Du nhập vào Việt Nam, hơn 2.000 năm trước, tư tưởng Đạo Phật được Đức thế tôn khởi nguồn đã hòa nhập và góp phần làm phong phú nền tảng văn hóa dân tộc. Qua các thời đại từ mở nước và dựng nước, đạo Phật luôn hài hòa với các hệ tư tưởng khác, tỏ rõ tinh thần từ bi, cởi mở, trí tuệ.


Lịch sử đã chứng kiến những thiền sư lỗi lạc ở các triều đại khi Tổ quốc cần đã tham gia vào công cuộc dựng nước và giữ nước, khi đất nước yên bình lại lui về trọn thân tu hành đắc đạo.

Còn nhớ, vào cuối thế kỷ thứ X, hai vị thiền sư Pháp Thuận và Khuông Việt với tư cách ngoại giao quan, thay vua Lê Đại Hành đã tiếp sứ giả nhà Tống tại cố đô Hoa Lư (Ninh Binh). Sau khi tham gia vao chiến thắng năm 981, tiêu diệt toàn bộ quân xâm lược Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy, thiền sư Khuông Việt lại tham gia vào mặt trận đấu tranh ngoại giao ngày càng trở nên xung yếu trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.

Lịch sử chứng kiến những vị tu hành trở thành bậc minh quân, dũng tướng; những vị quân vương, hoàng thân quốc thích, vương tôn đại thần, sau khi hoàn thành việc nước lại trở thành những thiền sư ngộ đạo, tiêu dao.

{keywords}
GHPGVN làm lễ cấu siêu cho các anh hung liệt sỹ nhà tù Sơn La

Điển hình cho tinh thần từ bi, bác ái, hòa hợp là vị Vua, phật hoàng Trần Nhân Tông. Trong 14 năm gắn bó với chính sự, vua Trần Nhân Tông đã để lại dấu ấn trong chính sách đối ngoại của nhà Trần thể hiện trên 3 nội dung lớn. Đó là cương quyết tập trung toàn lực đối phó với quân Nguyên Mông ở phía Bắc và phía Đông để bảo vệ đến cùng nền độc lập dân tộc; tăng cường hoạt động ở Ai Lao để ổn định bền vững ranh giới bờ cõi phía Tây; nỗ lực kết giao với Chămpa nhằm giữ gìn lãnh thổ phía Nam. 

Đặc biệt, cuối thế kỷ XIII sau hai lần đại thắng Nguyên Mông, trở thành vị Minh quân - Anh hùng giải phóng dân tộc, ở vào tuổi 35, vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng, lên núi Yên Tử tu Phật, đắc đạo trở thành Phật Hoàng. Phật Hoàng Trần Nhân Tông đi vào Chiêm Thành, đàm phán với vua Chiêm Thành gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm, thống nhất với vua Chiêm cắt 2 châu Ô và châu Lý về cho nước Đại Việt. Thế là, nước ta được mở rộng biên cương tới Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Đến thời đại Hồ Chí Minh lịch sử đã xuất hiện nhiều bậc cao tăng xả thân vì việc nước. Họ đã cùng các cấp chính quyền vận động tăng, ni phật tử.. hiến nhà, hiến đất mở đường cho xe qua. Hàng trăm ngôi chùa trên khắp cả nước trở thành trường học cho các em nhỏ, nơi che chắn cho nhân dân sơ tán, hầm trú ẩn cho bộ đội hành quân… Điển hình, cho tinh thần xả thân vì đạo, vì độc lập dân tộc là Ngài Bồ Tát Thích Quảng Đức. Ngọn lửa thiêng của ngài đã xua tan bóng tối vô minh, lòng hận thù, nhằm đem lại hòa bình, hạnh phúc và lợi ích cho tất cả mọi người.

{keywords}
Hòa thượng Thích Thanh Quyết

Đạo Phật là một tôn giáo hòa bình với chủ trương bất bạo động. Phật giáo chưa bao giờ phát động một cuộc chiến tranh, chưa bao giờ là nguyên nhân của một cuộc chiến tranh, chưa bao giờ cổ súy cho bất kỳ một cuộc chiến tranh nào.

Năm ngoái, trước sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương HD 981 vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam, Đức Pháp chủ GHPGVN đã có thông điệp lên án hành động này. Ngài đã kêu gọi lãnh đạo Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc lên tiếng. T.Ư GHPGVN cũng đã ra thông bạch kêu gọi sự lên tiếng của phật giáo đồ trong nước và nước ngoài lên án những hành động ngang ngược, hung hăng bất chấp lương tri và luật pháp quốc tế, chà đạp lên tình hữu nghị của nhân dân 2 nước.

Và, gần đây Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng tượng đài Thánh Gióng; xây dựng đền, chùa Xã Tắc tại Móng Cái, Quảng Ninh... Đã có 6 vị sư đến Trường Sa để tu niệm, cùng chia sẻ, gánh vác trách nhiệm với các phật tử đang làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước và cầu nguyện cho những người con của dân tộc hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, cầu mưa thuận, gió hòa cho ngư dân. Sắp tới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ xây dựng các ngôi chùa tại huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng)…

Có thể nói, một đất nước có truyền thống ngoan cường và bất khuất, đoàn kết trên dưới một dạ, đúng như lời Trần Hưng Đạo "Vua tôi đồng lòng, cả nước ra sức". Một khi sức mạnh tinh thần chuyển hóa thành sức mạnh vật chất, không phương tiện khoa học kỳ diệu nào có thể cân đong đo đếm và dự báo chính xác được.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Phó Chủ tịch HĐTS TƯ GHPG VN, ĐBQH