Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam đã chính thức được UNESCO trao bằng công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Kí ức thế giới Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương 2014 (MOWCAP) sáng nay 30/7 tại Hà Nội.
Bà Katherine Muller Marin trao bằng công nhận di sản tư liệu Châu bản Triều Nguyễn cho đại diện của Việt Nam
UNESCO đánh giá cao giá trị nội dung, tính xác thực, độc đáo, duy nhất và tầm ảnh hưởng của Châu bản triều Nguyễn đối với khu vực và quốc tế.
Đây là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến Việt Nam, lưu giữ bút tích của các vua triều Nguyễn phê duyệt các vấn đề của đất nước.
Châu bản triều Nguyễn chứa đựng nhiều thông tin phong phú, phản ánh mọi lĩnh vực trong xã hội dưới triều Nguyễn như chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, giáo dục… Đặc biệt, theo nội dung các châu bản, các cơ quan của triều đình nhà Nguyễn đã tiến hành xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; cử nhiều đoàn khảo sát liên tục ra 2 quần đảo này để khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ. Châu bản ngày 21/6 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) cho biết: Kết quả của đoàn khảo sát Hoàng Sa năm 1838 đã khảo sát được 25 đảo, trong đó có 13 đảo được khảo sát lần đầu…
Trao đổi với VietNamNet, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê cho biết, có 19 châu bản nói về chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong những châu bản Triều Nguyễn khẳng định rõ cương giới trên biển của Việt Nam.
Triều Nguyễn cũng nâng tầm quản lý Hoàng Sa và Trường Sa ở vị trí rất cao. Triều đình trực tiếp quản lý Hoàng Sa, Trường Sa dưới sự chỉ đạo và phê duyệt của Vua. Từ việc điều thuyền như thế nào, đi về kết quả ra sao đều phải được báo cáo lên Vua.
Châu bản Triều Nguyễn là bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam
"Là một nhà sử học, bên cạnh việc vui mừng khi một di sản được thế giới vinh danh còn có cả sự vui mừng khi một lần nữa, chủ quyền biển đảo đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam được khẳng định chắc chắn. Khi mà Châu bản Triều Nguyễn được công nhận là di sản thế giới thì điều đó có nghĩa là giá trị của tư liệu này không nằm trong phạm vi một quốc gia mà nó đã tỏa sáng ra toàn thế giới", Giáo sư Phan Huy Lê nói.
Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội tỏ ý khâm phục và biết ơn những người đã tham gia trong suốt quá trình tìm tòi để đưa được Châu bản Triều Nguyễn tới công chúng và để nó được đón nhận danh hiệu như ngày hôm nay. "Đó là sức lao động bền bỉ của cả một tập thể để khôi phục di sản văn hóa và chính trị của Việt Nam", bà Katherine Muller Marin phát biểu.
Như vậy, Châu bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thứ 4 của Việt Nam được UNESCO công nhận sau Mộc bản triều Nguyễn (2007), 82 Bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (2010) và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (2012). Việc vinh danh Châu bản triều Nguyễn góp phần làm phong phú thêm kho di sản tư liệu kí ức của Việt Nam và của thế giới.
T. Lê