- "Nhiều quy định bắt buộc đôi khi còn lơ là thực hiện huống chi chỉ là một công văn khuyến cáo. Cho nên việc chặn đứng vấn nạn sư tử đá Trung Quốc đang tràn lan ở Việt Nam hiện nay là một câu chuyện rất dài".
Trước thực trạng ở nhiều địa phương trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật (sư tử bằng đá) không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa, khu di tích, đình, chùa, cơ quan gây phản cảm Bộ VH-TT-DL đã có công văn gửi các Bộ, Ban, Ngành, Sở VHTTDL, các cơ quan đơn vị về việc 'Không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam'.
Khuyến cáo không chưa đủ
GS Tống Trung Tín (Viện Khảo cổ Học Việt Nam), người đã kịch liệt phản đối vấn nạn sư tử đá Trung Quốc ở Việt Nam đã rất vui mừng khi biết thông tin này.
Ông Tín cho hay chưa bao giờ trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam lại thấy sư tử đá giống sư tử Trung Quốc như bây giờ. Không chỉ có sư tử đá, nhiều nơi còn mô phỏng y nguyên tượng Phật, đèn lồng đỏ, chùa, tháp ngoại lai mà không hề thấy có một chút dân tộc nào ở đó. Chỉ cần đi trên đường đã nhìn thấy rất rõ điều này.
Vấn đề là ở Trung Quốc, sư tử đá là linh vật để canh mộ có hình thức dữ dằn, gân guốc với dáng vẻ đe dọa. Khi được du nhập “sao y bản chính” vào Việt Nam thì không hiểu sao lại được 'chễm chệ' ở lối ra vào các đình, chùa, công sở và một số nhà dân với suy nghĩ sẽ giúp phát tài phát lộc.
Trong khi đó, hình tượng sư tử ở Việt Nam xuất hiện với ý nghĩa biểu trưng cho tinh thần từ bi hỷ xả của Phật giáo. Cho nên hình tượng sư tử được chạm hết sức công phu, trau chuốt. Ngắm nhìn sư tử thời Lý thấy rõ một linh vật có biểu trưng hết sức cao quý, thiêng liêng mà không xa cách. Tư thế của sư tử Lý cũng biểu hiện rất rõ sức mạnh phi phàm những dáng vẻ vẫn hết sức gần gũi, bao dung.
Theo ông Tín, dù đưa ra khuyến cáo như vậy là muộn nhưng 'muộn còn hơn không'. Vấn đề cần làm ngay sau công văn khuyến cáo này là các nhà nghiên cứu ngồi lại, bàn cụ thể về linh vật của Việt Nam, hình tượng như thế nào là phù hợp.
"Khuyến cáo không sẽ chưa đủ. Nhiều quy định bắt buộc khi thi hành còn khó huống hồ đây chỉ là một văn bản khuyến cáo. Cho nên từ văn bản này cho tới việc thực hiện ra sao lại là cả một câu chuyện dài nếu các cấp lãnh đạo không kiên quyết", ông Tín nói.
Con Nghê -một biểu tượng tạo hình thuần Việt (Ảnh: H.Hải)
Thiếu quan tâm khiến con Nghê 'thất thế'
TS Đinh Hồng Hải - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Bộ VHTTDL. Ông nói nếu văn bản này ra đời sớm hơn thì nó còn có giá trị cao hơn đối với đời sống văn hóa xã hội nói chung và đời sống tâm linh nói riêng.
TS Đinh Hồng Hải là người đau đáu với hình tượng linh vật truyền thống của Việt Nam hơn chục năm nay. Các linh vật như Rồng, Nghê, Hạc, Bò tót cùng các vị thần như Thần tài, Thần đất, Thần bếp, Thánh Gióng, Thần Hộ pháp… được đề cập một cách chi tiết trong bộ sách 'Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam' do ông nghiên cứu có thể giúp chúng ta phân biệt được các yếu tố bản địa và ngoại lai.
Theo ông Hải, Nghê là một linh vật tồn tại liên tục trong suốt dòng chảy văn hóa Việt hàng nghìn năm qua. Con Nghê hiện hữu trên các kiến trúc cung đình thời Lý – Trần, trên đình chùa thời Lê, trên ban thờ tư gia của nhiều gia đình người Việt ngay trong giai đoạn hiện tại. Điều đó cho thấy, Nghê là một hiện vật “sống” trong đời sống tinh thần của người Việt. Sự thấm nhuần đặc tính dân gian của con Nghê khiến cho nó trở nên một “con vật” gần gũi, thân thương hơn là một linh vật đáng sợ hãi, nể trọng và tôn thờ.
Với sự tự do tuyệt đối về quy mô và kiểu thức sáng tạo, các nghệ nhân dân gian có thể tùy ý tạo nên những con Nghê với hình thức và màu sắc theo đúng ý tưởng của riêng mình. Chính sự tự do này đã đưa con Nghê đến đỉnh cao của sự sáng tạo trong nền nghệ thuật dân gian Việt Nam. Mặc dù là một linh vật mang trong mình những giá trị hết sức đặc sắc của văn hóa truyền thống Việt Nam nhưng việc nhìn nhận, đánh giá về con Nghê Việt Nam hiện nay chưa được chú ý đúng mức.
Ông Hải cho rằng, chính sự thiếu quan tâm của chúng ta đã khiến cho biểu tượng con Nghê đang bị “thất thế” trước một biểu tượng ngoại nhập, lai căng, đó là sư tử Trung Quốc. Vì vậy, sự tăng cường hiểu biết của chúng ta đối với các giá trị, đặc biệt là các giá trị nghệ thuật của con Nghê là hết sức cần thiết.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm cho biết các di tích lịch sử văn hóa, công sở hiện nay người ta cúng tiến, bày đặt tượng sư tử đá lấy mẫu của Trung Quốc, hình thức các tượng này rất giống nhau. Họ tưởng đó là linh vật có xuất xứ Việt Nam mà không hề biết đó là tượng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trong khi đó, ở nước ta nhiều nơi hiện đang còn lưu giữ các tượng linh vật truyền thống có tạo hình đẹp, thuần Việt. Điều này chứng tỏ trong chúng ta nhiều người còn thiếu hiểu biết về văn hóa và nghệ thuật truyền thống của cha ông, khi gặp một khuôn mẫu tượng nước ngoài có sẵn là đua nhau dùng không cần biết đến văn hóa và ý nghĩa tâm linh, dẫn đến việc sử dụng tượng linh vật ngoại tràn lan như hiện nay.
T.Lê