Khác các khu đô thị lớn khác như Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Huế, Nha Trang... có những câu lạc bộ tập catwalk nhưng mang tính nghiệp dư, 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng được nhắc đến là nơi có lò luyện chân dài hoạt động sôi động nhất.

Việc luyện chân dài như một thứ nghề kiếm bộn tiền của một số người và những dịch vụ ăn theo. Ở đây, họ không những luyện cho chân dài biết đi, biết trình diễn trên sân khấu mà còn biết nhiều thứ khác như kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, kỹ nghệ đong đưa, kỹ năng làm vợ, làm người tình...

Đổ xô tìm lò luyện hòng đổi đời

Hải Phòng mùa này thỉnh thoảng có những cơn gió mát từ biển tràn vào nhưng mang vị mặn chát. Tuy nhiên, trong những ngày nắng nóng, thiếu nó, người dân đất Cảng mất đi sự đặc trưng vốn có trong tiềm thức của mình.

Theo L. (một nhân vật người Hải Phòng là bạn của Quân được PV nhắc đến từ số báo trước – PV) thì: Thiếu nữ đất Cảng đẹp tự nhiên, ăn mặc rất sexy, gợi cảm. Trông “chân dài” rất rực lửa, mà với đàn ông nước ngoài, đã gợi cảm lại hoang dã nữa là số 1.

{keywords}

Ảnh minh họa.

Thế nên mới có những thời điểm, thiếu nữ đua nhau đi khổ luyện. May mắn thì theo nghề diễn, đi dự thi cuộc thi sắc đẹp, chen chân vào showbiz. Phần nhiều trong số các nàng sau khi thu nạp kỹ năng, chờ thời cơ làm giàu, “đong giai ngoại”, cặp bồ hoặc làm vợ Tây càng tốt.

Theo L., “chân dài” bây giờ thực dụng lắm, nhìn thấy các thế hệ đàn chị đi trước được sung túc mà chẳng cần phải học hành đã khiến họ thèm khát, bỏ mặc tất cả lao vào học kỹ năng sống. Thế nên mới có chuyện, người đẹp đổ xô vào những câu lạc bộ, trung tâm hay dân dã hơn thì gọi là lò luyện.

Người đẹp. L. cao giọng: “Trên thế giới, lò luyện người đẹp thành công, đạt nhiều danh hiệu nhất là Venezuela. Còn tại Việt Nam, thì Hải Phòng là nhất bảng, chưa thành phố nào sánh kịp”. Đã từng xảy ra ở một cuộc thi sắc đẹp, “chân dài” Hải Phòng có đến 8 trên tổng số 13 ở vòng chung kết. Quả là thành tích đáng tự hào.

L. thừa nhận: Bên cạnh những người đẹp, “chân dài” thành danh, không ít nàng vào lò luyện với những mục đích khác nhau. Không phải tất cả đều vào lò luyện sắc đẹp để tham dự các cuộc thi sắc đẹp. Thực tế, có “chân dài” háo hức đi thi, bị rớt từ vòng gửi xe nhưng vẫn ảo tưởng quá lớn về nhan sắc, về sự lộng lẫy, cuốn hút của mình, dẫn đến việc lao vào bóng tối lúc nào không hay.

Một số khác, ngay từ vòng loại khu vực đã bị loại nhưng họ không chấp nhận mình thua cuộc, vẫn tiếp tục phục chờ cơ hội để hy vọng đổi đời từ sắc đẹp với những vòng quay nghiệt ngã.

L. phân trần, không ít “chân dài” đã từng cố gắng khổ luyện mong đạt được danh hiệu nào đó nhưng thất bại mà vẫn quyết không bỏ cuộc. Có “chân dài” cũng đã được đóng một vài vai phụ trong những bộ phim truyền hình dài tập, rồi “tắt ngấm”.

Chờ mãi chẳng thấy có cơ hội, chán chường, họ ra nước ngoài với người thân vài năm và rồi về Việt Nam với mác Việt kiều làm loá mắt nhiều đàn em. Có người nhà để được dài chân bước tiếp ở “bển” như nàng X, Y, Z... chỉ là con số nhỏ, phần lớn sau khi bị “ngã ngựa” hoặc lỡ không tham dự được bất kỳ cuộc thi nào thì cơ hội còn lại cho họ là số 0 và rất dễ rơi vào con đường... “làm gái”.

Số phận nghiệt ngã sau lò luyện

Để minh chứng cho câu chuyện của mình, L. cũng đưa ra luôn ví dụ, H.TH. là gái phố, vóc dáng khá chuẩn nhưng đi đứng, ăn nói chưa... “nuột”. TH. đăng ký vào “lò luyện” sắc đẹp ở cung văn hóa nổi tiếng đất Cảng với tham vọng dự thi cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ. Thế nhưng, người “mát tay” hướng dẫn, dạy các “chân dài” đạt danh hiệu mới gặp cô đã phán ngay: “Đi luyện để duyên dáng hơn, đi tập để người thon gọn hơn... chứ em không có tố chất để đạt danh hiệu người đẹp, hoa khôi, hoa hậu đâu”.

TH. stress mất vài tháng vì nghĩ: “Mình đẹp đấy chứ”. Trong thời gian chán chường, TH. nhận được tư vấn, cứ “khổ luyện” đi, người càng đẹp thì lấy chồng ngoại càng giá trị. Đẹp vừa thì lấy chồng Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc còn đẹp hơn thì lấy chồng châu Âu, Canada, Mỹ... Càng “ngon” thì càng lấy được những người giàu có, là ông chủ chứ không phải xấu xí, ít tiền, ở vùng hẻo lánh.

Nghe đâu sau đó, bùi tai trước một cuộc sống xa hoa, qua môi giới, TH. quyết định lấy một ông chồng người Canada. Nghe bảo, đó là một doanh nhân giàu có, đến Hải Phòng tìm cơ hội đầu tư. Rồi câu chuyện được đồn thổi, lan truyền khắp các sân tập, sàn diễn, làm cho nhiều “chân dài” nuôi hy vọng, vào lò luyện không thành danh thì cũng thành “gia” (đại gia – PV) khi lấy chồng ngoại.

Khác với H.TH., K. Ng. cũng từng tham gia một cuộc thi sắc đẹp, vòng chung kết ngày đó diễn ra ở Hải Phòng. “Nghe đâu đó là cuộc thi sắc đẹp về trang sức thì phải” – L. nói. Vào đến vòng chung kết, có đến 6/11 thí sinh là người đẹp đất Cảng.

Không đạt danh hiệu gì nhưng K.Ng. thấy bình thường, song, cái mà K.Ng. được là có tiếng đã từng dự thi cuộc thi sắc đẹp. Sau đó một thời gian, giới “gay” Hải Phòng truyền miệng rằng: Nó – tức Ng. - đi nhảy ở vũ trường lọt vào mắt xanh một “ông trùm” có “số”. Nàng được ông ta lo cho từ đầu đến chân, đi có xe hơi đưa đón, về nhà có người cung phụng.

Thế rồi, cuộc sống của Ng. bị đảo lộn khi vợ của “ông trùm” biết chuyện với một cuộc đánh ghen ầm ĩ. Không thể để mọi chuyện ì xèo thêm, ông này lẳng lặng đưa Ng. sang Singapore phẫu thuật. Giờ cô ta sống ở TP. Hồ Chí Minh, không dám về Hải Phòng vì sợ mụ “sư tử cái” nổi máu “Hoạn Thư” “tung chưởng” lần thứ hai thì không vẹn thây.

Thấy bảo, khi làm ăn được, “ông trùm” vẫn bay vào, bay ra như con thoi giữa Hải Phòng – TP. Hồ Chí Minh để dĩ hoà vi quý cả 2 vợ.  Với Ng., sau trận bị đánh ghen kinh hoàng ấy, căn nhà nhỏ ở ngoại ô Sài thành là nơi trú thân yên ổn nhất.

Ng. cũng không muốn trả thù người đàn bà đã mang đến vết sẹo cho cuộc đời mình vì “ông trùm” thẳng thắn khuyên: Em bỏ cái thói hơi tý là trình báo cơ quan chức năng đi. Cho bà ấy một đường sống cũng là cho mình một đường sống. “Chân dài” như em, anh thích, kiếm cả đống. Nghe đến đó, Ng. nổi da gà và biết mình phải “trật tự” thì mới sống được.

Hết thời, “ông trùm” đã bỏ mặc Ng. bơ vơ nơi đất khách. Có chuyện còn kinh khủng hơn được đồn đoán, trước khi chia tay cô vợ hờ,  “ông trùm” này kịp bán Ng. cho một “ông trùm” cũng người Hải Phòng, dạt vào Sài thành trong phong trào “Nam tiến” để lấy “số”, cũng kiếm được một khoản. “Chân dài” Ng. bây giờ như thế nào vẫn là một ẩn số. Chỉ biết rằng, “ông trùm” mới mà Ng. “cặp” cũng đã sa lưới pháp luật vì cho vay nặng lãi, bắt cóc, đòi nợ thuê.                             

Qua tìm hiểu của chúng tôi, những “chân dài’ vào lò luyện sắc đẹp ở các trung tâm chính thống, mục đích ban đầu của họ là làm đẹp và có cơ hội thì dự thi một cuộc thi sắc đẹp nào đó cho có tiếng, dù cuộc thi sắc đẹp đó ít được dư luận xã hội quan tâm.

Nếu không có điều kiện tham gia hoặc không đạt được danh hiệu gì sau các cuộc thi, họ tìm ngã rẽ cho cuộc đời mình. Lấy chồng ngoại, đi làm gái bao, đi theo làm thê thiếp của những “ông trùm” tội phạm... là sự lựa chọn của các “chân dài” ở từng thời điểm khác nhau. Điều đó đã từng xảy ra.

Theo Đời sống & Pháp luật