Vùng làng được nhiều người biết đến qua những nhà thơ nổi tiếng và người yêu văn chương đều là anh em trong dòng họ Vương. Đó là làng Đông Bích, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An).
Văn điếu và thư viết bằng thơ
Trong miếu nhỏ trước nhà thờ họ Vương ở làng Đông Bích có tấm bia khắc bài văn điếu viếng cụ Vương Viết Dự (mất 1911). Bài văn điếu do Hội văn làng Đông Bích viết bằng chữ Hán hồi đó, nay nhà thơ Vương Trọng (gọi cụ Dự bằng cố) dịch theo thể lục bát. Đương thời, cụ Dự được làng xem là "kỹ sư thiết kế và thi công" đường, đền và cầu không chỉ ở xã Trung Sơn mà còn cả tổng Thuần Trung (gồm bảy xã Đà Sơn, Trung, Thuận, Lạc, Xuân, Minh và Tân Sơn) trong đó có ngôi đền Khai Long đẹp nổi tiếng. Cụ đỗ ba khoa tú tài lại có công với dân nên khi mất được Hội văn của làng gửi lòng thương tiếc trong văn điếu. Bản dịch bài văn điếu gồm 50 câu khắc gọn ghẽ, trong đó có câu: Việc ông còn để cho đời/ai người chủ tế, ai nơi khoa trường/ Ngôi sao Đông Bích phát quang/hội văn ai sẽ lo toan bây giờ...
Ông Vương Đình Trâm đọc điếu văn trước nhà thờ họ Vương. |
Ông Vương Đình Trâm cho hay đến nay họ Vương ở làng Đông Bích có 105 thanh niên đi bộ đội (22 sĩ quan cấp tá, 8 liệt sĩ), 94 giáo viên dạy văn các cấp, 100% con em học THPT, 70% trong số này đỗ đại học (từ năm 1960 đến nay có 274 sinh viên). Nhưng đặc biệt nhất là những người đi xa thường xuyên gửi thư về cho gia đình nhưng lá thư nào cũng viết bằng thơ. Ông đọc bức thư-thơ của ông Vương Đình Nam (mất cách đây 32 năm) viết cuối năm 1957 khi đang tại ngũ gửi về cho bác ruột dịp đón xuân Mậu Tuất (1958): Xuân bước tới trăm hoa đua nở/chiến trường xa cháu nhớ gia đình/câu thơ nét chữ tâm tình/gửi về chúc bác yên lành bác ơi/các anh cố theo đòi học tập/tiến bộ nhanh cho kịp bằng người/ruộng đồng khoai lúa tốt tươi/đón xuân Mậu Tuất, đón trời xuân sang.
Trong nghĩa trang của làng ở trên núi Cuồi có bài thơ "Khóc giữa chiêm bao" của nhà thơ Vương Trọng khắc lên tấm bia gắn trước mộ để viếng mẹ mình. Hẳn vong linh người mẹ thanh bần sẽ thanh thản bởi công lao sinh thành, nuôi dưỡng những học trò nghèo như anh trở thành sinh viên rồi giáo viên dạy toán trong quân đội trước khi trở thành nhà thơ mặc áo lính. Ông Trâm trầm ngâm: "Mẹ mình rất lạ, quanh năm làm nông mà thuộc hàng trăm câu hát dặm và tục ngữ. Thời ấy, nếu bọn mình ngủ trưa bà không quát nạt đâu mà chỉ thức con dậy bằng cách đến bên giường đứng đọc câu ca: "Con ăn, con ngủ đã vừa/mặt trời bảy tượng trời trưa mất rồi". Nếu mẹ không bằng lòng với con thì dạy bằng cách đọc câu tục ngữ: "Cá không ưa muối cá ươn/con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư". Dạy con kiểu đó của mẹ khiến chúng tôi còn thấm thía đến bây giờ".
Chuyện những anh em nhà thơ
Bà con làng Đông Bích trong đêm "sinh hoạt văn học". |
Ông Vương Đình Trâm (anh ruột nhà thơ Vương Trọng) học xong lớp 7 phải nghỉ để làm ruộng nuôi em. Lớn lên cuộc đời ông gắn bó Lâm trường Con Cuông nhưng khi về hưu vẫn “giữ nguyên chức phó nhân viên”. Ông vừa tổ chức lễ mừng thọ 80 tuổi. Trước hôm mừng thọ một ngày, anh em làng Đông Bích và con cháu đi làm “kinh tết mới” ở Bà Rịa-Vũng Tàu về tổ chức một đêm "khai lễ" gọi là "đêm sinh hoạt văn học". Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, một số giáo viên dạy văn, cựu chiến binh và nhà thơ đương đại trong họ Vương từ TP.Vinh, Hà Nội cùng bạn bè văn chương về dự. Đó là một đêm các nhà thơ tâm sự về kỉ niệm gắn bó với cánh đồng Côi, bàu Bưởi, đồng Nê (đồng bùn) nơi trước và sau cuộc đời lâm nghiệp ông Trâm cày bừa, gặt hái mưu sinh. Đêm về khuya, ông Trâm là người đọc thơ sau cùng với bốn bài thơ gan ruột rút trong bốn tập thơ đã in. Nghe ông đọc, bà con ngồi chật khoảng sân trước ngôi nhà cấp bốn lặng phắc vì không ngờ “cảnh cày bừa kiếm hạt lúa nhọc nhằn trên đồng Côi, Bàu Bưởi vô thơ hay như rứa”. Cảm động nhất là bà cụ Trần Thị Ngụ, 82 tuổi, con dâu họ Vương (o ruột của nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim) ngồi lắng nghe từ đầu đến đêm khuya.
Sau đêm ấy tôi quay lại làng Đông Bích ngồi nghe ông đọc trầm Chinh Phụ Ngâm bằng nguyên tác chữ Hán rồi dịch nghĩa những câu ông thích. Sau "bộ nhớ" này ông khiến tôi ngạc nhiên khi đọc thơ Đường cũng bằng chữ Hán. Vui chuyện, ông kể: “Năm 1991 chú Trọng (Vương Trọng, 25 tác phẩm, trong đó 16 tập thơ, bút kí, truyện ngắn và truyện dịch, giải thưởng Nhà nước năm 2007) về quê, mình lấy xe đạp chở lên thị trấn chơi. Vừa đạp xe, mình nghoảnh lại nói-“phần nguyên tác của Chinh Phụ Ngâm hay lắm" rồi mình đọc một đoạn. Mình vừa dứt lời thì Vương Trọng đọc luôn những câu tiếp theo. Mình hỏi: "Ngoài nớ (ngoài kia) chú cũng có bản nguyên tác à". Vương Trọng đáp: "Cái ni em nhớ hồi đang ở nhà nghe anh đọc. Lạ thế”.
Năm 17 tuổi, ông Trâm đang trục lúa trước sân thấy chú ruột sang chơi mang theo cuốn Truyện Kiều nhưng mất mấy trang đầu. Ông cầm cuốn Truyện Kiều đọc được vài trang rồi lại ra sân trục lúa. Từ sáng đến chiều những lần nghỉ giải lao ông lại vào tranh thủ đọc vài trang như thế. Ba năm sau ông tìm được phần đầu đọc tiếp. Đến nay ông vẫn còn thuộc Truyện Kiều đến mức nếu hỏi câu nào thì ông đọc câu tiếp theo ngay và giải nghĩa điển tích không chê vào đâu được.
Ông Vương Đình Trâm và tuyển thơ họ Vương |
Có một người họ Vương đã quá cố cũng khá đặc biệt. Đó là ông Vương Đình Hiếu, nguyên cán bộ huyện ủy Tân Kỳ. Năm 60 tuổi, về hưu rồi ông Hiếu mới bắt đầu tự học chữ Hán vì "thích và để cho biết". Học đến mức đọc thông, viết đẹp thì ông bắt đầu dịch nhiều cuốn gia phả bằng chữ Hán của họ Vương để soạn thành cuốn gia phả bằng chữ quốc ngữ để cho nhiều người trong họ cùng đọc. Người đầu tiên viết gia phả họ Vương bằng chữ Hán là cụ Vương Đình Phát (thân sinh ông Trâm). Cụ Phát là một ông đồ nho có năng khiếu làm thơ rất nhanh và sắc sảo nhưng suốt cuộc đời chỉ theo nghề dạy chữ Hán và làm thuốc cứu dân. Hồi ông mất, nhà nghèo khó đến mức khi sắp hấp hối cụ gọi ông Trâm (là con trai đầu, lúc đó 12 tuổi) lại đọc hai câu thơ bằng chữ Hán: "Từ trần biệt đáo nhất thân vinh" (nghĩa là mình chết đi chỉ một mình sướng, còn con cháu đang chịu khổ). Chết mà xem là sướng đủ biết hồi đó gia đình ông nghèo khó đến mức nào. Ông Trâm kể cụ Phát còn có câu thơ để đời đến nay vẫn nghe vẫn còn thời sự, nhất là cho những ai yêu cái sự làm thơ. Đó là: "Bần như vận hạn tác văn chương" (nghĩa là cái nghèo đói bó buộc người ta như bài thơ được ra đề trước bắt phải làm).
Người gọi ông Trâm bằng chú là nhà thơ Thạch Quỳ (Vương Đình Huấn, 7 tập thơ, 1 tập thơ thiếu nhi, 1 cuốn văn chương đàm thoại). Cũng giống như Vương Trọng, Thạch Quỳ vốn là giáo viên dạy toán nhưng trở thành nhà thơ nổi tiếng thời chống Mỹ cùng thời với Vũ Quần Phương, Xuân Quỳnh, Bằng Việt...Ông Trâm kể, năm 1954, Thạch Quỳ mới 13 tuổi, hôm vào nhà mình chơi, Thạch Quỳ nhặt cục than nơi bục cửa viết lên tấm cửa bếp bằng ván bốn câu thơ-"Xuân đến hoa đào nở trong mưa/thoi oanh giục giã ý như chờ/hè say gốc cũ còn xanh lá/nghe thoảng hương đời một giấc mơ". Hôm tôi nhắc lại bốn câu thơ này, Thạch Quỳ xoa xoa hai bàn tay gầy guộc, cười: "Thấy chú Trâm hay thơ nên mình viết cho vui". Nói đến đó thần sắc trên khuôn mặt gầy gò, đăm chiêu của Thạch Quỳ như nhập vào nàng thơ. "Kể ra mấy câu thơ viết năm 13 tuổi, cách đây 61 năm rồi giờ nghe vẫn có lí hầy", Thạch Quỳ tự tại.
Ngoài thầy giáo làm thơ Vương Duyệt (giáo viên dạy toán cấp ba chưa kịp vào Hội nhà văn VN thì bị mất sớm vì bệnh hiểm nghèo), họ Vương còn có hai anh em thi sĩ là Vương Long (nguyên trưởng phòng GD&ĐT huyện Đô Lương) có thơ in năm 1972 trên báo Văn nghệ. Anh ruột của anh là liệt sĩ Vương Lân (hi sinh ở chiến trường Quảng Trị) có thơ in trên báo Chiến Thắng (một tờ báo Văn nghệ của Nghệ An) năm học lớp 9 và báo Quân đội nhân dân năm 1972.
Nét đẹp từ gốc rễ “Mỗi khi các nhà thơ họ Vương về huyện công tác chúng tôi thấy tự hào. Bởi từ một vùng làng nghèo khó của một xã thuần nông đã xuất hiện các nhà thơ đương đại mà tác phẩm của họ được đông đảo công chúng biết đến. Phải có gốc rễ yêu văn chương thì người họ Vương mới nổi tiếng như vậy”. Nguyễn Minh Hạnh (Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương) |
Mặc Nhiên