- Phú Thọ sẽ có biện pháp đề phòng tình trạng các khu du lịch, cá nhân lợi dụng để tăng giá dịch vụ khách sạn, nhà hàng, “chặt chém” khách du lịch.

Đó là khẳng định của ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ trong cuộc họp báo ngày 16/4 về công tác tổ chức Lễ hội Đền Hùng 2015.

Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ khẳng định, tại Đền Hùng sẽ không có tình trạng ăn xin, ăn mày. Những trường hợp ăn xin, ăn mày xuất hiện sẽ được đưa về trung tâm nuôi dưỡng đến khi hết sự kiện.

{keywords}
(Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, sẽ không để ùn tắc giao thông, hạn chế tối đa các vụ va chạm có thể xảy ra. Tỉnh Phú Thọ đã giao Sở Giao thông vận tải hợp tác với cơ quan báo chí để thông báo phân luồng giao thông từ ngày 5/3. Các phương tiện qua Phú Thọ nhưng không vào Đền Hùng sẽ được hướng dẫn đi đường tránh. Với các phương tiện về Phú Thọ, đặc biệt là Đền Hùng thì tại các điểm giáp ranh đều có hướng dẫn.

Đặc biệt, về quản lý giá cả dịch vụ sẽ có biện pháp đề phòng tình trạng các khu du lịch, cá nhân lợi dụng để tăng giá dịch vụ khách sạn, nhà hàng, “chặt chém” khách du lịch. Tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ taxi, xe buýt, ăn uống, nhà hàng phải ký cam kết không nâng giá. Riêng về dịch vụ khách sạn, khuyến khích không tăng giá, trừ trường hợp đặc biệt thì không tăng giá quá 3%.

Ngoài ra, tại Đền Hùng sẽ không có chuyện treo sản phẩm các động vật mổ thịt phản cảm. Dịch vụ đổi tiền lẻ, chèo kéo du khách cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh. Hệ thống tăng âm loa đài sẽ được kiểm soát âm lượng.

Các hoạt động sẽ được tổ chức tập trung tại khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì và các di tích thờ Hùng Vương, danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn toàn tỉnh Phú Thọ.

Trong Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương sẽ có các nghi lễ như: Dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân; Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; Rước kiệu về Đền Hùng… Một điểm mới so với năm trước là hoạt động tổ chức rước kiệu sẽ được thực hiện trên tinh thần cộng đồng tự nguyện (chứ không quy định chọn làng rước kiệu về Đền Hùng như các năm trước) trong hai ngày mồng 7 và mồng 8 tháng 3 Âm lịch.

Bên cạnh đó, phần hội sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức như: Triển lãm ảnh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – hành trình trở thành Di sản thế giới”; triển lãm sách, báo; Hội thi bơi chải; Hội thi nấu gói bánh chưng, giã bánh giày… Đặc biệt, đêm Nghệ thuật chào mừng Lễ hội Đền Hùng với chủ đề “Âm vang nguồn cội đất Tổ Hùng Vương” sẽ được tổ chức vào tối 25-4 (tức mồng 7 tháng 3) tại quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì.

Theo ông Hà Kế San, năm nay lễ hội đẩy mạnh các hoạt động, việc làm cụ thể nhằm tiến tới đề nghị UNESCO đưa hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại như: trình diễn hát Xoan của nghệ nhân kế cận (sau 2 năm đào tạo) tại Miếu Lãi Lèn; Liên hoan hát Xoan cho các đối tượng thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh; Trình diễn hát Xoan cộng đồng và hát Xoan của các nghệ nhân kế cận thuộc các làng Xoan gốc; Chương trình Hát Xoan cổ…

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền cần nhấn mạnh rằng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là lễ hội lớn mang tầm vóc quốc gia nhằm bày tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng. Việc tuyên truyền sự kiện cần gắn với hoạt động tuyên truyền về bảo vệ Tổ quốc, chủ quyền biển đảo; tôn vinh niềm tự hào về các giá trị truyền thống tốt đẹp như tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ người có công với đất nước; cổ vũ người dân Việt Nam trong và ngoài nước hướng về dân tộc...

Chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2015 sẽ chính thức diễn ra trong 6 ngày, từ 23 – 28/4/2015 (từ ngày 5 – 10/3 âm lịch). Sự kiện do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia của 5 địa phương khác gồm: Sơn La, Phú Yên, Đăk Nông, Tiền Giang, Bạc Liêu.

Theo BTC, dự kiến mùa lễ hội năm nay sẽ đón 6-7 triệu du khách. Tỉnh Phú Thọ sẽ thành lập trung tâm báo chí có hỗ trợ wifi ở gần đền Hùng để phóng viên báo chí tác nghiệp tốt.

Tình Lê