Sự cạnh tranh trong giới tranh chép đã cho ra Hoa diên vĩ của Van Gogh, Những cô nàng Avignon của Picasso, Em Thúy của Trần Văn Cẩn... với giá rẻ như bèo và chất lượng cũng... tương tự.
Họa sĩ thua… làng nghề
Những năm gần đây nhu cầu dùng tranh để trang trí nhà cửa, văn phòng, khách sạn… của bộ phận người dân tăng đột biến nên chỉ trong một thời gian ngắn các gallery kinh doanh tranh chép liên tục mọc lên. Dạo quanh một vòng qua các gallerry Apricot, Green Palm, Hanoi Studio, Thanh Bình… khách hàng không khó khi tìm cho mình những bức tranh “nhái” của các họa sĩ nổi tiếng: Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Thành Chương, Đào Hải Phong…
Bức "Em Thúy" nổi tiếng của danh họa Trần Văn Cẩn
Không như những người người có gu thẩm mỹ và sành chơi tranh, khách hàng tìm đến tranh chép thường có mục đích rõ ràng: làm quà tặng, trang trí nhà cửa, quán xá…nên họ chỉ để ý đến giá thành chứ ít quan tâm đến chất lượng sản phẩm cũng như họa sĩ gốc và người chép.
Trong hành trình của bức tranh chép khi đến tay người mua cũng lắm gian nan bởi sự cạnh tranh giữa các gallery với nhau. Anh Chung – chủ một gallery trên đường Nguyễn Thái Học không giấu nổi sự bức xúc: “Một số gallery tự động hạ giá vô tội vạ để thu lợi nhuận, chấp nhận lấy số lượng để bù lỗ khiến thị trường tranh chép trở nên bát nháo”.
Tuy nhiên sự cạnh tranh giữa các gallery với nhau chưa thấm vào đâu so với giá thành hấp dẫn của các làng chuyên sống bằng nghề chép tranh. Làng Phú Xuyên (Hà Nội) nổi tiếng với một đội ngũ thợ đông đảo sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người mua giá chỉ bằng 1/2 so với gallery thậm chí chỉ bằng 1/3 khi khách mua với số lượng lớn. Với mức giá trung bình trên dưới 1 triệu/bức, thậm chí giá đội lên tận trời nếu gặp khách hàng ít kinh nghiệm ở các gallery, không ít người cất công tìm đến tận các làng chuyên chép tranh để đặt hàng. "Đi xa một chút nhưng giá rẻ hơn, phục vụ chu đáo nhiệt tình hơn”, chị Nhung (Bà Triệu, Hà Nội) cầm bức tranh chép Em Thúy với giá chưa đến 1 triệu đồng trên tay cười mãn nguyện.
Vậy nên các họa sĩ chuyên chép tranh ở Hà Nội chỉ được giả với mức lương rất thấp, 2.5 triệu – 3.5 triệu/ tháng. Lâm, họa sĩ chép tranh cho gallery TB (Hàng Gai, Hà Nội) chia sẻ: “Với mức lương như vậy thì bao nhiêu nhiệt huyết nghệ thuật cũng… bị cuốn theo mây gió hết. Với những tác phẩm chỉ là sự dập khuôn, sao chép, họa sĩ khi đã quen tay một ngày có thể chép tới 3, 4 bức. Tuy nhiên cảm xúc khi cầm cọ cũng chai dần đi vì thế sức sáng tạo cũng dần bị bào mòn. Đó là một thực tế đáng buồn của người họa sĩ”.
Mua giá Việt, bán giá đô
Trước thực trạng họa sĩ đông như quân nguyên, thị trường tranh thật giả lẫn lộn, tranh nguyên tác khó lòng cạnh tranh bởi giá thành thường “chát” hơn tranh giả nên đôi khi những sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc của không ít họa sĩ bị các chủ đầu nậu “đổ đống” rồi phát giá. Có khi giá mua đứt chỉ từ 2 triệu – 5 triệu/bức tùy kích cỡ nhưng lại được các chủ gallery treo với giá 1.000USD – 2.000USD… thậm chí cao hơn nữa khi bán lại cho khách. Việc “mua giá tiền Việt, bán giá tiền đô” của các chủ gallery khiến không ít họa sĩ ngậm ngùi.
Ngọc Trung, một họa sĩ chuyên ký gửi tranh ở, cho biết: “Sự đầu tư vào họa phẩm thực sự khá tốn kém, màu vẽ loại trung bình có xuất xứ từ Trung Quốc liên doanh có giá 100 nghìn/ tuýp. Thường là với 12 đến 18 màu cơ bản hoặc tối thiểu cũng phải 7- 8 màu. Đối với loại sơn Đức có giá cao hơn, khoảng 200 nghìn/tuýp. Toan vẽ hàng đài Loan có giá khoảng 80 nghìn/mét… Với chi phí đầu tư như thế, chưa kể đến công sức, sự sáng tạo nghệ thuật… Vậy mà sau khi bán được tranh cho khách, trừ chi phí nguyên vật liệu cũng như phần trăm để lại cho các gallery số tiền mình nhận được chả đáng bao nhiêu”.
Các họa sĩ chép tranh chỉ được trả công bèo bọt
Vừa nhanh tay ký họa chân dung cho khách ở một góc chợ đêm Hồng Minh vừa trải lòng: “Khách đi chơi chợ không phải ai cũng như ai. Có khi gặp khách khó tính nhận bức chân dung từ tay người họa sĩ lại tỏ thái độ chưa vừa ý. Với những nguời như thế thường mình biếu luôn khỏi lấy tiền công hoặc có những khách hàng coi họa sĩ chả khác nào kẻ hát rong trả tiền công theo kiểu bố thí khiến không ít người cảm thấy bị xúc phạm”.
Trước thực tế những sáng tạo nghệ thuật chân chính không cất nổi cánh bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền cũng như vấp phải thái độ đón nhận dửng dưng của công chúng khiến không ít họa sĩ hoang mang. Hiện thị trường tranh Việt rất cần những những người thẩm định tìm kiếm, phát hiện tài năng cũng như mạnh thường quân đồng ý tài trợ cho họa sĩ sáng tác bởi không ít họa sĩ “hụt hơi” giữa biển ý tưởng sáng tạo mà không đủ tiềm lực để thực hiện.
Theo Linh Nhi (Đất Việt)