- - Tiểu thuyết đầu tay viết cho lứa tuổi học trò (và cả những người quan tâm đến học trò) của vị "đạo diễn đanh đá" Lê Hoàng có khá nhiều vị lạ, cách hành văn đặc trưng dễ gây cười, vẻ hồn nhiên và cả một ước mơ muốn thay đổi trong giáo dục.

 

"Sao thầy không mãi teen teen?" (9/2014) xoay quanh đề tài khá nóng trong công luận vài năm trở lại đây: việc dạy sử trong trường học và học sinh thờ ơ với môn lịch sử. Mở rộng hơn từ hạt nhân cơ bản này, nó cũng đề cập đến quan niệm sống trẻ trung hơn, đề cao lối tư duy không lặp lại, tránh sự nhàm chán trong hành động và cảm xúc.

{keywords}
Đạo diễn Lê Hoàng ra mắt tiểu thuyết đầu tay

Có thể nói tiểu thuyết đầu tay của đạo diễn Lê Hoàng đã khá thành công khi tạo ra một bối cảnh dạy sử và học sử thú vị và sôi động, với nhiều hình thức đa dạng và phong phú; nhưng ở phần mở rộng nó cũng cho thấy sự lặp lại và lối mòn của vị đạo diễn khi ông đặt mình (và các học sinh) nằm trong tầm ảnh hưởng không nhỏ của showbiz, trào lưu, cũng như chủ nghĩa hình thức nở rộ một vài năm trở lại đây.

Cuốn sách mở đầu bằng lời tự sự của nhân vật nữ nghịch ngợm, nhiệt huyết và cá tính mang biệt danh Ly Cún. Là học sinh lớp 11 trường An Hòa, Ly Cún coi thường tụi con trai cùng lớp và thích "trai đẹp" trên phim ảnh, truyền hình. Vào một ngày đẹp trời, bất ngờ một thầy giáo trẻ đẹp như mơ xuất hiện, đảm nhiệm môn Lịch sử thay cô giáo bị ốm. Các nữ sinh lập tức si mê thầy như điếu đổ, trong đó có cả Ly Cún kiêu kì.

Ngoài vẻ đẹp hình thức, thầy giáo trẻ (22 tuổi) còn rất thông minh với cách dạy khác lạ, kết hợp môn lịch sử với phim ảnh và cuộc sống hàng ngày. Thầy cũng có cách kiểm tra và ra đề táo bạo như kiểm tra 30 giây, đề bài là viết tên một di tích lịch sử mà em biết trong thành phố, hay việc quan sát và tìm hiểu một món đồ có ý nghĩa lịch sử trong gia đình. Đây là những tình tiết rất thú vị của cuốn sách, cho thấy Lê Hoàng đã rất đầu tư.

Những lý lẽ ngộ nghĩnh và lý lắc kiểu teen cũng được vị đạo diễn đan cài rất khéo vào cuốn sách. Ông bảo vệ teen trước sự áp đặt và định kiến xã hội bằng việc cung cấp một khả năng lý sự hồn nhiên, đầy ắp niềm vui, sự táo bạo cho nhân vật chính của mình. Bên cạnh hình tượng nữ chính theo phong cách mạnh mẽ, hồn nhiên, hình ảnh của thầy giáo Lịch sử cũng tạo được sự đối lập đáng kể - để Lê Hoàng nhân đó - chỉ trích lối sống lười biếng, lôi thôi, lạc hậu, ưa đổ việc nhà cho phụ nữ của nhiều nam giới.

"Tại sao không khác đi? Tại sao không hấp dẫn, quyết liệt hơn trong cuộc sống?" là những câu hỏi được lặp đi lặp lại trong cuốn sách. Nó đưa ra phản đề cho một lối sống thiếu sinh lực và đã cũ mòn. Nó đòi hỏi người lao động (ở đây là người thầy dạy học) phải quan tâm thực sự đến con người và công việc, chứ không phải thái độ làm việc trả bài, áp đặt, chiếu lệ và khuôn sáo.

"Tại sao đúng mà các thầy cô khác không làm?"

"Tại muốn làm phải rất giỏi. Và phải yêu Lịch sử đến mức như yêu một con người. Điều ấy không mấy ai có được".

{keywords}
"Sao thầy không mãi teen teen?" ra mắt cuối tháng 9/2014

Bên cạnh những trò vui đùa khiến độc giả cười lăn, cuốn sách cũng đưa ra không ít những phát ngôn đáng suy ngẫm về việc liệu có bao nhiêu người đang sống và làm việc với một tình yêu thực sự để mang cho đối tượng thụ hưởng những thành quả có giá trị cao hơn là sự cầm chừng.

Phần cuối sách Lê Hoàng cũng cài một ý tưởng phản biện thú vị về quyền bỏ phiếu phổ thông - một bài học lớn từ lịch sử - khi các học sinh không muốn "cô giáo Lịch sử khuôn mẫu" quay trở lại thế chân thầy giáo trẻ đẹp trai.  

"Thưa cô, để đi tới công bằng, các hội nghị phải làm gì ạ?"

"Phải bỏ phiếu, em Việt. Và thường thì họ dùng phương pháp biểu quyết giơ tay".

"Vậy thưa cô, nếu bây giờ cả lớp biểu quyết để thầy giáo quay lại thì có được không ạ?"

Cô giáo sửng sốt.

Để viết tác phẩm này, tôi không chỉ cần sự ngây thơ mà cần cáu giận. Tôi cáu giận những người đã tuyệt vọng về đổi mới giáo dục. Tôi chắc chắn rằng: Giáo dục không phải là huấn luyện; Trường học không phải trại lính; Sách giáo khoa không phải là khẩu hiệu; Thầy cô không phải là thượng đế. Chừng nào trẻ em còn không thích thú với việc học, không yêu thầy cô bằng trái tim thì giáo dục thất bại. Vì vậy, trong sách của tôi, "các ông tướng bà tướng" học trò rất thích học - nhất là học môn lịch sử. Chúng thích học vì chúng không thấy sự khác biệt chút nào giữa học và chơi. Cả hai thứ đều tuyệt vời như nhau, ngây ngất như nhau.

(Lê Hoàng trả lời phỏng vấn báo chí)

Hồ Hương Giang