- Diễn ra từ 11 đến 22.5, LHP Cannes lần thứ 64 giới thiệu với thế giới một “thực đơn” điện ảnh thôi thúc sự tò mò cao độ của khán giả.


Melancholia (Cơn trầm cảm) của đạo diễn Lars Von Trier được mô tả như “một tác phẩm tuyệt mỹ về ngày tận thế”.

Sự kiện uy tín, phô trương và quyến rũ bậc nhất của thế giới điện ảnh hồi năm ngoái đã gây thất vọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chật vật, bụi tro núi lửa bao phủ bầu trời châu Âu, thảm đỏ vắng ngôi sao và danh sách phim tranh giải không thực sự xuất sắc. Nhưng năm nay câu chuyện có khác và những người chuẩn bị đổ về dự liên hoan năm nay đang tràn đầy hi vọng.

49 phim truyện, trong đó có 19 phim dự tranh giải Cành cọ vàng, được ông giám đốc nghệ thuật Fremaux và cộng sự chọn từ hơn 1.700 phim ở 33 quốc gia. Đây là một danh sách phim thuộc chương trình chính thức cực kỳ hấp dẫn với những cái tên vừa lạ vừa quen. Cuộc tập hợp lớn nhất, đông vui nhất của những tài năng điện ảnh  đến từ khắp thế giới khiến Cannes không chỉ là sân chơi của trí tuệ, mà còn cho cả sự hào nhoáng lẫn…cãi vã.

Những bậc thầy trở lại

Trong số những người quen của Cannes, mọi chú ý đang đổ dồn vào đạo diễn Đan Mạch Lars Von Trier – nổi tiếng với phong cách gây sốc và tranh cãi – trở lại với tác phẩm mới Melancholia (Cơn trầm cảm) qua diễn xuất của hai cô đào Kirsten Dunst, Charlotte Gainsbourg. Bộ phim thứ chín của ông tại Cannes thuộc thể loại khoa học – hư cấu, được mô tả như “một tác phẩm tuyệt mỹ về ngày tận thế”.

Cách nay 2 năm, Lars Von Trier đã khiến khán giả dự buổi công chiếu Antichrist (Kẻ chống chúa) đã phải giận dữ ném chai lọ lên màn ảnh vì những cảnh bạo lực, tình dục quá sốc. Bộ phim mang lại cho Charlotte Gainsbourg giải nữ diễn viên xuất sắc, đồng thời đẩy xì căng đan phim ảnh tại Cannes lên một cấp độ mới, mà dĩ nhiên cao hay thấp tùy thuộc vào khẩu vị người xem.

Một người quen khác là đạo diễn bậc thầy người Tây Ban Nha Pedro Almodovar trở lại với bộ phim The Skin that I Inhabit (Lớp da tôi khoác vào), kể câu chuyện một bác sĩ thẩm mỹ quyết tâm trả thù những kẻ đã hiếp dâm con gái ông. Trong đó vai diễn của tài tử Antonio Banderas được chính đạo diễn mô tả là “thực sự khác biệt” trong sự nghiệp diễn xuất của anh.
The Conquest (Cuộc chinh phục) của đạo diễn Xavier Durringer hoàn toàn táo bạo khi khai thác nội dung về đời tư của Đương kim Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.

Gây khó cho… tổng thống Pháp Sarkozy

Không nằm ngoài truyền thống, LHP Cannes 2011 cũng chứa đựng những “khối thuốc nổ” có thể làm bùng lên tranh cãi vào bất cứ lúc nào. Khán giả đang rất tò mò về một phim được chọn trình chiếu ngoài vòng tranh giải – The Conquest (Cuộc chinh phục) của đạo diễn Xavier Durringer với nội dung về đời tư của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Những hình ảnh, đoạn phim được hé lộ cho thấy, bộ phim có vẻ đã mô tả ông như người “bực bội với chiều cao của mình và dùng từ ngữ bóng bẩy khi phải mô tả các đối thủ”.

Tình thế này đẩy ông vào cảnh tiến thoái lưỡng nan khi phải cân nhắc có nên bước cạnh phu nhân Carla Bruni-Sarkozy trên thảm đỏ trong buổi ra mắt Midnight in Paris (Nửa đêm ở Paris) – bộ phim khai mạc liên hoan và bà là một trong những ngôi sao trong phim – của đạo diễn Woody Allen hay không.

Nhưng đạo diễn Xavier Durringer vẫn rất hồ hởi khi phát biểu trên tờ Hollywood Reporter: “Đoàn làm phim cực kỳ hạnh phúc khi tới Cannes với bộ phim này bởi đây là sự công nhận nó như một tác phẩm điện ảnh bất chấp những ồn ào chính trị xung quanh nó. Đây là lần đầu tiên ở Pháp có một phim được làm để nói về tổng thống đương nhiệm, nên dĩ nhiên sẽ có những phản ứng mạnh. Bạn không thể chạm vào một đề tài thời sự như thế mà lại không gây một phản ứng nào”.  

Kỳ tích lịch sử của các đạo diễn nữ

Bên cạnh đó, LHP Cannes còn có khả năng làm thế giới điện ảnh phải nhíu mày bằng cách gọi tên nhiều nhà làm phim gần như vô danh hay mới chỉ có tác phẩm đầu tay. Năm nay, các đạo diễn bậc thầy sẽ phải cạnh tranh với một loạt tài năng làm phim mới như Julia Leigh của Úc, Maiwenn của Pháp và Nicolas Winding Refn của Đan Mạch. Ngoài ra, giới phê bình nhìn chung đang đánh giá Cannes rất cao khi lần đầu tiên trong lịch sử 64 năm, danh sách tranh giải Cành cọ vàng có tới 4 đạo diễn nữ.

Người đầu tiên là Lynne Ramsay, 41 tuổi, kể câu chuyện về người mẹ (Tilda Swinton đóng) cố gắng bảo vệ đứa con mắc chứng loạn thần kinh đang bị tòa án truy cứu tội sát nhân trong bộ phim We Need to Talk About Kevin (Chúng ta cần nói chuyện về Kevin) chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nữ nhà văn Lionel Shriver.
Sleeping Beauty (Người đẹp ngủ trong rừng) là tác phẩm của Julia Leigh – 40 tuổi, tiểu thuyết gia lần đầu làm đạo diễn.

Đồng nghiệp cùng tuổi với bà là Naomi Kawase (từng đoạt giải Grand Prix tại Cannes 2007) trở lại với phim mới Hanezu no Tsuki, kể câu chuyện tập trung vào lịch sử đô thị của Asuka. Julia Leigh – 40 tuổi, tiểu thuyết gia lần đầu làm đạo diễn – mang đến câu chuyện chuyển thể từ tiểu thuyết của chính cô có tên Sleeping Beauty (Người đẹp ngủ trong rừng), kể về cô sinh viên Lucy bị cưỡng ép vào con đường của mại dâm và ma túy. Người cuối cùng là Le Besco, 34 tuổi, có phim đầu tay cách nay 5 năm, mang tới phim lãng mạn về nghề cảnh sát Polisse.

Sự hiện diện của Hollywood tại Cannes tiếp tục mang tính chất trang điểm, phô trương thanh thế nhờ một dàn sao nổi tiếng, đến theo những sản phẩm “bom tấn” giải trí của họ. Trừ hai phim của Nhật dự tranh Cành cọ vàng, điện ảnh châu Á chủ yếu góp mặt ở chương trình Một góc nhìn.

Trong khi đó điện ảnh châu Mỹ La tinh và châu Phi hoàn toàn vắng mặt trong chương trình chính thức, khiến giới truyền thông đang la ó là Cannes đang trở lại thói quen bênh vực điện ảnh châu Âu. Thierry Fremaux, giám đốc nghệ thuật của liên hoan đã phải đứng ra giải thích với báo chí rằng: “Chúng ta phải nhìn vào các lựa chọn như một tổng thể. Phim nằm ngoài vòng tranh giải không có nghĩa là phim không hay”.

Minh Chánh