- Về nước, GS Trần Văn Khê mới thấy mình có cuộc sống hạnh phúc bởi ông bảo, ông từng ước mơ có ngôi nhà trưng bày các tư liệu nghe nhìn mà ông thích và khu vườn với những cây hoa. Giờ ông có cả.
Sáng sớm nay, 24/6, GS Trần Văn Khê đã qua đời sau gần một tháng chữa trị tại bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TP HCM, hưởng thọ 94 tuổi.
GS Trần Văn Khê, một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc có tiếng, một nhà sư phạm đã từng đi giảng bài, nói chuyện ở hầu khắp các nước ra đi để lại một khoảng trống quá lớn đối với nền âm nhạc dân tộc của Việt Nam.Đến với âm nhạc là 'duyên trời định'
Ảnh: Nguyễn Hoài Trung
GS Trần Văn Khê sinh năm 1921 trong một gia đình có 4 đời là nhạc sĩ. Ông nội là Trần Quang Diệm, tục danh là Ông Năm Diệm, biết đàn kìm, đàn tranh nhưng chuyên đàn tỳ bà. Cha ông là Trần Quang Triều, mà giới tài tử trong Nam thường gọi là Ông Bảy Triều biết đàn nhiều cây, mà đặc biệt nhất là đàn độc huyền (đàn bầu), và đàn kìm (đàn nguyệt).
Sinh ra trong một gia đình truyền thống âm nhạc như vậy nên Trần Văn Khê từ bé đã được 'tắm' trong bầu không khí âm nhạc dân tộc. Nó cứ ngấm dần vào ông từ lúc nào không biết. Tuổi thơ của ông phải sống cảnh côi cút. Ba tuổi, ông ngoại qua đời. Năm tuổi đến phiên ông nội. Mẹ mất năm 9 tuổi và năm sau 10 tuổi cha từ trần.
Năm 1943, ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Sương, người bạn gái học cùng lớp Triết ở trường Pétrus Ký.
Năm 1949, Trần Văn Khê sang Pháp du học. Thời kỳ đầu ông định theo học ngành Y (ngành học học trong nước). Tuy nhiên, do điều kiện không thuận lợi để xin học bổng, ông đăng ký học trường Chính trị Paris và luôn là sinh viên giỏi. Năm 1951, khi Trần Văn Khê nằm trong số 15 sinh viên đậu đầu niên khóa trường Chính trị Pháp và được chọn làm thư ký chuyên Luật Quốc tế.
Từ năm 1963 ông giảng dạy trong Trung Tâm Nghiên cứu nhạc Đông Phương, dưới sự bảo trợ của Viện Nhạc Học Paris môn thực tập đàn tranh và lớp lý thuyết, ngôn ngữ âm nhạc các nước Châu Á đến năm 1980 chỉ lo về hành chính và tổ chức chương trình giảng dạy.
Sinh thời, GS Trần Văn Khê từng chia sẻ, ông gắn bó cả cuộc đời với âm nhạc truyền thống do "duyên trời định": "Tôi đến với nhã nhạc Huế như tôi đã đến với ca trù, chầu văn miền Bắc, hát bội miền Nam, nhạc Phật giáo ba miền - những bộ môn đó gặp khó khăn do những thay đổi về mặt chính trị, kinh tế, xã hội tại VN và có thể bị chìm vào quên lãng.
Khi đã thấy các bộ môn ấy thật sự có những giá trị nghệ thuật nhưng chưa được đông đảo quần chúng và các cơ quan hữu trách nhận thức, tôi đã kiên trì phân tích, đúc kết và nêu ra những ưu điểm của các bộ môn ấy bằng những bài viết và những buổi nói chuyện. Tôi cũng tìm đủ cơ hội để giới thiệu những bộ môn ấy với người nước ngoài bằng đĩa hát, băng từ, băng video để họ có dịp thưởng thức, phê bình, đánh giá. Dần dần những bộ môn ấy đã được hồi sinh", vị GS đáng kính từng chia sẻ.
Về nước mới được hưởng hạnh phúc
Sống xa quê nhà hơn nửa thế kỷ, ông mới về nước hẳn nhưng dường như Việt Nam chưa bao giờ xa lạ với GS Trần Văn Khê. Ông yêu đất nước bằng tình yêu máu mủ, ruột thịt, gắn bó với quê hương từ những món ăn thường ngày tự nấu, đến âm nhạc dân tộc mà ông dành cả đời nghiên cứu, bảo tồn...
Từ ngày về nước, ông tiếp tục đi sâu tìm hiểu, giảng dạy âm nhạc dân tộc Việt Nam trên chính quê hương mình. Ông đặc biệt quan tâm đến giới trẻ, mong muốn đưa âm nhạc dân tộc thu hút được thanh niên, học sinh - sinh viên, từ đó giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Ông cho rằng giữ gìn tiếng hát ru cũng là bước đầu giữ gìn bản sắc dân tộc.
Ông nhận thấy rằng bản sắc dân tộc bị lu mờ, thanh niên thích nghe nhạc nước ngoài hơn nhạc dân tộc là một căn bệnh mãn tính. Muốn trị bệnh ấy phải trị căn chứ không trị chứng.
Và những phương thuốc GS Trần Văn Khê đề nghị là: làm sống lại tiếng hát ru; tập trẻ em hát lại đồng dao hoặc những bài hát sáng tác theo truyền thống dân tộc với nội dung phù hợp với trẻ; khuyến khích nông dân hò trong khi làm việc, hát trong lúc nghỉ ngơi; khuyến khích thanh niên hát những bài loại đối ca nam nữ; tổ chức những liên hoan dân ca cổ nhạc, những cuộc thi nhạc khí và tiếng ca dân tộc; đem âm nhạc vào học đường, từ lớp mẫu giáo, tiểu học lên đến đại học; báo chí và các phương tiện truyền thông nên có nhiều bài viết, nhiều chương trình phát thanh, truyền hình giới thiệu và giảng giải về âm nhạc dân tộc; tôn vinh những nghệ nhân cả đời phụng sự âm nhạc dân tộc.
Giáo sư Trần Văn Khê sinh năm 1921 tại tỉnh Vĩnh Long, là con cả của một gia đình có 4 đời nhạc sĩ. - Năm 1941, thi đậu thủ khoa Tú tài khoa Triết. Sang Pháp năm 1949, học tại trường Đại học Sorbonne ở Paris vào năm 1958. - Năm 1949, học tại Viện Khoa học chính trị Paris. 1951, tốt nghiệp Khoa học chính trị, Khoa giao dịch quốc tế. Từ 1954 đến 1958, học Đại học Văn Khoa Paris, Viện Âm nhạc học. 1958, ông là người Việt đầu tiên đỗ tiến sĩ khoa Âm nhạc học đề tài luận án: “LaMusique vietnamienne traditionnelle” (Âm nhạc truyền thống Việt Nam). Giáo sư Trần Văn Khê từng được Giải thưởng lớn Hàn lâm viện đĩa hát Pháp, Giải thưởng Đại học Pháp, Giải thưởng Dân tộc nhạc học năm 1960 và 1970. - Năm 1975 Tiến sĩ danh dự về Âm nhạc Đại học Ottawa (Canada). - Năm 1981, Giải thưởng Lớn về Âm nhạc UNESCO và Hội đồng Quốc tế âm nhạc. - Năm 1991, Huân chương Nghệ thuật và Văn chương Bộ Văn hóa Chính phủ Pháp tặng. - Năm 1995, Giải thưởng quốc tế về Dân tộc nhạc học KOIZUMI Fumio (Nhật) - Năm 1999, Tiến sĩ danh dự về Dân tộc nhạc học Đại học Moncton (Canada). - Sau hơn 50 năm ở nước ngoài, hiện tại ông về sống tại 32 Huỳnh Đình Hai, TP.HCM nơi này sẽ là bảo tàng lưu giữ sách và các loại nhạc cụ dân tộc của ông. |
T.Lê