Tác phẩm mới nhất của nhà văn Bỉ
Nicolas Ancion - "Chuyện tầng 5" không nằm ngoài danh sách những tác
phẩm đáng đọc nhất của năm. Nó đặt ra bối cảnh của đô thị và sự chèn ép
lẫn nhau giữa con người vì đồng tiền.
"Chuyện tầng 5" ra mắt bản tiếng Việt tháng 9/2014
Cả
thủ pháp và nội dung của tác phẩm đều rất đáng được bàn tới. Câu chuyện
được bắt đầu ở lưng chừng, khi một người đàn ông trẻ (Serge) trò chuyện
với bạn của mình (Toni) về vận may. Anh không bao giờ biết được Toni có
tin vào vận may không, bởi trước khi cậu bạn thông thái ấy kịp trả lời
thì một chiếc xe bus đã tông vào cậu.
Đúng như
Nicolas Ancion từng nói, anh không hề đặt ra các điểm mốc trong câu
chuyện, sợ rằng mình sẽ quẩn quanh trong điểm mốc đó. Anh cho phép mình
bị lạc, hoàn toàn để tránh một sự lặp lại. Nhưng Nicolas tin rằng "văn
chương là để gỡ giải thế giới", bởi vậy những câu chuyện anh kể luôn bao
hàm ý nghĩa nhân văn.
Serge không phải là một
nhân vật có thực - nói theo một nghĩa nào đó như là Nicolas Ancion không
tạo ra anh ta. Anh ta nằm ở một tầng sâu hơn trong câu chuyện, là sản
phẩm trong trí tưởng tượng của Thomas. Đây mới là nhân vật chính.
Có
một số điểm ở nhân vật này gợi cho người đọc nhớ đến Nicolas Ancion.
Thứ nhất bởi Thomas cũng là một nhà văn, thứ hai, bởi ông rất yêu người
vợ Marie của mình. Một tình yêu dịu dàng, đầy hy sinh và tha thiết.
"Chuyện
tầng 5" được Nicolas Ancion đề tặng - "Tặng người phụ nữ ngủ thiếp cùng
tôi, mỗi tối như thể lần đầu". Người vợ Marie của nhân vật chính Thomas
là một "người ngủ". Bà bị ốm nằm một chỗ, bác sĩ khuyên phải ngủ thật
nhiều. Vì chăm sóc vợ nên Thomas không còn viết được nữa. Ông chạy vạy,
lo lắng xoay tiền ở khắp nơi, dần bán đi những đồ đạc trong nhà. Và bối
cảnh xã hội mà ông đang sống thật đáng sợ.
Nhà văn Bỉ Nicolas Ancion
Nicolas
Ancion có lẽ đã mường tượng về một đô thị tương lai với những người chủ
địa ốc và những người thuê nhà khốn khổ. Sự phân hóa giàu nghèo lên tới
mức đỉnh điểm. Những người chủ địa ốc sẵn sàng bỏ trống các tòa nhà
không cho thuê để giảm nguồn cung, tăng giá thành thuê nhà lên khủng
khiếp. Lương thực thực phẩm khan hiếm bởi người ta chỉ quẩn quanh sống
trong đô thị. Những kẻ mạnh vì tiền thống trị ở tầng lớp trên, sau đó
đến đám côn đồ, và dưới cùng là người lao động.
Nhưng
nếu như bi kịch của Thomas là cái nghèo và nỗi lo lắng về tiền bạc bủa
vây, thì bi kịch của Morgen - lão chủ trọ - lại là một bi kịch khác. Sự
cô đơn và bẩn thỉu ngấm vào người lão đến bốc mùi. Càng đi về cuối đoạn
đời, lão càng thấy mình khốn khổ. Morgen cố gắng ngã giá với Thomas cho
lão nằm cạnh Marie chỉ một đêm và để lại cho ông nhiều gia sản. Nhưng
Thomas từ chối.
Và Morgen quyết định hủy hoại cuộc đời ông bằng thứ quyền lực duy nhất của lão - đồng tiền.
Tác
phẩm có những đoạn được viết rất đẹp với chất văn chương rất đậm, mô tả
độc đáo về tâm lý; nhưng cũng có những đoạn có thể làm tinh gọn hơn.
Nicolas Ancion đã viết một câu chuyện cảm động, có tính thức tỉnh và day
dứt về hành xử của con người với con người, đi kèm với nó là bố cục bất
ngờ mà người đọc chỉ có thể phát hiện ra ý đồ tác giả khi đã gần tới
cuối truyện.
Hiện nhà văn người Bỉ đã có mặt
tại Việt Nam, chuẩn bị tham dự một loạt sự kiện giao lưu tại Hà Nội và
thành phố Hồ Chí Minh (từ ngày 24/09 đến 1/10) nhân dịp ra mắt bản tiếng
Việt của "Chuyện tầng 5". Nicolas Ancion cũng sẽ viết một tiểu thuyết
theo cách chưa từng có tại VN: hoàn thành tác phẩm trong 24h, viết
marathon trực tuyến liên tục 12 tiếng tại Hà Nội và 12 tiếng tại thành
phố Hồ Chí Minh.
Nhà văn này đã đoạt
nhiều giải thưởng văn học trong đó có giải Franz de Wever của Viện hàn
lâm Ngôn ngữ và Văn học Hoàng gia Bỉ (tập truyện ngắn "Tất cả chúng ta
đều là play mobile") và giải Rossel cho tiểu thuyết "Người đàn ông trị
giá 35 tỷ".
Hồ Hương Giang