- Dư luận đặt nghi vấn về mưu đồ của những giọng ca dở nhưng trong đầu đặc quánh tham vọng nổi tiếng, khi tung ra hàng loạt “thảm họa” Vpop.
Có biết nói dối là sao không hả? Một khi nói dối sẽ mất tất cả. Sẽ mất tất cả có biết không hả?” - Những lời ngây ngô và lẩm cẩm trên được trích từ đoạn hát rap trong video ca khúc Nói dối của Phương My. Giai điệu nhạt nhẽo và lời lẽ tầm phào của bài hát đi kèm phong cách trình diễn sao chép cô ca sĩ tóc bạch kim ngổ ngáo Gwen Stefani.

Video ca khúc Nói dối của Phương My:


Chuyện này gợi nhớ rất nhiều đến ca khúc Friday của Rebecca Black, thu hút tới hơn 36 triệu lượt xem trên trang YouTube nhờ “tiếng thơm” ca khúc dở nhất mọi thời đại. Trong Friday, cô bé 13 tuổi được bố mẹ bỏ 2.000 USD mua bài hát để mong con nổi tiếng, hát rằng: “Hôm qua là thứ 5. Hôm nay là thứ 6. Ngày mai là thứ 7 và Chủ nhật sẽ đến sau đó…” Những lời ca vô nghĩa và lặp lại không khác gì cách mà Phương My liên tục nhét vào đầu khán giả mấy chữ “nói dối, vì sao và tại sao”.

Bất chấp có tới hơn 5.400 lượt bày tỏ “không thích”, kèm những lời phê phán kịch liệt, trong lúc chỉ có hơn 160 lượt thích, đoạn video ca khúc Nói dối của Phương My đang phát tán mạnh mẽ, thu hút hàng trăm ngàn lượt xem trên khắp các trang mạng như một điển hình của sự nhảm nhí của Vpop.

Xét trên mục tiêu tìm danh tiếng, cô gái lớn lên ở Đà Nẵng và được cha ủng hộ và bỏ tiền để bước vào con đường ca hát giống như Rebecca Black, có lẽ đã thành công ở chừng mực nhất định nhờ công thức “khi không thể hát hay nhất, bạn hãy hát dở nhất”. Giống như cách mà người ta ngầm nói vui với nhau ở Hollywood rằng: Khi không thể nổi tiếng, bạn hãy gây tai tiếng, bởi cuối cùng thì bạn cũng nổi tiếng.

Phương My có quyền cho rằng âm nhạc của cô đặt mục tiêu giải trí cho người nghe, không đề cao tính nghệ thuật và nếu bạn không thích cũng đừng nên phê phán. Tuy nhiên, sản phẩm giải trí mà cô quăng vào xã hội rõ ràng đã không đạt hiệu ứng như mong đợi, nếu không muốn nói là hiệu ứng ngược bởi hàng loạt sự giận dữ, chỉ trích cho rằng nó đã góp phần làm cho chất lượng nghệ thuật của nhạc pop Việt (Vpop)… đi xuống.


Lê Kiều Như "Đừng yêu em"
Phương My chưa hẳn là cái tên đầu tiên trong làng pop Việt nổi tiếng vì sự dở, nhất là khi trước cô đã có nhiều người đẹp “đa tài” âm mưu nhảy vào nghề ca hát và hậu quả là sản sinh cho nhạc Việt một loạt “thảm họa” như: Phi Thanh Vân với Da nâu, Lê Kiều Như với Đừng yêu em, Tình yêu hoa hồng… góp chung với những sản phẩm siêu dở, siêu nhảm của ca sĩ “chính hiệu” như Vĩnh Thuyên Kim với Vọng cổ teen, Vũ Hà với Rắc rối tình yêu…

Hơn ai hết, công chúng là những người sẽ trả mọi sáng tạo nghệ thuật về đúng với giá trị của chính nó. Các “thảm họa” Vpop sẽ còn nóng sốt, bởi dù sao nó còn mang lại trò vui cho khán giả, đi kèm với chê bai, dè bỉu. Thế nhưng, “danh tiếng” có được nhờ tai tiếng là con dao hai lưỡi. Chủ nhân của các “thảm họa” hẳn sẽ khó ăn khó nói với những người thân, người quen của mình sau những gì họ đã “đóng góp” cho xã hội.

Bởi suy cho cùng, xã hội sẽ chẳng có chế tài nào cho hành vi gây ra “thảm họa” nghệ thuật, công án mà chủ nhân “thảm họa” phải đối diện chính là cuộc sống riêng của mình và trách nhiệm với những người xung quanh.

  • Minh Chánh