30 năm trong nghề với hơn chục lần đóng vai nhà báo, vẻ phong trần với bộ râu quai nón, khóe mắt biết cười của diễn viên Huệ Đàn đã chiếm trọn cảm tình của khán giả. Vẫn đôi mắt, nụ cười ấy, “chàng nhà báo” của màn ảnh Việt đang đối diện với căn bệnh ung thư phổi suốt 3 năm qua.


Trong sự hóa thân đa dạng của Huệ Đàn, hình ảnh nhà báo với áo gile, quần bò băng rừng vượt núi đã trở thành niềm ước mơ về nghề nghiệp của nhiều khán giả trẻ những năm 2000.

Chân đất đến với nghề

{keywords}

“Chàng nhà báo” của màn ảnh Việt và nghị lực trước bệnh hiểm nghèo (Ảnh: Chí Cường)

Đến khu vực Nhà hát Kịch Quân đội, hỏi tên Huệ Đàn, từ đầu phố người dân đã xôn xao, nhiệt tình chỉ dẫn. Có người còn tư vấn thêm cho chúng tôi: “Anh Đàn mà không ở đó thì tìm gặp anh Hát”. Tưởng họ nói đùa, ai ngờ Huệ Đàn có em trai đang làm cùng cơ quan tên là Hát thật.

Nói về cái tên Đàn - Hát và chuyện 2 anh em cùng vào quân đội, Huệ Đàn tâm sự: “Chúng tôi không phải con nhà nòi. Khi tôi sinh ra, cha đã nhập ngũ. Ông hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ lúc tôi 4 tuổi. Cả hai anh em tôi chỉ biết mặt cha qua tấm ảnh truyền thần còn lại. Màu áo lính cha mặc đã ám ảnh và thôi thúc chúng tôi vào quân đội. Còn cái tên, tôi nghĩ nó như định mệnh, khó lý giải, bởi các cụ ngày xưa đâu thích con theo nghiệp đàn hát”.

Huệ Đàn kể lại, thuở bé, mỗi khi có văn công về biểu diễn là anh cùng bạn bè lội ruộng, trốn vé vào xem. Cũng có lần bảo vệ bắt được nhưng nhìn thấy đám trẻ nghèo lại thương tình cho vào. Học hết lớp 10, đang ở nhà làm nông giúp mẹ thì trong một lần đi xem Đoàn Kịch nói Hải Dương diễn, qua cửa vé, đột nhiên có cánh tay giữ Huệ Đàn lại. Một người đàn ông mặc comple nhìn chằm chằm vào anh và bắt chuyện, hỏi han, ngỏ ý muốn đến thăm nhà.

Đúng 2 ngày sau, khi mẹ anh đang gánh mạ ra đồng thì người đàn ông ấy trở lại. Lúc bấy giờ Huệ Đàn mới biết đó là ông Giám đốc đoàn kịch. Người mẹ nghèo sững sờ trước lời đề nghị cho con theo nghiệp diễn. Mẹ nhìn con, con nhìn mẹ và cuối cùng chàng trai đất Hưng Yên quyết định khăn gói bước vào nghề. Sau 2 năm ở đoàn kịch, Huệ Đàn thi vào lớp diễn viên, Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội khóa 1985-1990, cùng lớp với nhiều nghệ sỹ nổi tiếng sau này như: Phạm Cường, Chiều Xuân, Bùi Thạc Chuyên...

Huệ Đàn đóng nhiều phim nổi tiếng: “Người Hà Nội”, “Những người sống bên tôi”, “Gió đại ngàn”, “Hương bạc hà quyến rũ”, “Thiên đường ở trên cao”, “Chiếc hộp gia bảo”, “Người đàn bà không con”... Với nghiệp diễn, anh hóa thân vào nhiều dạng nhân vật, từ tướng lĩnh, thương binh, cán bộ, công nhân, con buôn, tướng cướp... nhưng dường như ấn tượng nhất với khán giả phải kể đến vai nhà báo. Anh hồi tưởng lại, quãng năm 2000, không hiểu sao sau một lần vào vai nhà báo, anh bỗng chốc “đắt hàng”. Có những ngày phải chạy sô vài ba phim, chưa diễn xong phim này ngó ra đã thấy ô tô đỗ sẵn đưa đi đến phim trường khác.

Đã có lúc anh băn khoăn và nghi ngại khi được giao mãi vai này. Anh sợ sự “đóng đinh” vai diễn khiến anh mất dần khả năng hóa thân đa dạng cho nhân vật. Thế rồi sau nhiều trăn trở, Huệ Đàn quyết định tìm hiểu kỹ kịch bản, sống tới cùng với khát vọng của nhân vật. Vẫn vẻ phong trần, lãng tử với áo gile, quần bò, hơi thuốc vòng vèo và cây đàn guitar nhưng tính cách, nội tâm của mỗi nhà báo trên màn ảnh Việt do Huệ Đàn đóng đã trở nên khác biệt. Khán giả nhớ đến Thiều Tiến trong “Những người sống bên tôi” với vẻ từng trải, tài hoa, bên cạnh Lâm Oanh trong sáng, đôn hậu và cũng không thể nào quên vai diễn phức tạp, nội tâm của Huệ Đàn khi vào vai nhà báo trong phim “Gió đại ngàn”.

Bình thản để đối diện

Không còn trẻ trung để vào vai nhà báo xông pha khắp mọi miền đất nước nữa, ở Nhà hát Kịch Quân đội bây giờ, Huệ Đàn gắn bó nhiều hơn với ánh đèn sân khấu, với những vở kịch mà anh được biết đến trong vai trò chọn vở, biên kịch, đạo diễn... Đã 3 năm nay, sức khỏe của anh ngày một yếu đi vì căn bệnh ung thư phổi hành hạ. Văn Hát, em trai anh, chia sẻ với chúng tôi: “Căn bệnh đã khiến anh Đàn phải thường xuyên vào bệnh viện điều trị. Bên cạnh tình thương ruột thịt, tôi còn rất khâm phục bản lĩnh của anh trai mình. Anh đã quên đi nỗi đau mình đang gánh chịu để chăm lo cho gia đình, đoàn kịch và nhất là mẹ tôi ở quê nhà”. Đều đặn những lần đi xạ trị, Văn Hát qua nhà chở anh trai đi. Chuyện thuốc thang, gia đình đã có vợ Huệ Đàn đảm đương, chăm chút.

“Vợ tôi tốt nghiệp lớp biên kịch nhưng bây giờ cô ấy đã chuyển sang làm nghề khác, chấp nhận làm chỗ dựa cho tôi và các con. Ngày tôi còn trẻ, cô ấy giúp tôi vững tâm với nghề. Giờ tôi bệnh tật, có cô ấy chăm sóc gia đình, tôi như được tiếp thêm nghị lực”, anh tâm sự. Hơn 30 tuổi mới lập gia đình, khi tóc trên đầu đã điểm bạc thì các con anh vẫn đang ở tuổi cắp sách đến trường. Anh nói về con trai đầu lòng đang theo học ngành y và cô con gái nhỏ với niềm rưng rưng xúc động.

Anh kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian cả hai vợ chồng mới tốt nghiệp đại học, vất vả bươn chải với cuộc sống, ở trong căn hộ tập thể chật hẹp, nhiều khi ăn bữa trước còn lo bữa sau. Anh chia sẻ: “Người làm nghệ thuật hy sinh đã đành, nhưng cả gia đình phải đồng lòng và chấp nhận thiệt thòi thì mới có tổ ấm. Nếu không, tôi cũng phải hoặc là bỏ nghề, hoặc là bỏ vợ”.

Biết tin Huệ Đàn mang trọng bệnh, đã có lúc bạn bè, đồng nghiệp tưởng chừng không còn nhiều thời gian để nhìn thấy anh nữa nhưng tính cách vốn lạc quan, quen kham khổ từ tấm bé, “chàng nhà báo” của màn ảnh năm nào lại quay sang động viên mọi người. Trước những xáo trộn bất thường của đời sống, anh cố giữ sự tĩnh tại trong tâm để nghĩ về sự sống: “Người có chút tâm hồn nghệ sỹ thì luôn thấy cuộc sống có gì đó bất ổn. Nhiều khi tôi cũng nghĩ, nếu mình không làm diễn viên thì đời mình sẽ khác, nhất là trong cuộc sống gia đình”.

Gặp gỡ Huệ Đàn khi anh đã chuyển sang giai đoạn xạ trị được 3 tuần, anh vẫn say sưa nói chuyện đời, chuyện nghề và rất nhiều dự định còn dang dở. Ngay cả lúc nằm truyền nước tại nhà, anh vẫn thanh thản lắng nghe tiếng chim cu gáy vang vọng từ những chiếc lồng ngày ngày anh chăm sóc, tiếng bước chân nhẹ nhàng của vợ và tiếng cười của con thơ.

Theo Giadinh.net