- Một trong những triển lãm trẻ trung, hiện đại và thú vị nhất từ đầu năm tới giờ đã thu hút hàng trăm bạn trẻ và cả người lớn tuổi ngay từ buổi tối khai trương.

Tại 2 phòng trưng bày tầng 1 và tầng 2 của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 9 không gian sắp đặt khác nhau đã được tạo ra từ cảm hứng của 9 bộ truyện tranh (manga) nổi tiếng Nhật Bản. Những bộ truyện này đã được đăng tải trên các tạp chí lớn tại đất nước này suốt từ năm 2000 đến 2010.

Không chỉ dành cho đối tượng khán giả trẻ hay những người đọc manga, triển lãm còn hứa hẹn thu hút những ai quan tâm đến hội họa, nghệ thuật sắp đặt hay văn hóa Nhật Bản. Bước vào khu vực triển lãm, tại phòng trưng bày chính, đập vào mắt người xem là 4 bức tranh màu khổ lớn có chiều rộng hơn 5m của bộ truyện "Số Năm" - tác giả Matsumoto. Anh đã sáng tạo nên một thế giới độc đáo với những bức vẽ bằng tay miêu tả tỉ mỉ phong cảnh và sinh vật trong một thành phố không mang đặc trưng của bất kì quốc gia nào.


Không gian chính của triển lãm

Hình ảnh đặc tả bằng nét bút thô, các khuôn hình lớn chéo trên trang giấy, phong cảnh huyền ảo của không gian vũ trụ và các loài động thực vật lạ mắt cũng khiến cho độc giả như lạc vào một không gian kì áo mới, siêu thực với cảm giác phiêu du độc đáo. Rất nhiều khán giả đã tập trung tại không gian này để chiêm ngưỡng bút pháp và cách sử dụng màu độc đáo của Matsumoto.

Người xem triển lãm còn có thể chiêm ngưỡng nghệ thuật sử dụng màu nước kì tài của các họa sĩ Nhật Bản hiện đại (đã được biết đến qua một số tác phẩm hoạt hình nổi tiếng từng đoạt giải Oscar của hãng Ghibli như Spirited Away (2001) hay Howl's Moving Castle (2004) - lọt vào bảng đề cử), các nét vẽ dùng mực đen, bút máy, các thủ pháp về giản lược hay đặc tả chi tiết, các góc máy, khung hình hay hiệu ứng của âm nhạc.



Triển lãm "Không gian mới của Manga" tiếp tục ấn tượng bởi sự chi tiết và công phu trong việc sắp đặt bối cảnh để trưng bày càng nhiều những nguyên tác của các họa sĩ càng tốt. Thêm vào đó là sự sáng tạo trong việc bố trí các đạo cụ sắp đặt như đàn piano, dàn trống, guitar điện, chiếu phim tường, quây không gian biển được hỗ trợ thêm âm thanh của tiếng cá voi.... Tất cả đã làm nên một không gian tổng thể sống động, đa dạng và thu hút.

Sự thực là việc chuyển hóa một tác phẩm manga từ góc độ "truyền thông cá nhân" đến "truyền thông đại chúng" với hàng trăm, hàng nghìn người tham dự triển lãm là điều hoàn toàn không dễ. Thay vì việc ĐỌC manga, giờ đây độc giả mọi tầng lớp, lứa tuổi có thể được chuyển thành hình thức XEM manga một cách thư giãn và thoải mái trong 2 tầng không gian rộng hơn 200 m2.

Tuy thế, đối với một đất nước mà tiềm năng truyện tranh đã trở thành một huyền thoại bậc nhất trên thế giới, thì có lẽ triển lãm này vẫn chưa thực sự "xứng tầm" cho manga Nhật Bản. Ngoài hiệu ứng âm thanh đã được đưa vào, việc thiếu vắng các mô hình 3D khiến cho người xem có cảm giác mọi thứ vẫn chỉ đang nằm trên các trang giấy. Và sự thay đổi chỉ là ở không gian đọc/xem và ở khổ giấy mà thôi.




Hình ảnh trong bộ truyện "Số Năm" - tác giả Matsumoto

Chiếu phim tường

 Thần chú "Sugar Sugar Rune" - tác giả Anno Moyoco

Không gian biển và hiệu ứng tiếng cá voi trong "Những đứa con của Hải thú" - tác giả Igarashi Daisuke





Các họa sĩ thể hiện phong cách vẽ đa dạng






"Khúc nhạc Nodame" - tác giả Ninomiya Tomoko, bộ truyện tranh điển hình về truyền thông hỗn hợp đã xóa đi những thành kiến cứng nhắc về nhạc cổ điển, tạo nên "hiện tượng Nodame" trong xã hội  khiến doanh thu đĩa CD cổ điển đạt kỉ lục chưa từng có, cũng như sự gia tăng số trẻ em học piano.

Triển lãm chính thức mở cửa cho khách tham quan từ ngày 19/5 đến hết ngày 16/6/2011 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Hồ Hương Giang - Ảnh: Minh Trần