- Không lời thoại trong gần 90 phút nhưng khán giả mọi lứa tuổi vẫn không thể rời mắt khỏi màn hình để theo dõi cuộc hành trình hài hước nhưng cũng đầy ý nghĩa của những chú cừu.
Xem trích đoạn 'Singing' cực hài hước trong phim
Đã quen thuộc với hàng triệu khán giả truyền hình khi lên sóng từ 2007 nhưng series phim hoạt hình về những chú cừu lần đầu được các nhà làm phim đưa lên màn ảnh rộng với dung lượng bằng cả chục tập phim ngắn cộng lại.
Shaun the Sheep Movie (tựa Việt: Cừu quê ra phố, ra rạp từ 27/2) hoàn toàn không có lời thoại, hay nói cách khác là một phim câm nhưng lại có sức hút rất lớn với người xem chính nhờ tạo hình đáng yêu cùng những tình huống hài thông minh và phần âm nhạc ấn tượng.
Phim mở đầu với những hình ảnh
lặp đi lặp lại ở trang trại Mossy Bottom ở miền quê nước Anh. Mỗi sáng gà gáy,
đồng hồ báo thức, ông chủ thức dậy làm vệ sinh cá nhân rồi bắt đầu công việc với
đàn cừu cùng sự trợ giúp của chú chó Bitzer trung thành. Cuộc sống nhàm chán nơi
nông trại khiến chú cừu tinh quái Shaun nảy ra ý định đào tẩu để có được ngày
nghỉ như mong đợi.
Nhưng các sự kiện nối tiếp nhau diễn ra quá nhanh, vượt ngoài tầm kiểm soát và
trò đùa tai quái của Shaun đã vô tình đưa ông chủ ra khỏi trang trại. Với sự
giúp đỡ của bầy cừu, lần đầu tiên Shaun rời khỏi trang trại, đi tới thành phố
lớn để giải cứu ông chủ. Tuy nhiên, hành trình trở về của họ không hề đơn giản
trước sự ngăn cản của tên chuyên săn thú hoang.
'Cừu quê ra phố' có thể nói là một chuỗi những tình huống hài thông minh được các nhà làm phim đưa lên màn ảnh một cách nhẹ nhàng và đầy lôi cuốn. Ở đó lũ cừu làm trò chạy vòng quanh để khiến ông chủ buồn ngủ hay cùng tạo nên một dàn hợp xướng với đủ cả acapella, beatbox, đàn hát để ru bé cừu ngủ. Ông chủ thì nhờ kỹ năng cạo lông cừu mà trở thành một thợ cắt tóc nổi tiếng có thể tạo nên cả một xu hướng thời trang mới.
Tuy nhiên, ấn tượng hơn hết chính là việc tạo dựng những bối cảnh như thật với trang trại vùng nông thôn hay những con đường nhộn nhịp xe qua trên thành phố của nước Anh. Chuyển động của các nhân vật trong phim cũng được làm vô cùng mượt mà dù 'Cừu quê ra phố' hoàn toàn được làm theo phong cách stop-motion.
20 nghệ sĩ đã phải làm việc liên tục trong 10 tháng để có được 85 phút của 'Cừu quê ra phố'. Mỗi tuần họ thực hiện chừng 40-50 cảnh quay chỉ để tạo ra chừng 2 phút rưỡi xuất hiện trên phim. Và mỗi nghệ sĩ đều cố gắng làm được chừng 3 giây ghi hình mỗi ngày. Càng nhiều nhân vật, nhiều chuyển động xuất hiện trong 1 cảnh quay thì công việc càng phức tạp và nặng nề. Nói vậy để thấy công sức tạo nên một bộ phim hoạt hình theo phong cách stop-motion nhiều đến mức nào.
Có thể hình dung về khối lượng công việc và độ phức tạp của 'Cừu quê ra phố' qua các con số. Những con rối bé xíu chỉ cao chừng 16cm được đặt vào từng bối cảnh, làm từng chuyển động tỉ mỉ đến mức một chuyên gia hoạt hình phải mất đến cả ngày chỉ để có được 2 hay 3 giây ghi hình. Mỗi con rối cần tới 16 tuần để thực hiện từ lúc phác thảo đến khi hoàn thành. Có tới 354 con rối (trong đó 116 là cừu) được sử dụng trong toàn bộ quá trình quay phim. 122.375 khung hình được thực hiện hoàn toàn bằng tay.
Và công sức của các nhà làm phim đã được đền đáp xứng đáng khi họ đã cho ra một bộ phim làm hài lòng mọi đối tượng khán giả, dù là người lớn hay trẻ con, thích hay không thích phim hoạt hình. 'Cừu quê ra phố' nhận được hầu hết lời khen từ giới phê bình với 100% giới phê bình trên Rotten Tomatoes cho 'Cừu quê ra phố' nhận xét tích cực. Trang IMDB chấm 8.1/10 điểm. Đây có thể nói là bộ phim hoạt hình xuất sắc mở màn 2015.
Không phải là phim hoạt hình bom
tấn của Hollywood với những bối cảnh hoành tráng, kỹ xảo hoa mắt hay kinh phí 'khủng'
nhưng 'Cừu quê ra phố' dù chỉ có chi phí 8 triệu USD lại thu hút người xem bởi
những khung hình bình dị, những tình huống chân thực và thông điệp sống rõ
ràng. Rằng chỉ khi đánh mất những giây phút yên bình và hạnh phúc bên nhau thì người
ta mới hiểu được giá trị của chúng. Hơn hết là bài học về sự đoàn kết, hy sinh, tinh thần tập thể và cả lòng trung thành.
Hoàng Vy