Tôi vẫn biết, sinh ly tử biệt là biến cố mà phàm là người ai cũng phải trải qua. Nhưng rơi vào cái cảnh “Kép Tư Bền” thì chua xót, dữ dội cho tôi quá. Cha tôi mất, khi tôi đang trên sân khấu mua vui cho người đời…

1. Nhà tôi ở Sa Đéc, cạnh dòng Sa Giang. Sa Giang trong tôi, tựa hồ như ụ rơm mùa gặt. Hiền lành đến mức, bất kỳ thằng nhỏ ham chơi nào cũng có thể trốn vòng quanh mà không sợ bị phát hiện, quan trọng hơn là, càng khó bị bỏ quên.

Sinh ra đã là con người, mấy ai tránh khỏi đớn đau, va vấp. Và mỗi khi nỗi hư hao ùa về ngập ngụa, tôi thường để mình đối diện với Sa Giang. Không ai đã từng sống với sông mà xa sông không thấy nhớ. Người bình thường còn vậy, huống hồ chi, tôi là nghệ sĩ.

Tuổi thơ tôi, cứ thế trôi qua êm đềm trong một gia đình đầy ắp tình thương. Tôi thứ 7 trong 8 anh chị em, nhỏ người, ốm yếu, nhưng lại có nhiều tài lẻ. Nhớ có lần kiểm tra làm văn, thầy biết tôi từng đạt giải tỉnh, nên miễn luôn, chỉ biểu hát một bài để lên tinh thần cho cả lớp. Ở nhà, ba má vẫn hay thủ thỉ với nhau: “Thằng Minh nó có tài, phải gắng lo cho nó học đến nơi đến chốn”.

Bởi vậy, việc thiếu nửa điểm, hụt bảng trường y năm ấy đối với tôi và cả gia đình là một cú sốc lớn. Nhờ đậu điểm cao, tôi được hội đồng tuyển sinh chuyển sang ngành sư phạm Nga văn. Tôi không ưng, nên giấu nhẹm. Thi rớt, tôi thì buồn quay quắt, anh chị cũng nặng lòng, mà ba má nhìn bộ dạng thảm não của tôi, cứ cười cười: “Thôi, thua keo này, ta bày keo khác, có gì đâu mà bây làm thấy ghê vậy”.

Mấy ngày sau, ba má sửa soạn cho tôi lên Sài Gòn học ôn. Nhà nội tôi ở Sài Gòn, mỗi năm một bận, đứa nào học giỏi sẽ được dắt lên nội chơi. Ngày đi, ba má chẳng dặn dò gì nhiều, chỉ cười tươi rói: “Được lên Sài Gòn ở lâu, sướng nha”. Tôi tự biết, ba má bình thản như thế là vì quá tin tưởng mình. Vậy mà…

Ở Sài Gòn, một tuần tôi vẫn phải đi học 7 ngày như dưới quê. Có lần, đi ngang qua trường Sân khấu - Điện ảnh, thấy dán thông báo tuyển sinh luyện thi vào trường; đang khi học hành căng thẳng, nên tôi nhào vô đăng ký đại. Hồi nào đến giờ, tôi như cái cây trong chậu kiểng, không biết sương gió, cũng chẳng dám chơi bời quậy phá, nên đành coi chuyện học một môn khác như cái thú để giải khuây.

Mới đầu, tôi bớt 1 ngày ôn thi để đi học lớp sân khấu, dần dà lên 2 ngày, 3 ngày, rồi mê hẳn hồi nào không biết. Đến cận kề ngày thi đại học mới giật thót, chết rồi, mình lún quá sâu.

Cảnh đời, nhiều cái cũng trớ trêu, khi bao nhiêu kiến thức để thi ngành y, tôi quên sạch thì thầy dạy diễn xuất Nguyễn Văn Phúc lại nói: “Con mà thi diễn viên, thầy không thể chấm con đậu được”.

Là tại phần tôi, không có ngoại hình. Tôi điếng người, run rẩy. Mấy tháng qua, tôi đã khổ luyện, đã khóc cười vì cái gì, vì ai… Tôi nhập vai nhân vật nào, thầy cô, bạn bè cũng tung hô, tán thưởng. Tôi quen rồi tiếng vỗ tay, quen tấm sàn gỗ, quen bức màn nhung, quen những người xa lạ mà tôi phải hóa thân vào. Đến ước mơ, tôi cũng đã quen mơ một giấc mơ như thế.

Không thể từ bỏ, tôi nghe theo lời thầy, thi vào lớp đạo diễn. Tôi đậu cao năm ấy.

2. Đậu rồi mới giật mình, biết phải thông báo cho ba má làm sao đây. Như dự cảm, ba má chỉ lặng im. Phải một lúc rất lâu sau đó, ba mới cất lời: “Thằng Minh, lên lầu với ba”.

Nhà tôi có một căn gác rộng, hễ mỗi lần mấy anh chị em phạm lỗi, ba vẫn thường kêu lên lầu để dạy dỗ, khuyên răn. Tôi lủi thủi theo ba mà hai chân ríu lại với nhau. Ba ngồi đó, tĩnh lặng, tôi cúi gằm, căn phòng im vắng đến mức, nghe rõ tiếng mối ăn trèo trẹo trong chân bàn. Phải rất lâu sau, ba mới cất lời: “Con học y người ta kêu con bằng thầy, con theo nghề sân khấu, người ta kêu con bằng thằng, con nghĩ đi, ba nói vậy thôi”.

“Con đào, thằng kép”, tự nhiên tôi thèm biết tại sao người xưa lại cay nghiệt với cái nghiệp xướng ca làm vậy. Mà thôi, biết để làm gì, tôi mê quá rồi, nghĩ được gì nữa đây. Nên bụng bảo dạ, xong tới lượt miệng bảo ba: “Ba cho con thử, một năm thôi”. Ba thở dài: “Ráng mà nổi tiếng, nếu không, đời buồn lắm nghen con”.

Tôi lúc ấy, có biết gì đâu vui buồn đời nghệ sĩ.

Học đạo diễn, nhưng vì thích diễn quá nên bài tập nào của anh chị em cùng trường cũng có mặt tôi. Tổ đãi cho đứa xấu xí như tôi hay sao mà vai nào cũng tròn, lớp nào cũng ngọt. Biết sao được, sân khấu mà, nếu trót xấu thì phải nỗ lực gấp chục lần, cố gắng gấp chục lần mới mong trụ lại. Mày mò mãi, rồi công danh cũng tới. Vở diễn hoàn thành môn dàn dựng và biểu diễn mà tôi đóng vai chính được ghi hình, rồi phát trên sóng truyền hình. Ba má coi được, mừng lắm, cứ cười cười: “Nổi tiếng rồi hen”.

Tôi tốt nghiệp rồi may mắn được trường mời ở lại dạy. Hôm dắt đám học trò về quê chơi, nghe chúng nó ríu rít thầy ơi, thầy à, mà ba tôi khóc. Lời ba dạy hôm nào, quên bẵng, giờ rộn lại, chỉ thấy rưng rưng nhạt nhòa. Ba run run đặt tay lên vai tôi, bàn tay gầy hao, chỉ còn nhúm xương, mà nghe nặng. Ba nghẹn ngào: “Ráng mà giữ chữ thầy nghen con”.

Tôi vẫn biết, sinh ly tử biệt là biến cố mà phàm là người ai cũng phải trải qua. Nhưng rơi vào cái cảnh “Kép Tư Bền” thì chua xót, dữ dội cho tôi quá. Cha tôi mất, khi tôi đang trên sân khấu mua vui cho người đời…

Mới đầu nhận tin, tôi còn tưởng bạn bè trêu. Dân nghệ sĩ, lâu lâu lại giỡn kiểu, Minh ơi, thằng Cường, hay thằng gì gì đó mất rồi. Đời nghệ sĩ, chưa đủ phập phồng hay sao mà dân trong giới còn coi nhẹ cả nỗi ly tan. Tan một suất diễn rợp tràn tiếng pháo tay, tôi nhanh tay nhắn: “Giỡn gì kì vậy, ba tui còn mạnh khù khù à”, rồi yên tâm chạy sô tiếp. Lại tan một lớp hài, tiếng khán giả reo hò còn dư lại bên tai, tin nhắn lại báo: “Chị Ba nè, ba đột quỵ, mất rồi, Minh ơi!”.

Tôi không nhớ nỗi lúc ấy mình đã gắng gượng như thế nào, vẫn còn vài ba nơi chờ sự xuất hiện của tôi. Nếu tôi không đến, danh vọng của tôi lúc ấy, đủ để nơi này, nơi khác mang tiếng lừa khán giả. Tôi sụp trên vai anh Hữu Châu, anh luôn miệng hỏi, được không Minh ơi, được không Minh à. Sân khấu mở màn, khán giả vẫn cười giòn rụm.

Tôi đang chọc người ta cười đó sao, tôi muốn khóc lắm mà, cha tôi đang lạnh dần và biết đâu giờ đã cứng đờ, mà cũng biết đâu cha không nhắm mắt được, đang chờ để nhìn thằng con cưng lần cuối thì sao? Tôi không biết nữa, sao những tràn cười này, dài quá vậy? Ông trời ơi, ông ác với con chi, dữ vậy… Đến suất cuối cùng thì tôi kiệt quỵ, tôi run run xin bỏ. Tôi không gắng gượng nỗi nữa, mặt nạ tôi đã vỡ nát rồi. Tôi chạy về với ba, ba tôi lạnh ngắt…

4 năm sau, mẹ tôi cũng theo ba. Mẹ đi nhẹ nhàng hơn, vì mẹ đau đớn đã lâu rồi, ra đi, với mẹ là giải thoát. Biết vậy mà tôi vẫn ngẩn ngơ ngồi tiếc… Sao mà không tiếc, cũng tại hồi mới xây được căn nhà lớn, hồ hởi nhắn ba: “Con về đón ba má lên ở nhà mới”. Cũng cái kiểu cười cười cố hữu, ba nói: “Sướng ta?”. Vô tư lự là thế nhưng vui ở đâu về mà lóng lánh đôi mắt đã lâu mờ đục của ba. Vậy mà chưa kịp xếp cái áo, dọn mớ khăn, chỗ của ba trong ngôi nhà khang trang chỉ còn là di ảnh. Má cũng thế, xây được căn nhà thứ hai, đang thủ thỉ đưa má về, thì rồi má cũng xuôi tay. Vui buồn dở dở dang dang …

3. Ba má không còn, mỗi khi đớn đau cùng cực tôi lại nhớ dòng Sa Giang da diết. Có ai lớn lên cùng sông mà khi xa lại không nhớ. Tôi tìm về với sông, thủ thỉ, thả trôi những niềm đau. Mà nghệ sĩ, có nỗi xé ruột nào hơn là phải xa lìa sân khấu. Chuyện dữ dội vậy mà tự tôi chuốc lấy cho tôi, nhẹ như người ta vói tay lấy cái bút ngậm đầy mực, tự vẩy lên áo mình.

Tôi xin nghỉ dạy một tháng để đi Mỹ, rồi ở đó cả năm. Đến khi trở về, người vẫn tỉnh rụi, có biết đâu tai họa đã chực chờ. Tôi bị thôi dạy tại trường vĩnh viễn, chữ “thầy” giữ lấy cho ba, cũng không tròn vẹn. Bị cấm diễn 6 tháng, 6 tháng, tôi không muốn gặp ai, mỗi lần bật ti vi lên thấy học trò, thấy đồng nghiệp là tôi lại khóc. Tôi nhớ sân khấu như điên, để chống lại cơn thèm chết bùng lên mãnh liệt, tôi tập kịch, một mình. Mà một mình lại tủi, nước mắt chảy vòng quanh, lại thèm được chết. Nhiều khi nghĩ, hay là cứ tan vào dòng Sa Giang.

Nhưng sống mới khó, chết thì dễ ợt thôi mà. Chắc Sa Giang cũng chẳng thể nào chấp nhận đứa con đớn hèn đến thế đâu. May nhờ những tình thân còn nặng nghĩa, nhờ cơn khát sân khấu thôi thúc mãnh liệt trong tôi mà tôi vẫn sống. Thậm chí đã an nhiên, bình thản và điềm tĩnh hơn rất nhiều. Chữ “thầy” tôi vẫn giữ cho ba. Học trò tôi, mặc kệ xuất thân, mặc kệ động cơ, mục đích, trên sân khấu tôi dạy cho chúng biết đam mê. Cũng như tôi, nhờ đam mê mà sống.

Ai đó bảo tôi là “kẻ gánh tội mệt nhoài”, không phải đâu, tôi vẫn đang được diễn, được truyền cảm hứng cho lớp trẻ đi sau, vậy là đã vui. Nghệ sĩ mà, phải diễn mới sống được, cũng như sông phải được chảy mới là sống đời của nó.

Sa Giang có mùa đỏ ối nỗi niềm trong nắng quái, nhưng có là nắng gì rồi cũng chỉ khiến dòng sông thêm lấp lánh mà thôi…

Theo ANTG