg ma túy trên xe ôtô.
Được biết, các nhà điều tra còn tìm thấy gần 9.000 USD tiền mặt trong chiếc xe Mercedes 2005 mà cô đang lái khi đó. Trâm Bùi và chồng lúc đó đã cố gắng thuyết phục cảnh sát rằng số ma túy này nhằm mục đích y tế.
Tristine Trâm Bùi dùng vương miện đi buôn cần sa
Nhưng mọi lý do ‘ngụy biện’ của Hoa hậu đã bị bác bỏ, người đẹp đối mặt án phạt 3 năm tù. Chiếc vương miện có được sau cuộc thi cỡ ‘ao làng’ – một trong 12 cuộc thi tìm kiếm nhan sắc đủ thể loại mỗi năm tại Mỹ được Tristine Trâm Bùi trục lợi bằng cách đi buôn cần sa.
Trong khi thông tin về Hoa hậu Phu nhân Việt Nam Toàn cầu Trish Trâm Bùi chưa kịp lắng xuống, thì Trương Thị Tuyết Nga - Á hậu 1 Hoa hậu Phu nhân Việt Nam Toàn cầu cũng bị truy tố vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, bà Nga thuê người thiết kế dự án đầu tư xây dựng nhà ở cao cấp và trung tâm thương mại có diện tích trên 30.000 m2 tại Q.2, TP.HCM.
Tuy dự án không được cơ quan chức năng chấp nhận, bà vẫn đi tìm khách hàng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất với giá 1.800 USD/m2, thu về khoản tiền hơn 1 tỷ đồng.
Không dừng lại ở đó, quý bà thành đạt này còn đem lô đất đi thế chấp ngân hàng để vay 131 tỷ đồng rồi lại lợi dụng mối quen biết mượn lại giấy tờ từ ngân hàng và cho con trai chuyển đổi, sử dụng. Trước đó, Trương Thị Tuyết Nga cũng từng bị cấm xuất cảnh vì những tội danh tương tự.
Cái đẹp không có tội, nhưng mượn danh cái đẹp để đi trục lợi những thương vụ phi pháp lại đáng lên án. Nhất là trong thời buổi ‘nhiễu loạn’ Hoa hậu như hiện nay.
Đến Ngọc Trinh còn trở thành hoa hậu, khi trình độ học vấn mới hết lớp 9, thì dường như chuẩn nhan sắc của chân dài đang ngày càng được hạ thấp xuống mức tối đa.
Thế mới thấy sức ‘hấp dẫn’ của những danh hiệu trong các cuộc thi nhan sắc, dù nhỏ bé cỡ 'ao làng', cũng là ước mơ của không ít cô gái mong muốn đổi đời nhanh chóng.
‘Hoa’ phải có ‘hương’
Không ít người vẫn nói vui rằng, đất nước chúng ta sản sinh ra nhiều ‘hoa’ nhưng ít ‘hương’. Số lượng Hoa hậu tăng lên chóng mặt, nhưng sự đóng góp cho xã hội lại chẳng đáng là bao.
Tại nhiều đấu trường nhan sắc trên thế giới, danh xưng Hoa hậu là mỹ từ cao quý đại diện cho nhan sắc, tri thức và lòng nhân ái. Thậm chí, còn có những quy định rõ ràng về việc sau khi đăng quang, các Hoa hậu sẽ đi huy động bao nhiêu tiền cho các quỹ từ thiện vì cộng đồng.
Cũng không phải ngẫu nhiên, mà cuộc thi nhan sắc lớn nhất thế giới là Hoa hậu thế giới đã đề ra tiêu chí ‘Hoa hậu có tấm lòng nhân ái’, để tôn vinh thí sinh thực hiện những hoạt động xã hội có ý nghĩa cao cả, có những đóng góp xuất sắc trong công việc từ thiện tại quê nhà.
Cho đến giờ, những người yêu mến cái đẹp hẳn chưa quên Hoa hậu thế giới Trương Tử Lâm – người lập kỷ lục mang về số tiền quyên góp từ thiện lên đến 30 triệu USD trong nhiệm kỳ cô giữ chiếc vương miện.
Trương Tử Lâm - vẻ đẹp của lòng nhân ái
Cuộc sống của Trương Tử Lâm cũng không có siêu xe hay những ngôi biệt thự đắt giá, nhưng luôn khiến nhiều người yêu mến vì tấm lòng thiện nguyện trong mỗi chuyến đi.
Câu chuyện về sự phi thường của Hoa hậu Thế giới 1998 Linoer Abargil đã đi vào lịch sử, như một biểu tượng cho lòng dũng cảm của phụ nữ Israel.
7 tuần trước khi trở thành Hoa hậu Thế giới, cô gái 18 tuổi người Israel - Linor Abargil bị cưỡng hiếp. Ở Israel, khi một người phụ nữ bị cưỡng hiếp, họ coi đó là chuyện đáng xấu hổ. Còn những kẻ gây tội ác thường nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Nhưng với Linor Abargil thì khác, cô không khuất phục những kẻ suy đồi, ngay sau khi dành được danh hiệu cao quý, Abargil đã công khai sự việc này và chính quyền Israel đã vào cuộc.
Linor Abargil - Biểu trưng của lòng dũng cảm
Có mặt trong phiên tòa xử kẻ cưỡng dâm, tân Hoa hậu Thế giới đã từ chối giấu tên và khuôn mặt mình, cũng như vẫn giữ nguyên giọng nói, vì Abargil đã khẳng định rằng: ‘Không có lý do gì phải xấu hổ khi mình bị cưỡng hiếp'.
Câu chuyện về lòng dũng cảm của Linor Abargil đã truyền cảm hứng cho tất cả phụ nữ Israel và những người căm ghét sự bạo ngược trên toàn thế giới.
Nói thế để thấy, bản chất của chiếc vương miện là cao quý, và người vinh dự được đội chiếc vương miện ấy cũng là biểu trưng cho nhan sắc, học vấn và tấm lòng nhân ái. Không thể vung tiền tổ chức những cuộc thi sắc đẹp cỡ ao làng, rồi cho ‘ra lò’ những Hoa hậu, Hoa khôi được ‘sản xuất’ hàng loạt với mục đích dùng vương miện trục lợi phi pháp.
Theo VTC News