Nhà thơ Anh Ngọc: Văn học Xô Viết đã góp phần hình thành lý tưởng sống cho thanh niên nhiều thế hệ khoác ba lô lên đường ra trận.

- Được biết, ông nhập ngũ năm 1971, nhưng từ năm 1967, ông đã xin đi thực tế ở một trong những nơi chiến tranh diễn ra ác liệt nhất, là cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), có phải từ thực tế đó đã hình thành nên một nhà thơ khoác áo lính sau này?

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, dù người đã ra trận hay chưa, đều sống cuộc sống của chiến tranh, ranh giới giữa tiến tuyến và hậu phương rất khó phân định, cả nước là một chiến trường.

Năm 1965, Mỹ bắt đầu đánh phá ác liệt Hàm Rồng, thì tôi đã sống ở Thanh Hóa một thời gian rồi, làm giáo viên ở một trường trung cấp và cùng nhà trường phải sơ tán xa thị xã, nhưng giữa năm 1967, khi chiến sự đang ác liệt, nhân đi dự trại sáng tác văn học của tỉnh, tôi đã xin lên thực tế ở C4, đóng trên cao điểm 54, mỏm đồi ba cây thông, sát bờ nam Hàm Rồng, mảnh đất đầu sóng ngọn gió nhất Hàm Rồng.

Dù chỉ ở với anh em bộ đội vài ba tuần, nhưng đó là một nơi mà nhà thơ Trinh Đường đã viết trong trường ca là “người đi qua rơi bút bỏ đi luôn”, cái bút ngày ấy quý như vàng, mà rơi ở Hàm Rồng có tiếc mấy cũng không dám quay lại nhặt. Vì vậy cuộc sống ở đây luôn căng như dây đàn, một ngày đúng là bằng ba thu.

Tôi đã viết ngay tại đây bài thơ “Cao điểm” và có thể nó cũng mang khá đậm chất Hàm Rồng… . Kể chuyện trên để nói rằng ngày ấy những ai mê sáng tác văn học, làm thơ phú… đều muốn có mặt ở những điểm nóng.

Còn nhớ, ngay từ bài thơ đầu tiên tôi in báo, đầu năm 1965, đã là thơ về chiến tranh, với cái đầu đề “Hai anh em pháo thủ”, đăng trên báo Cứu quốc.

- Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt đó, đã có rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật Xô Viết nói chung, văn học nghệ thuật thời kỳ chiến tranh Vệ quốc nói riêng được dịch sang tiếng Việt, trở thành động lực thôi thúc người chiến sĩ lên đường ra trận... Những tác phẩm nào để lại ấn tượng trong ông, góp phần giúp ông trở thành nhà thơ mặc áo lính trên tuyến đầu?

{keywords}

Nhà thơ Anh Ngọc

Thời của tôi, những tác phẩm văn học, âm nhạc và những bộ phim hay của Liên Xô nhiều lắm. Thế hệ tôi đã truyền tay nhau và ngấu nghiến những “Thép đã tôi thế đấy”, “Đội thanh niên cận vệ”, “Một con người chân chính”, văn của Ilya Erenbua, thơ của Ximônôp…

Và những tác phẩm ấy đã góp phần hình thành lý tưởng sống cho thanh niên nhiều thế hệ khoác ba lô lên đường ra trận.

Bác sĩ Đặng Thùy Trâm là một ví dụ. Ở một chiến trường ác liệt như Đức Phổ, Quảng Ngãi, mà sau những giờ làm việc trong bom đạn, đêm đêm chị vẫn thả hồn vào những ca khúc Nga mà suốt một thời đi học chị đã hát... Và đó cũng chính là những bài mà tôi cũng từng hát…

Tôi còn nhớ, năm 1972, khi còn là anh lính binh nhì ở chiến trường Quảng Trị, giữa gian khổ hiểm nguy, sau một ngày đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu, chiều về lán, tôi lại một mình ra suối, đứng hát những “Chiều Mátxcơva”, “Chiều hải cảng”, “Thời thanh niên sôi nổi”, “Kachiusa”, “Gửi bạn cũ cùng trung đoàn”, “Cây thùy dương”….

- Chưa từng học tập hay sinh sống tại Liên Xô, nhưng ông lại có những tác phẩm dịch rất xuất sắc từ văn học Xô Viết, hẳn rằng văn học nghệ thuật Xô Viết ngày ấy đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong ông?

Tôi là sinh viên khoa văn của Đại học Tổng hợp, và vốn là người rất yêu tiếng Nga và văn học Nga - Xô Viết. Ngay từ năm cuối phổ thông, tôi đã bắt đầu tự học tiếng Nga và chỉ bằng cuốn sách giáo khoa cũ kĩ, không lớp, không thầy…, cứ học cái lối gạo từ vựng trong từ điển…

Khi tôi vào Đại học Tổng hợp văn được vài tháng, thì thày chủ nhiệm khoa thấy tôi khá tiếng Nga, đã tổ chức cho tôi cùng hai người nữa thi tốt nghiệp tiếng Nga sớm, và thế là tôi đỗ và tốt nghiệp môn tiếng Nga của đại học tổng hợp ngay khi mới vào trường.

Và khi tốt nghiệp đại học, tôi làm luận văn với đề tài “Thơ trữ tình của M. Iu Lermôntôp”, dịch mấy chục bài thơ và viết một chuyên luận về thi hào Nga tuyệt vời này.

Trong đời tôi chỉ sang Nga đúng hai tuần, để tham dự “Cuộc gặp gỡ những nhà dịch thuật văn học Nga và Xô Viết toàn thế giới lần thứ 6”, vào năm 1983, cùng hai ông thổ công Nga là Bằng Việt và Phạm Hồng Giang.

Tôi và thế hệ tôi đã yêu mến văn hóa, văn học, đất nước, con người Nga như một lẽ tự nhiên. Và với một người làm nghề như tôi thì việc chọn dịch những tác phẩm văn học Nga và Xô viết là một điều không thể khác.

Năm 1986, nhờ sự thôi thúc của một người bạn, tôi đã liều mạng dịch cuốn tiểu thuyết của Ph. Đốt-xtôi-ép-xki mang tên “Những kẻ tủi nhục”, cuốn sách được in 5 vạn bản và đã hai lần được tái bản. Rồi đến một ít truyện ngắn, và thơ. Trong nhiều năm, bản dịch bài thơ của nhà thơ Nga X. Êxênhin “Thư gửi mẹ” của tôi được sử dụng trong sách giáo khoa.

Nhưng nói về nước Nga, phải nhớ tới “Người Nga có muốn chiến tranh không?” của Yevtushenko, bài thơ mà đến giờ tôi vẫn nhớ như in:

Người Nga có muốn chiến tranh không?

Xin bạn hãy hỏi bầu yên tĩnh

Trên bao la luống cày và những cánh đồng

Những hàng dương liễu với bạch dương

Xin hãy hỏi bao người lính ấy

Đang yên nằm dưới gốc bạch dương

Và hãy nghe cháu con họ nói

Người Nga có muốn chiến tranh không?

Những người lính ngã xuống trong chiến tranh

Đâu chỉ vì riêng Tổ quốc mình

Vì hết thảy mọi người trên trái đất

Được đêm đêm ngon giấc

Trong tiếng xạc xào của lá cây và những tờ áp phích

Những New York, Paris đang yên ả giấc nồng

Xin hãy để những cơn mơ lên tiếng

Người Nga có muốn chiến tranh không?


Vâng, chúng ta biết cách cầm vũ khí

Nhưng chẳng muốn cho bao người chiến sĩ

Lại một lần lao vào chiến chinh

Trên giải đất đai phiền muộn của mình


Xin bạn hãy hỏi bao bà mẹ

Xin bạn hãy hỏi vợ tôi kia

Và khi đó, bạn ơi, phải hiểu

Người Nga có muốn chiến tranh không?

- Và chính dân tộc Nga vĩ đại cũng là nguồn cảm hứng cho sáng tác của ông sau này?

Tôi đã viết về nước Nga trong “Một lần hát ca khúc Nga”, bài thơ ấy đã giúp tôi và những ai đi qua chiến tranh ngày ấy thấy thấm thía nguồn sữa ngọt mà văn học Nga, âm nhạc Nga và văn hóa Nga đã đi vào lòng thế hệ chúng tôi như thế nào:

Vừa mắc xong chiếc võng giữa rừng già

Bên một bờ suối dốc

Sau kẽ lá, trăng thượng tuần mới mọc

Đêm dịu dàng như đêm trong dân ca

Chợt thấy nhớ một tiếng đàn ghi ta đã hát về một bờ sông ẩm ướt

Cô nàng kachiusa đi gánh nước

Chân bước lên từng bậc dốc cao cao

Chúng tôi đã gặp cô ở đâu, trong bài hát Nga đung đưa mái tóc

Bắp chân trần lấm đầy bùn cát đi qua sương sớm những bờ sông

Có phải là cô đấy không

Sông Troóc Quảng bình, sông La Hà Tĩnh

Những dòng sông của trẻ chăn trâu và của lính

Cột đa già có ở mọi quê hương

Không mắc võng trong rừng bạch dương

Những anh lính Nga ngủ không tháo ủng

Như chúng tôi đêm gối đầu báng súng

Giấc mơ nào gặp Kachiusa

Từ Berlin anh trở về nhà

Cô Kachiusa vẫn còn đang gánh nước

Cái mảnh đất có tên là Tổ quốc

Dưới chân cô từng bậc dốc cao cao

Chúng tôi ngồi bên bờ suối ôm nhau

Trường Sơn năm thứ mười lăm đánh giặc

Bao mơ ước nồng nàn trong tiếng hát

Dòng sông âm điệu cứ dâng đầy

Đi qua cuộc chiến tranh này trong tất cả những gì còn lại

Có tiếng hát về một người con gái

Đã một lần theo chúng tôi tới Trường Sơn.

Xin cảm ơn ông!

(Theo VTC News)