- Lên sân khấu, xuống trường học, vào tận từng gia đình…là cách mà nghệ sĩ 25 tuổi Trang Trịnh làm lan tỏa tình yêu đối với âm nhạc cổ điển.


Sau hai đêm diễn chủ đề Nhật ký Dương Cầm vừa qua tại Hà Nội và TP.HCM, khán giả bỗng thấy Trang Trịnh…mất hút, chưa kể đây là hai đêm diễn có khoảng thời gian cách xa nhau. Ngạc nhiên hơn khi thấy cô gái trẻ cứ thoắt ẩn thoát hiện giữa hai thành phố lớn. Nếu tình cờ nhận ra và chào hỏi cô trên một con phố ở TP.HCM, hẳn ai cũng sẽ bất ngờ với câu trả lời thường trực: “Tối nay Trang có một buổi trình diễn ở một gia đình”.

Trong một chiều như thế tại café L’Usine trên đường Đồng Khởi, TP.HCM, cô tiết lộ với VietNamNet: “Biểu diễn chỉ là một phần “nổi” của tảng băng, là kết quả của dự án Nhật ký Dương cầm mà tôi đang làm. Phần “chìm” của dự án là rất nhiều buổi gặp gỡ với nhiều người, từ ekip thực hiện chương trình, những người bạn của tôi thưở nhở, và cả những người tôi chưa từng gặp. Hầu hết là những ai ít, thậm chí là chưa bao giờ tiếp xúc với âm nhạc cổ điển. Những buổi gặp đó rất đơn giản, tôi đến nhà họ để đàn cho họ nghe hay dạy đàn cho con họ, và chủ yếu là nói chuyện về âm nhạc”.


Để cả hai say đắm và chân thành

Cô nói: “Đó là cách để tôi hiểu được những thắc mắc, lo ngại cũng như mong muốn của họ về một đêm nhạc cổ điển thực sự gần gũi. Và đó cũng là cách tôi có thể để tình yêu chân thành dành cho âm nhạc cổ điển được lan tỏa một cách tự nhiên không khiên cưỡng. Đêm diễn Nhật Ký Dương Cầm là sự chắt lọc của những cuộc gặp gỡ ấy, gần gũi và rất thật, như tên gọi mộc mạc của nó.

Bằng cách này, tôi hy vọng giảm bớt được khoảng cách giữa người trình diễn và người nghe, giữa nhạc sĩ sáng tác sinh sống từ hàng thế kỷ trước với người đương thời, giữa một tác phẩm kinh điển và cuộc sống thường nhật...Một trong những lý do chính khiến người ta xa cách, không nghe nhạc cổ điển. Tôi thực sự mong đợi vào hiệu ứng lan truyền từ những người tôi đã tiếp xúc. Nếu không, có lẽ sẽ khó có được những buổi biểu diễn say đắm, chân thành từ cả hai phía”.
 
Phóng viên: - Trong những buổi trình diễn cá nhân, khán giả khá thích thú với cách diễn đạt một cách gần gũi, dễ hiểu về âm nhạc cổ điển vốn được xếp vào dạng hàn lâm, bác học. Theo bạn, liệu một người không biết gì về nhạc học có thẩm thấu được nhạc cổ điển?

Trang Trịnh: Câu hỏi làm tôi nghĩ về hai khía cạnh. Lịch sử để lại có thể khiến người ta cho rằng phải có tri thức thì mới cảm nhận được nhạc cổ điển. Nhưng về mặt tự nhiên, khi một đứa bé sinh ra, người mẹ biết đứa bé cần gì qua tiếng khóc. Những âm thanh không ngừng tác động đến chúng ta mỗi ngày. Bạn vào sàn nhảy, sẽ thấy tác động của nhịp vào bạn mạnh đến thế nào. Hay như các bạn trẻ nghe nhạc Hàn Quốc, có thể họ không hiểu ngôn ngữ nhưng vẫn cảm nhận được màu sắc ấm áp và dễ chịu của giọng hát.  Có rất nhiều người nghe, yêu, thậm chí đam mê nhạc cổ điển, mà tôi nghĩ là phần lớn trong số đó đều không biết nhiều về nhạc lý. Âm nhạc là ngôn ngữ của cảm xúc, vì vậy tôi tin rằng tất cả mọi người đều có thể nghe và thẩm thấu được nhạc cổ điển. Dĩ nhiên, mỗi người lại thích một thể loại nhạc khác nhau và sẽ là hoàn toàn sai nếu ép buộc tất cả mọi người phải nghe nhạc cổ điển. Tuy vậy, có những khó khăn để nghe nhạc cổ điển trong môi trường hiện tại, bởi nhịp sống hiện nay cũng có phần quá nhanh để có được giao cảm với nhạc cổ điển.


Vắng trái tim, bản nhạc không còn ý nghĩa


Nhưng nhìn ở khía cạnh thứ hai, đó là anh nói đúng. Để thực sự thưởng thức được âm nhạc cổ điển, cần phải có được những hướng dẫn nhất định. Lối sống thiếu sáng tạo và quá bận bịu đã làm mòn đi khả năng tưởng tượng mạnh mẽ mà ai trong chúng ta cũng có khi còn là trẻ con. Nếu bạn bảo một đứa trẻ vẽ một ngôi nhà, đứa trẻ ấy sẽ vẽ một ngôi nhà Vui, một ngôi nhà To Lớn Nhất Thế Giới - chứ không bao giờ chỉ là một ngôi nhà thiếu cảm xúc. Khi nghe nhạc cổ điển, áp lực về sự “tưởng tượng” do âm nhạc không có lời, dễ khiến người nghe tách cảm xúc ra khỏi sự tưởng tượng một cách “tri thức” của mình. Khi không còn dùng đến trái tim nữa, bản nhạc sẽ không còn ý nghĩa. Trong các buổi trình diễn, tôi dùng những từ khóa để hướng dẫn người nghe. Những từ khóa này bao giờ cũng bao gồm xúc cảm và nội dung, bởi xúc cảm và ý nghĩa nội dung không bao giờ đi riêng.

Rời cái nôi của âm nhạc cổ điển là châu Âu để về lại Việt Nam, bạn có cảm thấy đôi chút khó khăn về cơ sở vật chất của âm nhạc cổ điển trong nước?

Trang Trịnh: Ở châu Âu có nhiều nhà thờ, nhà hát, sân khấu để người ta có thể trình diễn nhạc cổ điển, và cũng có rất nhiều khán giả tới xem các buổi biểu diễn “sống” - live của các nghệ sĩ trẻ. Tại VN, các địa điểm trình diễn giờ đã nhiều hơn ngày xưa như các nhà hát, các trung tâm trao đổi văn hóa.... Nhưng có thực tế đáng buồn là vẫn có quá ít nơi biểu diễn dành cho các sinh viên âm nhạc, ngoài việc biểu diễn trong phòng hòa nhạc tại trường. Tôi mong là các khán giả Việt Nam sẽ ủng hộ những tài năng trẻ và đi xem họ biểu diễn một cách chân thành, cho họ một niềm hy vọng về con đường tương lai đầy khó khăn mà họ đã chọn. Môi trường biểu diễn là điều vô cùng cần thiết cho bất kỳ một nhạc công tương lai nào. Có nhiều người đam mê nhạc cổ điển, nhưng lại chỉ nghe đĩa CD ở dàn xịn nhà mình. Vẫn biết chất lượng của những buổi biểu diễn có thể không so sánh được với các nghệ sĩ vàng cách đây mấy chục năm, nhưng nếu như vậy thì có lẽ các nghệ sĩ trẻ vẫn còn trên ghế nhà trường này sẽ khó có niềm tin để tiếp tục đeo đuổi con đường của họ. “Làm gì có khán giả xem chị ơi...” - câu nói tôi có lẽ sẽ không bao giờ quên được của một sinh viên nhạc viện tại Việt Nam. Thật là trái ngược với những buổi biểu diễn giữa trưa chật kín khán giả của sinh viên tại Châu Âu.


Muốn được chọn đến với mọi người bằng âm nhạc

Bạn còn đang tuổi đôi mươi, bạn nghĩ sao về lựa chọn giữa con đường phát triển sự nghiệp lên đến đỉnh cao về mặt nhạc học và con đường hoạt động đưa âm nhạc cổ điển đến với mọi người?

Trang Trịnh: Đã là Nghệ sĩ thì ai cũng muốn phát triển sự nghiệp của mình cả. Đôi khi tôi cũng nghĩ giá như mình cứ được học nữa học mãi ở châu Âu. Đôi lúc lại ước giá mà được sang châu Âu sớm thì có lẽ tôi đã tiến xa hơn nhiều nữa so với khi 16 tuổi mới có mặt tại đây. Tôi còn nhớ mình đã khóc khi lần đầu xem thấy một dàn nhạc biểu diễn tại Royal Albert Hall như thế nào. Thế nhưng mỗi một người lại có một vị trí riêng mà Đấng Tạo Hóa đã chọn lựa.

Có người nói, tôi yêu khán giả hơn yêu âm nhạc của tôi. Điều này vừa đúng lại vừa không đúng. Tôi muốn được chọn đến với mọi người bằng âm nhạc, cùng mọi người nhìn thấy vẻ đẹp của âm nhạc, thay vì tự thỏa mãn với âm nhạc của mình trong cô đơn. Khi nhận ra ước muốn đó và những tố chất phù hợp của tôi, các giáo sư tại Học Viện đã giúp đỡ tôi rất nhiều để hoàn thiện không những kỹ năng biểu diễn chuyên nghiệp mà còn cả những kỹ năng cần thiết khác để thực hiện việc tôi mong muốn, như là khả năng dàn dựng nội dung (programming), phổ cập âm nhạc cho trẻ nhỏ, người lớn và cả những kiến thức cần thiết về giáo dục, truyền thông và thực hiện dự án với một nhóm hỗ trợ.

Tôi luôn tâm niệm rằng, không bao giờ đem âm nhạc cổ điển có chất lượng chuyên môn thấp đến với khán giả. Đây thực sự là sức ép lớn, nhưng với sự ủng hộ không ngừng của khán giả, tôi sẽ luôn nỗ lực để cho ra đời những sản phẩm âm nhạc tốt hơn nữa. Chính vì thế mà tôi vẫn giữ lịch tập luyện dài hàng ngày, và sắp tới sẽ lưu diễn ở Châu Âu để liên tiếp được cọ xát, học hỏi, và phát triển trong nghệ thuật.

Minh Chánh
Ảnh: Hyunwoo Soh