Mãi đến nay, người ta vẫn chưa hiểu tại sao Trần Hiểu Húc lại quyết định xuống tóc nương nhờ cửa Phật khi đang là một nữ doanh nhân giàu có.
Năm 1983, 18 tuổi, được sự động viên của bạn trai Tất Ngạn Quân (sau này là người chồng đầu tiên), Trần Hiểu Húc gửi một lá thư tự giới thiệu mình với đạo diễn Vương Phù Lâm, ứng cử vào vai Lâm Đại Ngọc trong bộ phim truyền hình Hồng lâu mộng đang casting diễn viên. Cô không quên kèm theo bài thơ Tôi là một nhánh liễu sáng tác năm 14 tuổi. Sau khi gặp mặt, đạo diễn Vương Phù Lâm quyết định mời Trần Hiểu Húc thể hiện nhân vật nữ chính được Giả Bảo Ngọc khen đẹp “nghiêng nước nghiêng thành”.
Trần Hiểu Húc thời thiếu nữ.
Tháng 4/1984, Trần Hiểu Húc bắt đầu cuộc hành trình sống với hình ảnh nàng Lâm Đại Ngọc. Sau 3 năm thực hiện, bộ phim Hồng lâu mộng lên sóng Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc vào ngày 2/5/1987, ngay lập tức tạo nên cơn sốt, gần như trở thành tiêu điểm cho các trang báo thời ấy. Từ một diễn viên vô danh của một đoàn kịch địa phương, tên tuổi Trần Hiểu Húc nổi như cồn dù hình tượng nhân vật Lâm Đại Ngọc do cô đảm nhận gây tranh cãi trái chiều.
Vai Lâm Đại Ngọc do Trần Hiểu Húc thể hiện đã trở thành kinh điển.
Thành công của Hồng lâu mộng đã mở ra một cánh cửa cho Trần Hiểu Húc, đồng thời cũng đóng lại một cánh cửa khác nên vai diễn sau đó trong phim Gia xuân thu không thể thoát khỏi hình ảnh Lâm Đại Ngọc. Chính vì thế, tuy mới ngoài 20 nhưng cô quyết định chia tay màn ảnh, tự thành lập công ty quảng cáo, trở thành nữ doanh nhân thành đạt với doanh thu hằng năm lên tới 200 triệu nhân dân tệ. Trần Hiểu Húc có tên trong danh sách sách các triệu phú trẻ của Trung Quốc năm 1999, từng được bình chọn là một trong 30 nữ doanh nhân xuất sắc nhất trong làng quảng cáo Đại lục năm 2004.
Trần Hiểu Húc trước khi xuống tóc quy y cửa Phật.
Năm 2007, 42 tuổi, cuộc đời của nàng Lâm Đại Ngọc bất ngờ rẽ sang một hướng mới khi quyết định xuống tóc quy y với pháp danh Diệu Chân vào ngày 23/2. Và chưa đầy 3 tháng sau, ngày 13/5 cô qua đời vì ung thư vú.
Vì sao Trần Hiểu Húc đi tu? Phải chăng cuộc hôn nhân với người chồng sau - nhà sản xuất Hác Đồng gặp vấn đề gì? Hay căn bệnh ung thư đã khiến cô mất niềm tin vào cuộc sống?... Mãi đến nay, vẫn chưa ai có thể tìm thấy câu trả lời chính xác nhất.
Trần Hiểu Húc - Diệu Chân pháp sư khi còn sống.
Sinh thời, khi giải đáp về nguyên nhân của việc xuất gia, Trần Hiểu Húc từng tâm sự: “Quy y không phải trốn tránh cuộc sống, mà là sự lựa chọn khác cho mình. Sau 10 năm theo Phật, tôi tìm thấy chỗ nương tựa cho tâm hồn thanh thản”.
Tuy nhiên, theo một người bạn thân của Trần Hiểu Húc, ngoài việc tin Phật, chính nhân vật Lâm Đại Ngọc đã ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ của cô. Bi kịch của Lâm Đại Ngọc đã vận vào cuộc đời cô. Từ sau khi đóng vai diễn này, Trần Hiểu Húc trở thành một con người khác, tuy rất giỏi trong việc kinh doanh nhưng ở cuộc sống thường nhật, cô hoàn toàn là một Trần Hiểu Húc mong manh, dễ xúc động. Trước khi phát hiện bệnh ung thư vú, cô luôn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Do vậy, sự xuất hiện của căn bệnh quái ác khiến Trần Hiểu Húc cảm nhận sâu sắc hơn sự vô thường của cuộc sống. Không chỉ bản thân Trần Hiểu Húc, mà ông xã cô cũng bị ảnh hưởng nên nhà sản xuất Hác Đồng đã xuất gia sau đó vài ngày. Chia sẻ với giới truyền thông về quyết định này, Hác Đồng thừa nhận quan hệ giữa anh và Trần Hiểu Húc đã vượt qua khỏi ranh giới vợ chồng, đã trở thành đồng môn và ông gọi vợ là Diệu Chân pháp sư đầy trân trọng. Sau khi Trần Hiểu Húc qua đời, theo ý nguyện của cô, gia đình đã thành lập quỹ từ thiện mang tên Trần Hiểu Húc chuyên giúp đỡ cho các hoạt động giáo dục và y tế.
Theo Zing