- Ông Ngọc Sơn - GĐ công ty Đồng Dao vừa có thư gửi VietNamNet liên quan đến những lùm xùm tiền bản quyền liveshow Khánh Ly.

Theo ông Ngọc Sơn, phía công ty tổ chức đã nỗ lực để thực hiện việc thanh toán phí tác quyền theo đúng quy định của pháp luật. "Ngay từ những ngày đầu chuẩn bị cho chương trình, phía Đồng Dao đã liên hệ với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) để đàm phán về phí tác quyền, tuy nhiên, phí tác quyền mà VCPMC đưa ra quá cao và có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của hoạt động nên chúng tôi có đề nghị xem xét lại mức phí này.

Tuy nhiên, cho đến khi chương trình đã chuẩn bị gần xong và chỉ còn giai đoạn cuối cùng thì VCPMC phản hồi và yêu cầu trả phí với mức phí cao so với thực tế. Trong những ngày cuối cùng của giai đoạn chuẩn bị trình diễn, Giám đốc VCPMC đã đưa thông tin lên các phương tiện truyền thông với những cách thức rất khắc nghiệt và không theo bất kỳ thủ tục pháp lý nào" - ông Ngọc Sơn - GĐ công ty Đồng Dao cho biết.

{keywords}
Hình ảnh Khánh Ly trong liveshow tại Hà Nội ngày 2/8

"Chúng tôi luôn ý thức được rằng hoạt động nghệ thuật không chỉ đem lại các giá trị tinh thần lành mạnh cho công chúng mà còn cần phải đảm bảo nguyên tắc thượng tôn pháp luật, nhất là pháp luật về quyền tác giả. Vì vậy, việc tiến hành đàm phán cũng như tiến hành các thủ tục cần thiết cho việc thanh toán tác quyền âm nhạc cũng đang được tiến hành một cách hợp pháp trên tinh thần tôn trọng pháp luật" - ông Sơn nhấn mạnh.

Đại diện công ty Đồng Dao khẳng định đơn vị tổ chức không từ chối việc thanh toán tiền tác quyền cho các tác giả. Cụ thể đã trực tiếp liên hệ với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, Phú Quang, Trương Qúy Hải và công ty Phương Nam (chủ sở hữu hợp pháp các nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy) và đã thanh toán tác quyền (riêng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và nhạc sĩ Trương Qúy Hải đã tặng chương trình các bản nhạc được sử dụng và không lấy phí tác quyền).

Riêng đối với các nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, VCPMC yêu cầu đơn vị tổ chức thanh toán khi chưa đủ các chứng cứ chứng minh có tư cách đại diện hợp pháp.

Công ty Đồng Dao đã yêu cầu VCPMC cung cấp các chứng cứ chứng minh họ là đại diện hợp pháp theo ủy quyền của các nhạc sĩ và các chủ sở hữu những nhạc phẩm có trong chương trình. Ngày 4/8, VCPMC chỉ cung cấp được hợp đồng ủy quyền và thư xác nhận của bà Trịnh Vĩnh Trinh khẳng định bản thân mình là đại diện cho cả gia đình.

"Chúng tôi đã yêu cầu VCPMC phải xác định rõ rằng bà Trịnh Vĩnh Trinh có được những người thừa kế khác (đồng thừa kế) ủy quyền hợp pháp cho bà làm đại diện cho họ không. Một khi tác phẩm âm nhạc hoặc bất cứ tài sản nào thuộc sở hữu của nhiều người (đồng sở hữu) thì một trong số người thừa kế muốn thực hiện bất kỳ quyền gì đối với tác phẩm hoặc tài sản phải có sử uỷ quyền bằng văn bản hợp pháp của những người còn lại (có công chứng hoặc theo quyết định của tòa án)" - đại diện công ty Đồng Dao bày tỏ.

{keywords}
Nhạc sĩ Phó Đức Phương và ông Ngọc Sơn trong buổi làm việc tối 8/8 tại Đà Nẵng. Ảnh: Vne

Trên thực tế, tối 8/8, tại Cung văn hóa Tiên Sa Đà Nẵng, VCPMC đưa ra bản copy văn bản có chữ ký của 3 trong số 5 người thừa kế của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên văn bản này theo công ty Đồng Dao là không hợp pháp vì chỉ là bản sao mà không có bản chính đối chiếu. Ngoài ra bản sao này có dấu công chứng giáp lai mà không có dấu chính thức, không có chữ ký của công chứng viên, không đọc được tên phòng công chứng đóng dấu.

Phía công ty Đồng Dao khẳng định nếu chiếu theo các quy định hiện hành về quyền đại diện cho tác giả, cho đến nay, VCPMC chưa chứng minh được tư cách đại diện hợp pháp cho các tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để thu tác quyền của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào và đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét về tính hợp pháp của việc thu tác quyền các nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong suốt thời gian qua của VCPMC. 

Về phí tác quyền do VCPMC đưa ra yêu cầu về phí tác quyền tính theo doanh thu của buổi diễn, đại diện Đồng Dao cho hay mặc dù VCPMC khẳng định đã châm trước về tình hình bán vé nhưng mức tính được xác định bằng công thức 5% x (nhân) 40% lượng vé x (nhân) giá vé trung bình. Vì vậy, phí tác quyền dành cho một nhạc phẩm là khoảng 7,5 triệu đồng. Trong khi đó, đối chiếu với việc trả phí trực tiếp cho các nhạc sĩ hoặc cho chủ sở hữu, họ chỉ trả 1 triệu đồng/1 tác phẩm đối với nhạc sĩ.

{keywords}
Khánh Ly và nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong liveshow ngày 8/8 tại Đà Nẵng.

Phía Đồng Dao dẫn chứng cũng với nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bà Trịnh Vĩnh Trinh thu trực tiếp của Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam cho chương trình Như cánh vạc bay tại Hà Nội ngày 6/7/2011 với mức phí 18 triệu đồng/27 ca khúc, tính trung bình 667.000 đồng/1 tác phẩm. Hay như VCPMC thu của Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam cho chương trình Dư Âm diễn ra tại Hà Nội ngày 18/7/2013 với mức phí 8.500.000 đồng/17 ca khúc của các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Thuận Yến, Nguyễn Ánh 9, Nguyễn Văn Tý, Phú Quang, Đoàn Chuẩn. Tính trung bình là 500.000 đồng/1 tác phẩm.

Từ thực tế này, mức phí VCPMC xác định không hợp lý và khó có thể chấp nhận. "Chúng tôi rất muốn được đàm phán mức giá hợp lý nhất và có sự đối xử bình đẳng với các chương trình khác để thực thi nghĩa vụ của mình và đảm bảo đơn vị tổ chức có động lực tiếp tục tổ chức các chương trình nghệ thuật có chất lượng nhằm phục vụ nhân dân" - ông Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Sơn Hà