Trong làng showbiz hiện nay, có rất nhiều ca sĩ trẻ chẳng ai biết tới muốn nổi danh nhanh và tạo hiệu ứng dư luận đã tung ra chiêu… thuê fan để cổ vũ mình.
Tung tiền - thổi tên
Trở thành “sao” và sở hữu một lượng lớn người hâm mộ (fan) là giấc mơ của nhiều ca sĩ mới vào nghề. Để đạt được giấc mơ ấy, một số ca sĩ trẻ không ngần ngại tung ra chiêu “rải tiền” thuê... fan (!).
Hẳn công chúng còn nhớ vụ nghi án thuê fan giả tới khóc lóc trước trụ sở VAA - Công ty Âm nhạc của N. T. Vân. theo đó, có một số bạn trẻ khóc lóc, kêu gào thảm thiết mong thành viên Will (một ca sĩ chẳng ai buồn biết tên) quay lại nhóm nhạc 365 và được ghi lại clip rồi tung lên mạng. Những hình ảnh trên lập tức vấp phải phản ứng của truyền thông lẫn cộng đồng mạng.
"Nghi án" thuê fan của nhóm nhạc 365. |
Một số trang mạng đã nêu nghi vấn về sự dàn dựng, thuê người “khóc mướn” để gây hiệu ứng cho nhóm nhạc vừa mới ra đời này. Trong clip, một số fan khóc nhưng vẫn vờ che miệng… để cười. Ngoài rất nhiều lời nhận xét không đồng tình với hành động của các bạn trẻ trong clip trên, khá nhiều bình luận cho rằng cách thể hiện tình cảm này có dấu hiệu bắt chước cách làm của fan yêu nhạc Hàn dành cho các nhóm nhạc nam, đồng thời cho rằng đây là một “chiêu PR” mới của “đả nữ” N. T. Vân. Nghi vấn này được N.T. Vân khẳng định không bỏ tiền nhưng nghi án thuê fan của người đẹp họ Ngô này vẫn chưa hết âm ỉ trong công chúng.
Không phải ngẫu nhiên mà công chúng nghi ngờ việc thuê fan này bởi trong làng showbiz hiện nay, có rất nhiều ca sĩ trẻ chẳng ai biết tới muốn nổi danh nhanh và tạo hiệu ứng dư luận đã tung ra chiêu… thuê fan để cổ vũ mình. Họ sẽ trả công cho bất kỳ người nào, miễn người đó sẵn sàng… tung hô, lăng xê, “đôn” lên thành “thần tượng” ở chỗ đông người hay ở chương trình ca nhạc lớn, nhỏ, cốt làm sao cho khán giả phải nhớ tới tên mình.
Tùy từng khả năng của mỗi người mà bầu của ca sĩ xếp vào vị trí “làm việc” thích hợp. Ví như, nếu ngoại hình ưa nhìn thì lên sân khấu xin chữ ký, chụp hình hoặc tặng hoa, gấu bông; giọng khỏe thì gào thét tên ca sĩ, cao to thì đứng giơ biển điện tử, băng rôn có tên “thần tượng” với lời ca tụng đọc “nổ” mắt: “Minh H.… number one” “Mai.N. tuyệt nhất đêm nay….”, người nhí nhảnh thì được vẽ hoặc dán ảnh hoặc tên “thần tượng” trên mặt, trên tay, còn người có khả năng văn chương thì làm “chân” bình luận trên mạng xã hội, trang web cá nhân.
Không chỉ thuê fan hò hét “đôn” tên mình, các ca sĩ trẻ hay những người muốn nổi tiếng còn thuê người tặng quà mình. Từ những quà nhỏ xinh, đáng yêu đến những đồ đắt tiền, trị giá tiền triệu, tiền tỷ. Các câu chuyện được tặng đồ hiệu, xe máy ô tô, ngôi nhà được họ khoe “lồng ghép” trong những bài phỏng vấn trên phương tiện truyền thông như thể khẳng định “đẳng cấp” của mình trong giới showbiz.
Các fan được thuê ấy không ai khác ngoài đội ngũ sinh viên, học sinh dư thừa thời gian sẵn sàng tham gia vào làm “người hâm mộ bất đắc dĩ”. Nếu được một ông bầu của ca sĩ thuê, họ sẽ được tham dự nhiều sự kiện, chương trình hoành tráng với vị trí ưu tiên, được trang bị mọi phương tiện hỗ trợ cổ động và đưa đón miễn phí đến tận nơi. Đổi lại những “quyền lợi” ấy, trong suốt thời gian “hợp đồng” từ 2-4 tiếng, những fan giả phải vỗ tay, hò hét, gào tên ca sĩ, xin chữ ký, lên tặng hoa, tặng thú bông, chụp ảnh và đăng tải trên website cá nhân của ca sĩ, tham gia bình luận với vô vàn lời có cánh với “thần tượng” của mình.
Để “đôn” mình thành “thần tượng”, các ca sĩ trẻ không ngại “quăng” tiền thuê các fan diễn các màn diễn….“độc”. Fan sẵn sàng diễn cảnh đứng giữa đường bất chấp nắng, mưa, cố bám mình theo xe “thần tượng” rồi khóc lóc vật vã. “Diễn xuất nhập tâm”, fan được thuê được tiền “bo” từ 500 nghìn- 1 triệu đồng.
Phù du “thần tượng”, nhiễu loạn showbiz
Trào lưu “thuê fan” còn “len lỏi” vào các gameshow âm nhạc trên truyền hình. Không khó để nhận ra từng tiếng vỗ tay, từng tiếng “ồ”, tiếc nuối, thậm chí khóc, hò hét, phấn khích tột độ mà người xem các chương trình mang danh truyền hình thực tế vẫn thường thấy trên tivi chỉ là… “kịch”.
Các fan hò hét gọi tên thí sinh, hươ chong chóng, ống nhựa, hình ảnh và băng rôn, khẩu hiệu… xem ra rất náo nhiệt. Khi ống kính lia gần, có fan còn dí mặt gần ống kính, thè lưỡi, nhăn mũi tạo dáng. Điều đó dễ hiểu khi có không ít thí sinh hát rất dở, nhạt nhẽo nhưng vẫn được “khán giả” tán dương, cổ vũ, hò reo, gọi tên nhiệt tình. Các fan được thuê phải tỏ vẻ phấn khích khi “thần tượng” của mình được chấm cao điểm hay u buồn, rơi lệ khi bị loại. Chính sự “cuồng nhiệt quá mức” của những fan được thuê đã “đánh lừa” cảm xúc khán giả truyền hình thậm chí còn “lung lay” sự chấm điểm của ban giám khảo.
Chưa hết, để làm vị trí độc tôn, một số ca sĩ trẻ còn thuê fan thành lập hẳn một câu lạc bộ hay hội nhóm có quy mô. Ngoài việc tung hô “thần tượng”, các fan giả ấy còn phải thực hiện công việc “dìm hàng” với một số ca sĩ mà “thần tượng” của mình coi là… ngáng đường, không đội trời chung.
Fan chào đón thần tượng |
Các ca sĩ trẻ được “đôn” lên vì tiền nhưng họ lại tưởng mình “thần tượng thật”. Có không ít người đã có những người có phát ngôn, hành động kiêu ngạo, coi thường giá trị nghệ thuật, coi thường lớp nghệ sĩ đi trước.
Có thể những ca sĩ trẻ thuê fan được cổ vũ, tung hô, lăng xê nhưng đó là khi họ bỏ tiền ra, còn khi đối diện với công chúng thực sự, họ có tạo được “hào quang” ấy không lại là chuyện khác. Thế mới có chuyện, một ca sĩ trẻ khi hết tiền “nuôi fan” đã ôm mặt khóc sau một chương trình biểu diễn bởi khán giả chẳng ai đếm xỉa tới sự có mặt cũng như tiết mục biểu diễn của mình.
Mới hay, “thần tượng” chỉ là phù du, ảo ảnh, còn sự nhiễu loạn, vẩn đục của showbiz đang nhãn tiền.
Theo PLO