- Với việc cho ra mắt bộ truyện tranh dã sử có hình thức và nội dung được đầu tư, nhóm tác giả Phong Dương Comic đang gây chú ý trên thị trường xuất bản truyện tranh với phương thức sản xuất mới, tiếp cận sát độc giả và một tư duy làm truyện tranh có chiều sâu.  

 

10 năm về trước, bộ truyện tranh Truyền thuyết Long Thần Tướng của hai tác giả Nguyễn Thành Phong và Nguyễn Khánh Dương đã gây được tiếng vang trong cộng đồng truyện tranh Việt. Lấy bối cảnh quãng thời gian trước khi diễn ra cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai (1285), một thời kì lừng lẫy trong lịch sử đất Việt với vua Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản - bộ truyện tranh dã sử giả tưởng này được đăng dài kì trên tạp chí Truyện Tranh Trẻ của NXB Trẻ và được nhiều độc giả yêu thích. Sau 1 năm xuất bản, tạp chí Truyện Tranh Trẻ ngừng phát hành khiến Truyền thuyết Long Thần Tướng kết thúc trong dang dở.

{keywords}
Ekip Nguyễn Thành Phong - Nguyễn Khánh Dương

Cuối năm 2013, Phong và Dương (vốn được biết đến với "thương hiệu" Phong Dương Comic) bất ngờ thông báo tái khởi động lại bộ truyện. Thay vì phụ thuộc vào đơn vị tài trợ để xuất bản, hai tác giả quyết định sử dụng hình thức crowdfunding (gây vốn cộng đồng) đang trở nên thịnh hành trên thế giới để sản xuất. Khởi động từ ngày 1/4/2014, sau 2 tháng, dự án crowdfunding cho tập 1 (trong số 5 tập dự kiến) của Truyền thuyết Long Thần Tướng đã gây quỹ được 330 triệu đồng, vượt mức kì vọng 10%, trở thành dự án crowdfunding có kết quả lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam.

Trong nhóm Phong Dương Comic, Thành Phong (vốn được biết đến với tác phẩm gây tranh cãi Sát thủ đầu mưng mủ (2011) đảm nhiệm vẽ, còn Khánh Dương thực hiện phần kịch bản. Để thực hiện Long Thần Tướng phiên bản 2014 kịp tiến độ, nhóm mời thêm Mỹ Anh - sinh viên năm thứ hai Đại học Mỹ thuật Hà Nội cộng tác. Năm 15 tuổi, Mỹ Anh đã được giải thưởng của tạp chí truyện tranh Shonen Jump (Tạp chí truyện tranh hàng đầu Nhật Bản). Ngoài ra cũng có sự xuất hiện của Trần Quang Đức. Anh là một nhà nghiên cứu văn hóa sử trẻ tuổi và đáng chú ý hiện nay, thông thạo Hán Nôm, quan tâm tới lịch sử văn hóa Việt Nam. Tác phẩm khảo cứu lịch sử trang phục Việt – "Ngàn năm áo mũ" của anh đã gây được tiếng vang lớn sau khi ra mắt và nhận được giải Sách Hay năm 2014 ở hạng mục Phát hiện mới.

Sự có mặt của Trần Quang Đức và một quan điểm làm việc mới của ekip Phong Dương đã đem lại sự thay đổi đáng kể ở Long Thần Tướng phiên bản 2014. Tạo hình nhân vật được xây dựng lại mới lạ hoàn toàn so với phiên bản cũ, trang phục, bối cảnh bám sát sử liệu thời Trần, thế kỉ 13. Một trong những thể nghiệm táo bạo của nhóm tác giả, là cho toàn bộ dàn nhân vật nhuộm răng đen. Với cách xây dựng tạo hình, trang phục nhân vật, nhóm tác giả muốn khẳng định “Đây chính là hình ảnh ông cha ta ngày xưa”.

{keywords}
Loạt mô hình nhân vật

Sau 10 năm, Long Thần Tướng chỉ còn giữ lại bối cảnh lịch sử và tuyến nhân vật chính. Nhưng ngay cả các nhân vật chính cũng thay đổi diện mạo và tính cách. Long 17 tuổi với ngoại hình cao ráo đẹp trai, hơi ngố, thẳng thắn và bộc trực được thay thế bằng Long 13-14 tuổi, thông minh, tinh khôn và láu lỉnh. "Thay thế hình tượng anh hùng truyền thống, chúng tôi muốn tạo ra những nhân vật có tính cách 'đời' hơn" - Thành Phong chia sẻ.

13 chương khởi đầu của Long Thần Tướng 2004 được vẽ đơn giản hơn rất nhiều, cũng hài hước hơn, với mạch truyện đơn tuyến và dễ đoán. Với phiên bản 2014, Phong Dương có cách kể chuyện khác hẳn, kịch bản hấp dẫn hơn về tình tiết, đan xen giữa quá khứ (thế kỉ 13) và hiện tại (năm 2014), phân khung mang nhiều chất điện ảnh, tính hài hước giảm xuống và sự lắt léo tăng lên, nó cũng phức tạp hơn và tối hơn, nhiều lớp lang, không còn đơn thuần trong sáng ngây ngô như phiên bản 2004. Có thể nói đây là một tác phẩm truyện tranh có tính điện ảnh cao.

Điểm độc đáo trong việc thể hiện cũng đến từ việc sử dụng màu nước, một phương pháp hiếm gặp trong truyện tranh mà Thành Phong nói nó "đem lại hiệu quả đặc biệt về độ chuyển rất tinh tế và độ loang ngẫu nhiên. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả khi làm nổi bật lên nét cổ kính của truyện". Đòi hỏi cao ở đứa con tinh thần "thai nghén" lần thứ 2 sau 10 năm, Thành Phong cho biết phương pháp thể hiện mới khiến anh mất nhiều thời gian và công sức hơn cách vẽ cũ. "Có những hôm tôi làm việc đến 18 tiếng một ngày", Phong cười.

{keywords}
Tác phẩm hoàn thiện, ra mắt ngày 01/11/2014

Không dừng lại ở việc phát hành ấn bản đặc biệt và ấn bản phổ thông, lần đầu tiên trong lịch sử xuất bản tại Việt Nam, họ đã bắt đầu xuất bản kèm với các sản phẩm phụ trợ như poster, tượng mô hình - một cách thức gia tăng trải nghiệm và tăng sức ảnh hưởng, khả năng nhận diện cho sản phẩm chính. Đây là cách thức mà các nhà kinh doanh văn hóa nghệ thuật đã làm trên thế giới từ lâu: sản xuất một loạt các sản phẩm phụ trợ ăn theo sản phẩm chính, vừa quảng bá vừa gia tăng doanh số.

Hồ Hương Giang