- Anh sở hữu một công ty sách tư nhân ra mắt từ năm 2006. Những cuốn sách đầu tiên anh lựa chọn là những cuốn sách viết về Hồ Chủ Tịch...

Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc  Đinh Tị Books
60 đầu sách về Bác Hồ là một con số rất lớn. Giám đốc công ty sách (sinh năm 1977) sở hữu 2 dòng sách dường như trái ngược hẳn nhau: sách danh nhân và sách thiếu nhi. Dáng người dong dỏng, gương mặt hiền lành, phong thái từ tốn, Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc  Đinh Tị Books - giản dị, gọn gàng. Phỏng vấn Nguyễn Quang Tuấn là một “ca” khó. Anh khá kiệm lời, dường như e ngại khi nói về bản thân mình.

Anh đã in những cuốn sách đầu tiên về Bác như thế nào?

Trước khi thành lập công ty tôi có in thử nghiệm và phát hành một số cuốn sách thiếu nhi. Đến giữa năm 2006 khi thành lập công ty tôi thực hiện mua bản quyền xuất bản và xin giấy phép để in một số đầu sách về Bác: Bông sen vàng, Hoa dâm bụt, Hồ Chí Minh nhà dự báo thiên tài, 79 mùa xuân Hồ Chí Minh, Thời thanh niên của Bác Hồ. Giai đoạn đầu làm sách khá khó khăn, không hẳn do vấn đề kinh tế mà do khâu phát hành vì đầu sách ít quá.

Những cuốn sách hồi đó làm tôi chủ yếu đưa về bán tại quê nội và quê ngoại Bác, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh… Đến năm 2007-2008, phong trào “Học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được phát động, nhiều địa phương hưởng ứng mạnh mẽ. Họ cần thêm tài liệu tham khảo để nghiên cứu, viết bài. Nhờ đó tôi có dịp ra mắt nhiều đầu sách hơn, lượng phát hành cũng nhiều hơn.

Đến năm 2009 – 2010 phong trào lắng xuống thì nhu cầu mua sách cũng giảm. Nhưng một số đầu sách hay vẫn bán được đều đặn như “Bông sen vàng” (Sơn Tùng), “Hồ Chí Minh cứu tinh dân tộc Việt” (Nguyễn Ngọc Truyện). Dù thế nào, tôi vẫn sẽ duy trì và tìm tòi để cho ra những cuốn sách hay về Bác trong thời gian tới, không phụ thuộc thị trường.

“Bông sen vàng” của tác giả Sơn Tùng là một tác phẩm nổi tiếng. Anh đã làm thế nào để mua được bản quyền của cuốn sách này?

Thực ra cuốn sách này bác Sơn Tùng cũng chưa hẳn bán đứt bản quyền cho nhà sách nào (anh cười). Mình chỉ mua theo dạng phát hành từng đợt. Vào năm 2007 đó, tôi cũng chỉ là một người mới làm sách khi đề nghị bác Sơn Tùng thì bác đồng ý ngay. Về phía tác giả, họ cũng muốn sách của mình được in, được tái bản, đặc biệt là những cuốn sách Bác Hồ vốn được viết với rất nhiều tâm huyết và tình cảm.

Hơn 5 năm làm sách về Bác Hồ, anh đã tìm thấy bản thảo “vàng”, một tác phẩm mà anh thực sự tâm đắc?


(Suy nghĩ) Thực ra là chưa! Có một cuốn sách mà tôi rất thích và cũng được rất nhiều độc giả quan tâm, đó là “Hồ Chí Minh cứu tinh dân tộc Việt”. Đây là một cuốn sách tư liệu tổng hợp và đầy đủ, được viết với văn phong giản dị, rất dễ đọc, gần gũi và cũng dễ tra cứu. Cuốn sách gồm 240 câu chuyện lớn nhỏ trải dài suốt cuộc đời Bác từ khi sinh ra  ở làng Sen, theo cha vào Sài Gòn, đi bôn ba năm châu bốn bể để tìm đường cứu nước đến khi Bác trở về VN lãnh đạo cách mạng thành công và cho đến cuối đời. Cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên năm 2007 và đến nay đã được tái bản rất nhiều lần.

Là thế hệ sinh sau chiến tranh, tuổi thơ của anh có ấn tượng hay kỉ niệm sâu sắc nào với Bác, khiến anh có mong muốn chuyên tâm làm sách Bác Hồ?

Hồi nhỏ, cũng như mọi người tôi được đọc và biết về Bác qua sách giáo khoa, rồi đọc “Búp sen xanh” – cuốn sách mà tôi ấn tượng nhất và ghi nhớ mãi. Lần đầu tiên được “gặp” Bác là khi học lớp 4, lớp 5, được cô giáo dẫn ra ngoài chơi, vào thăm lăng Bác.  Tôi không bao giờ quên giây phút đó.

Trong quá trình làm sách về Bác, ai là người luôn ủng hộ và động viên anh? Bố mẹ có tác động nhiều đến quyết định làm sách về Bác Hồ của anh không?

Không, chỉ một mình tôi thôi! Quyết định làm sách là do tôi chứ không phụ thuộc vào người trong nhà. Có bố vợ thì là độc giả trung thành. Ông cũng chỉ là một công chức bình thường làm việc tại sân bay. Mỗi khi có đầu sách nào về Bác mới ra ông đều bảo tôi mang đến cho ông đọc. Còn lại thì có các anh chị em trong công ty, các tác giả như Sơn Tùng, Trần Đương... Các bác đã đóng góp nhiêù  đầu sách về Bác cho tủ sách danh nhân của tôi. Chúng tôi cũng đang cố gắng ra mắt một tác phẩm dày hơn 200 trang vào dịp 2/9 “Tình cảm của Fidel Castro với Việt Nam và Bác Hồ”.

Đã làm nhiều sách về Bác, hẳn cũng đọc rất nhiều. Đâu là đức tính mà anh cảm phục Bác nhiều nhất và muốn đưa đến cho bạn đọc?

Nói về Hồ Chủ Tịch thì có nhiều thứ để học tập lắm. Sự kiên trì, kiên định từ nhỏ, dù làm gì cũng làm tới cùng với ý chí quyết tâm cao, sự thông minh, uyên bác, ham học hỏi và một tấm lòng nhân hậu vô bờ; đặc biệt là tình yêu của Bác dành cho các cháu thiếu niên và nhi đồng. Một người làm kinh doanh như tôi luôn hướng theo tấm gương của Bác để học hỏi và giữ niềm đam mê của mình trong công việc và cuộc sống.

Cảm ơn anh. Xin được chia sẻ với anh niềm hạnh phúc được làm sách về Bác Hồ!

Hồ Hương Giang