Thông tin này được Đạo diễn Phạm Hoàng Nam chia sẻ trong cuộc phỏng vấn mới nhất.

Phóng viên: Mr.Đàm đã “sờ” tới giao hưởng thì đúng là giao hưởng sắp “lên ngôi” trong showbiz Việt thật rồi. Chương trình hòa nhạc Điều còn mãi với các ca khúc Việt Nam được dàn dựng theo phong cách bán cổ điển, ca sĩ nhạc nhẹ hát với dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng, hai năm lọt vào đề cử Chương trình của năm giải Cống hiến. Trước đó, Music Of The Night theo phong cách crossover giao thoa giữa nhạc nhẹ và cổ điển của ca sĩ Đức Tuấn gây tiếng vang, được bầu chọn là Chương trình của năm 2009. Phòng trà Văn nghệ và mới đây là phòng trà We ở TP.HCM cùng đưa nhạc kịch vào chương trình biểu diễn của mình. Ca sĩ Hồng Nhung nghe nói cũng đang chuẩn bị hát với dàn nhạc giao hưởng và nhạc trưởng Lê Phi Phi. Chỉ nghe thôi đã thấy choáng cho bước tiến thần tốc của showbiz Việt. Anh thì nghĩ về chuyện này ra sao?


Đàm Vĩnh Hưng thật sự sẽ hát nhạc giao hưởng?

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam - Tôi thấy chắc chắn đó không phải bước tiến mới, cũng không phải một trào lưu mới của đời sống ca nhạc nhẹ Việt Nam, chẳng qua là… bế tắc. Hết nhạc cũ, tiền chiến tới nhạc vàng, rồi nhạc Cách mạng. Chán rồi thì qua… nhạc kịch. Trừ một số người thật sự đam mê làm thể loại này, số ít như Điều còn mãi, bản thân nó là một chương trình hòa nhạc (concert), đương nhiên phải được dàn dựng kết hợp với dàn nhạc giao hưởng. Số đông còn lại không biết làm gì để khẳng định đẳng cấp giữa một số loại nhạc khác đang bị lên án là nhảm nhí. Lại thêm tâm lý “fast-food”, thấy cái gì sang là nhảy vào…, đôi khi phản khoa học và phản cả nghệ thuật. Như chuyện làm nhạc kịch ở Việt Nam chẳng hạn.


Bản thân tôi cũng rất mê làm nhạc kịch, đã từng có ý định làm một chương trình nhạc kịch với Năm Dòng Kẻ, Võ Thiện Thanh và với Hồng Nhung từ các tác phẩm trong loạt ca khúc Da vàng (Trịnh Công Sơn) nếu được cấp phép. Nhưng muốn làm nhạc kịch phải có tác phẩm biên soạn cho nhạc kịch thật sự, vì nhạc kịch không chỉ có hát, mà phải có diễn, phải có không gian và phải có nhiều sự đầu tư. Không gian phòng trà không thể là không gian cho nhạc kịch.


Thêm nữa, vấn đề là khán giả: Việt Nam hiện nay có khán giả nhạc kịch không? Có khán giả giao hưởng không? Tôi không tin tất cả khán giả tới phòng trà hiểu được thực sự nhạc kịch là gì… Làm gì cũng phải gọi tên cho đúng. Nếu không hãy làm tốt cái gì của mình đi đã. Chèo, tuồng, cải lương cũng là nhạc kịch mà!


Nguyên Thảo rất thành công với ca khúc Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương) trong chương trình Điều còn mãi của Vietnamne

Nói thật lòng, tôi cảm thấy đôi khi một số nghệ sĩ đến với yếu tố “cổ điển” chỉ để giải quyết bức xúc muốn đổi món, làm sang, khẳng định đẳng cấp, hoặc có thể là chỉ để cảm thấy không hổ thẹn với nghề. Như thế chỉ là tự kỷ, chưa phải làm nhạc kịch thật, giao hưởng thật. Nếu làm thật, hãy bỏ vài năm làm nhạc kịch của mình đi. Nhưng không ai muốn bỏ gì cả, vì vậy chỉ hát lại trích đoạn, những cái người ta đã làm quá hay cố sao cho giống, có “nhạc” nhưng chưa có “kịch”…


Phần lớn các chiêu này do các ca sĩ tự nghĩ ra chứ không phải từ nhạc sĩ hoặc nhà sản xuất âm nhạc - yếu tố quyết định để một nhạc kịch được hình thành. Nhạc kịch không những đòi hỏi một kịch bản âm nhạc và cốt truyện mà cả một công trình tập thể kỳ công: từ dàn nhạc sống tới kỹ thuật thanh nhạc, kỹ thuật diễn xuất của nhiều nghệ sĩ, kỹ thuật sân khấu…, người làm phải học hỏi, người xem phải biết xem… nếu không thì chỉ là cái vòng luẩn quẩn và sự hời hợt.


Với kinh tế có thể “đi tắt đón đầu”, nhưng với văn hóa, và nhất là văn hóa cổ điển thì không thể “đi tắt”, cũng không thể “fast-food” mà phải có quá trình, đúng không anh?

- Đúng như vậy. Ở đây nên xem nhạc cổ điển, nhạc kịch không phải là sản phẩm của văn hóa phương Tây mà là tinh hoa văn hóa của loài người. Ở châu Á, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, âm nhạc cổ điển đã và đang phát triển rất mạnh, nghệ sĩ của họ thậm chí còn tranh giải cả với các nghệ sĩ đến từ những cái nôi của âm nhạc cổ điển. Họ dùng những tinh túy của thế giới biến thành tác phẩm của mình và phục vụ cho chính khán giả của nước họ, nghệ sĩ thì khổ luyện, còn khán giả trẻ được giáo dục, khán giả già được thưởng thức - đó chính là con đường “sang hóa” công chúng một cách đúng đắn và thực chất.

Ở ta chưa có thị trường âm nhạc đúng nghĩa và cho dòng nhạc này nói riêng. Bói cả TP.HCM hiện nay không có cửa hàng nào bán CD, DVD “xịn” một cách chính thức. Không có thị trường “xịn” thì làm sao có show “xịn” được! Đến chèo và cải lương là “nhạc kịch” chính thống của Việt Nam bây giờ cũng toàn “trích đoạn” thì thật buồn!
Trở lại với chuyện nhạc kịch Tây ở Việt Nam. Thời gian gần đây, có nhiều người Việt Nam yêu nhạc kịch sang Singapore và Thái Lan, thậm chí qua cả Anh và Mỹ xem nhạc kịch bên đó thường xuyên, tức là lớp khán giả yêu nhạc kịch ở Việt Nam cũng bắt đầu hình thành. Vấn đề là làm sao để người Việt Nam xem được nhạc kịch Tây “xịn” ở Việt Nam ngoài một số kết hợp mang tính thể nghiệm. Tôi muốn nhắc lại một lần nữa rằng nhạc kịch là thể loại rất kén địa điểm biểu diễn, không gian diễn ở đây còn quan trọng hơn trò vè trên sân khấu. Nhà hát của nhạc kịch phải có tiêu chuẩn…

Đức Tuấn là đại diện của dòng crossover Việt Nam (Cổ điển giao thoa)

Đáng tiếc là chưa có, ngay cả những chỗ đáng lẽ sang trọng được như Nhà hát Thành phố mà còn “hỏng”, mà còn đánh mất sự sang trọng cần thiết khi thỉnh thoảng vẫn đưa vào đây cả những chương trình không đúng đẳng cấp…, thì khán giả, những người không ra được nước ngoài xem nhạc kịch, sẽ xem nhạc kịch, giao hưởng đúng nghĩa ở đâu? Nhạc kịch “xịn” nào dám qua đây lưu diễn? Mà đâu chỉ khán giả, ngay cả người quản lý, nghệ sĩ, nhiều người cũng chưa hiểu đúng, thì làm sao trách khán giả có thể “thưởng thức” sai?

Nghe anh thấy… bi quan. Nhưng tôi nghĩ, thôi thì dù chỉ là “giải quyết bức xúc, xả stress” nhưng “xả vào” nhạc kịch, vào dàn nhạc giao hưởng vẫn hơn là “xả vào” dòng nhạc nhảm nhí. Khán giả, ít ra, cũng tới vì tò mò. Chưa kể, hai đêm Không gian âm nhạc mới đây ở Hà Nội cũng gây ấn tượng mạnh khi mở ra một không gian thưởng thức âm nhạc mới cho những khán giả cao cấp. Anh có cho rằng những tín hiệu như vậy là tích cực?

- Ở nước ngoài, sở thích của công chúng rất rõ ràng, ở ta văn hóa thưởng thức của khán giả, kể cả văn hóa báo chí cũng theo kiểu “bầy đàn” nên cứ cái gì lạ thì cho là hay. Đáng ra tất cả các không gian âm nhạc phải tồn tại cùng một lúc, không cái gì đặc biệt hơn cái gì, tất cả là những món ăn khác nhau của thị trường giải trí, cũng không nên coi khán giả của Tùng Dương, Lê Cát Trọng Lý… là cao cấp hơn.



Ca sĩ Đoan Trang hóa thân thành Esmaralda trong chương trình Thằng gù nhà thờ Đức bà. Ảnh: Quân Ngọc

Khán giả Hà Nội thích chương trình mới của (đạo diễn) Việt Tú, nhưng cũng rất nhiều người thích (ca sĩ) Tuấn Vũ, thậm chí Tuấn Vũ còn hát nhiều đêm và ở ngay Nhà hát Lớn - thánh đường của giao hưởng và nhạc kịch. Thị trường có nhiều sở thích, nhiều gu khác nhau, vấn đề là làm chương trình đừng để “lẫn”, để khán giả được trả tiền xem đúng cái mình thích, không cần phải xem cái không thích.


Việt Nam đang chập chững bước vào thị trường âm nhạc, khán giả bắt đầu bỏ gu “bầy đàn” để tìm lại gu của chính mình, điều này sẽ tạo nên một thị trường lành mạnh. Nhiệm vụ của người làm nghề hiện nay là làm cái nào ra cái đấy. Ca sĩ cũng nên phải kiên trì theo đuổi dòng nhạc và sở trường của mình chứ không “nhảy” lung tung làm khán thính giả cũng rối theo.


Theo Thể thao văn hóa