"Hãy thận trọng và tránh xa hàng nhái, hàng giả. Đeo, mặc nó vào người sẽ làm bạn 'nghèo đi' về nhân cách và lòng tự trọng" – bà Lê Hồng Thủy Tiên nói.


Bà Lê Hồng Thủy Tiên hiện là trong những nữ doanh nhân kinh doanh thời trang giàu có nhất Việt Nam. Tập đoàn IPP của bà đang quản lý 25 công ty và hơn 100 cửa hàng bán lẻ phân phối độc quyền cho các nhãn hàng hiệu và ẩm thực. Và mỗi năm, doanh thu của tập đoàn lên tới hơn 500 triệu USD.

Từ niềm say mê kinh doanh hàng hiệu

Là người kinh doanh hàng hiệu, bà Thủy Tiên cũng là người đam mê với hàng hiệu và thường xuất hiện trong các sự kiện với những bộ cánh sang trọng và tinh tế, đến từ các nhãn hàng nổi tiếng mà tập đoàn của bà đang phân phối.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, bà Thủy Tiên chia sẻ khá cởi mở về việc mình nên duyên với hàng hiệu từ khi bà mới bắt đầu bước vào nghề tiếp viên hàng không vào năm 1989. Lần đầu tiên đi nước ngoài, bà vào các cửa hàng của các thương hiệu cao cấp nổi tiếng trên thế giới như Salvatore Ferragamo, Burberry, Chanel, Rolex, Bulgari, LV... và đã thật sự choáng ngợp trước sự sang trọng và tinh tế của các thương hiệu. Điều ngạc nhiên hơn nữa là bà tận mắt thấy từng hàng dài những “tín đồ” kiên nhẫn xếp hàng trước các cửa hiệu chờ để đến lượt mình và mua với giá không hề rẻ chút nào.

Lúc ấy, không chỉ ấn tượng về đẳng cấp kinh doanh của họ và đã bắt đầu nhen nhúm ý tưởng kinh doanh. Rồi, nghĩ là làm, bà bắt đầu tìm hiểu, học hỏi thêm kiến thức về hàng hiệu, tiêu chuẩn làm đại lý phân phối, các điều kiện cần và có để chủ động tiếp cận họ. Và cuối cùng cơ may đã đến, 3 trong 15 thương hiệu nổi tiếng kinh doanh tại Cửa hàng miễn thuế Việt Nam rất muốn phát triển cửa hàng của họ tại thị trường nội địa và họ đã chọn Công ty DAFC (thuộc Tập đoàn IPP) của bà sau bao nhiêu vòng khảo sát và đàm phán.

“Vì thời điểm đó nhu cầu mua sắm hàng cao cấp của người Việt Nam và khách quốc tế chưa nhiều nên khi bắt tay kinh doanh, chúng tôi đã phải lập nhiều phương án, phải chịu tất cả chi phí đầu tư, hàng hóa, đào tạo…Và trong suốt hai năm đầu thử thách với hơn 3 thương hiệu, chúng tôi cũng chỉ hòa vốn, nhưng cái lãi lớn nhất là tên tuổi IPP đã được các thương hiệu lớn biết đến là uy tín, tài chính mạnh, đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm và biết cách kinh doanh đúng đẳng cấp hàng hiệu”, bà cho biết.

Với bà, phân phối và kinh doanh thời trang chính là đón đầu ở một thị trường tiềm năng như Việt Nam. Đó cũng là lý do để các thương hiệu do tập đoàn bà phân phối ngày càng về Việt Nam nhiều. Mặc dù thu nhập trung bình đầu người còn thấp nhưng “thị trường hàng thời trang cao cấp” lại có vẻ không liên quan nhau lắm, vì nó chỉ nhắm vào một phân khúc khách hàng cao cấp. Một đất nước đang phát triển, dù không “viên mãn” thì không hẳn không có các khách hàng tiềm năng có nhu cầu sử dụng các mặt hàng thời trang cao cấp. DAFC cũng một phần hướng đến nhóm khách du lịch.

Trên thực tế, có một bộ phận không nhỏ người Việt Nam ra nước ngoài mua sắm hàng hiệu trong mỗi chuyến đi nghỉ hoặc công tác ở Singapore, Hong Kong, Thái Lan, châu Âu và Mỹ (Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ước tính có 3,5 triệu lượt người đi du lịch nước ngoài và chi hơn 3,5 tỷ USD mua sắm và các chi phí khác trong năm 2012). Và bà cũng lạc quan rằng, riêng phân khúc khách du lịch đến Việt Nam mua sắm hàng hiệu cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ trong việc góp phần làm tăng doanh số. Hơn nữa, chương trình hoàn thuế VAT cho du khách do Bộ Tài chính phát động đầu năm 2013 cũng là một điểm son thu hút khách du lịch mua sắm hàng hiệu cao cấp tại Việt Nam.

Từ đầu năm 2013 đến nay, tuy tình hình kinh tế đi xuống do suy thoái nhưng doanh số của tập đoàn vẫn tăng nhẹ 10% một phần là do khách du lịch mang đến khi biết có chương trình hoàn thuế này.

Đến gu thời trang tinh tế

Trong các sự kiện lớn, mỗi khi có sự xuất hiện của bà cùng gia đình luôn gây sự chú ý đối với người tham dự và ống kính của phóng viên, nhiếp ảnh. Có lẽ, người ta chú ý đến bà không chỉ bởi sự nổi tiếng, thành đạt, là mẹ chồng của "ngọc nữ" Tăng Thanh Hà mà trong đó cả sự khen ngợi không tiếc lời về gu thời trang tinh tế. Từ những trang phục đến phụ kiện đến từ các thương hiệu danh giá như Chanel, Burberry, Salvatore Ferragamo… hoặc những bộ đồ thuần túy Việt Nam như áo dài cũng được bà lựa chọn rất phù hợp với vóc dáng và ngữ cảnh.

Bà cũng không ngại ngần chia sẻ nhanh về gu thời trang của mình: “Tôi luôn cập nhật xu hướng thời trang của thế giới và áp dụng cho bản thân, tuy nhiên, dù bắt kịp sự thay đổi của thời trang, như hôm nay là xu hướng đơn giản nhưng mùa sau đã là hoa văn lập thể màu mè, nhưng tôi luôn chú trọng đến việc sản phẩm đó phải phù hợp với vóc dáng và sở thích của mình. Màu sắc giữa trang phục và phụ kiện phải luôn hài hòa với nhau và trên hết, đường nét, chi tiết tinh tế của trang phục chính là sự lựa chọn hàng đầu của tôi".

{keywords}

Quan điểm hàng hiệu “thật và giả”

Trước hết, nếu nghĩ đến việc mua hàng hiệu, xin vui lòng đến đúng các cửa hàng được các thương hiệu công bố trên website chính thức của hãng, dù bạn đang ở ở bất cứ nước nào. Xin lưu ý phải lấy hóa đơn khi giao dịch mua bán. Ví dụ như ở Việt Nam là phải lấy hóa đơn đỏ và phiếu bảo hành và không nên mua hàng được giới thiệu là xách tay vì nhiều khi chính người giới thiệu còn không biết đó là hàng giả.

Đối với giày dép, phụ kiện, nhận biết bằng mắt thường thì nên chú ý đến các tiểu tiết như khóa kéo, đinh tán phụ kiện và đường may trên sản phẩm sẽ phải thật hoàn hảo không một chút lỗi hoặc tì vết.

Với quần áo, thương hiệu càng cao cấp thì chất liệu vải, nhãn mác phụ liệu đính kèm càng phải sắc sảo. Nữ trang và đồng hồ hiệu cao cấp thì tốt nhất hãy mua ở cửa hàng chính hãng ủy nhiệm và không nên mua ở ngoài.

Hiểu biết về hàng hiệu và sử dụng hàng hiệu của ngưười tiêu dùng không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau. Tôi luôn thích vế đầu hơn, không cần phải có điều kiện nhiều về tài chính, nếu chịu khó tìm tòi học hỏi, ai cũng có thể trang bị cho mình một sự hiểu biết về thế giới hàng hiệu như qua internet, sách báo, qua tìm hiểu thực tế khi tham quan các gian hàng đồ hiệu, trò chuyện với các nhân viên tư vấn bán hàng... để cập nhật thế nào là các thương hiệu top đứng đầu thế giới, sản phẩm của họ khác với các thương hiệu phổ thông ra sao...

Không cần phải là người kinh doanh, hiểu biết về thương hiệu từ cao cấp đến trung cấp là bồi dưỡng thêm kiến thức về thời trang của mình. Áp dụng nó vào cuộc sống, bạn sẽ thấy thú vị vô cùng trong vòng xoay căng thẳng của nhiều thứ phải lo toan hàng ngày,...

Cuối cùng, tôi thích quan điểm “Không ai đánh giá bạn khi bạn không hề có một món đồ hiệu nào trên người”, chính nhân cách và tri thức của bạn đã toát lên một giá trị vô giá. Hãy thận trọng và tránh xa hàng nhái, hàng giả. Đeo, mặc nó vào người sẽ làm bạn “nghèo đi” về nhân cách và lòng tự trọng.

Theo Motthegioi