Nữ tác giả tài ba
"Chuyện kể về thỏ Peter"
được xuất bản lần đầu tiên tại Anh năm 1902 bởi tác giả Beatrix Potter,
một nhà khoa học, một nữ tác giả minh họa khoa học hiếm có thời bấy
giờ. Bà cũng từng bị kì thị về giới khi dấn thân vào lĩnh vực khoa học
vốn chủ yếu là các nam nhân.
Trước khi vẽ bộ truyện về chú thỏ Peter nghịch ngợm,
Beatrix Potter đã đi sâu vào công việc minh họa khoa học và nghiên cứu
về sự sinh sản và phát triển của nấm. Thực vật học vốn là một niềm đam
mê đối với hầu hết người dân Anh thời Victoria. Họ thích nghiên cứu về
tự nhiên và bản chất. Beatrix Potter lớn lên trong điền trang trù phú
của cha mẹ ở vùng Kensington và mặc dù không được khuyến khích học cao,
nhưng khả năng quan sát, thu thập các mẫu vật, và trí tưởng tượng của bà
hồi nhỏ đã được nhiều người thân công nhận.
Ấn bản đầu tiên ra mắt năm 1902
Thỏ
Peter ra đời trong bối cảnh năm 1893, Beatrix Potter vẽ một lá thư có
tranh minh họa tặng cậu con trai 5 tuổi của cô gia sư trong nhà. Cậu bé
tên là Noel Moore. Lá thư kể về những chuyện phiêu lưu của một chú thỏ
con tên là Peter trong một gia đình nhà thỏ 5 người - thỏ mẹ góa bụa và 4
chú thỏ con. Các anh em thỏ kia đều ngoan ngoãn, nhưng riêng Peter thì
không chịu nghe lời mẹ dặn. Cậu lẻn vào vườn nhà ông McGregor nghịch
ngợm, ăn rau diếp, củ cải và đậu Pháp. Mà nhà ông McGregor đâu có phải
tầm thường. Chính bố thỏ đã gặp nạn ở đó, bị bà McGregor bắt làm nhân
bánh nướng.
7 năm sau kể từ khi tấm thiệp về chú thỏ Peter
được gửi đến cho cậu bé Noel Moore, tiếp tục được khích lệ bởi thành
công của vì mẫu thiệp mừng khác do chính tay mình thiết kế, Beatrix đã
phát triển câu chuyện thành một cuốn sách nhỏ, minh họa bằng hai màu đen
trắng. Bị một số nhà xuất bản từ chối, bà tự in sách và đem tặng cho
gia đình, bè bạn.
Cũng trong khoảng thời gian này, Frederick Warne -
ông chủ của hãng in Frederick Warne & Co (mà sau này bộ truyện của
Beatrix Potter trở thành tác phẩm nổi tiếng nhất, đem lại danh tiếng cho
cả hãng) đã đồng ý xuất bản câu chuyện, nhưng với điều kiện tác giả
phải vẽ tranh minh họa màu. Cuốn sách được ấn hành hàng loạt năm 1902 và
ngay lập tức thành công rực rỡ, duy trì sức hút cho đến tận này ngay.
Nhân vật anh hùng phi truyền thống
Câu
chuyện về chú thỏ Peter được kể bằng một giọng kể uyển chuyển, lối vẽ
màu nước dịu dàng, sống động. Những chú thỏ trông như người thật, mập
mạp dễ thương và có tính cách đặc trưng riêng. Nhân vật chính Peter
nghịch ngợm và không hoàn hảo, luôn mắc lỗi, liên tục gặp chuyện xui,
làm mất giày hay quần áo, nhưng chú hấp dẫn trẻ nhỏ bởi những trò chơi
phản ánh chính cuộc sống hàng ngày. Liên tục có những cuộc rượt đuổi cam
go trong sách nhưng được kết thúc có hậu và đầy tình cảm, Peter luôn
được trở về vòng tay mẹ và được mẹ cho uống trà hoa cúc.
Tuyển tập những câu chuyện về thỏ Peter vừa ra mắt tại Việt Nam, tháng 7/2014
"Chuyện kể về thỏ Peter"
được xem là một tác phẩm thiếu nhi kinh điển và có sức sống bất tận.
Thống kê cách đây hơn 10 năm cho biết cuốn sách được dịch ra 36 ngôn ngữ
và bán được 45 triệu bản, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy
nhất trong lịch sử. Hàng loạt các tác phẩm thương mại đã xuất hiện và ăn
theo hình ảnh của chú thỏ Peter.
Sự thành công của thỏ Peter trước hết phải nói đến
sự "phá luật" của chú nhỏ nghịch ngợm này. Vào những năm Beatrix Potter
còn nhỏ, trong tầng lớp thượng lưu Anh có một câu nói cường điệu cho
rằng "Trẻ con chỉ nên để người ta nhìn thấy mặt, chớ để bị nghe thấy
tiếng", nhưng Beartrix có nuôi những con thú nhỏ trong phòng học ở nhà
và cô bé nhận ra rằng, trong tự nhiên, bọn chó, thỏ, chuột... được tự do
nghịch ngợm hơn mình rất nhiều.
Thế nên trong câu chuyện của Beatrix, tác giả của
những trò nghịch ngợm không bao giờ phải trả giá quá nặng. Bà rất thấu
hiểu sức hấp dẫn của việc phá bỏ luật lệ. Những câu chuyện của bà về thỏ
Peter và đám bạn của nó vẫn đang sống mãi tới một thế kỉ sau, là nguồn
cảm hứng bất tận cho tinh thần phản kháng.
Hồ Hương Giang