- Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vừa qua đời ở tuổi 91 vào lúc 10h15' sáng nay tại Bệnh viện Thống Nhất - TP.HCM vì suy hô hấp do viêm phế quản phổi ở bệnh nhân có bệnh bạch cầu cấp.

MC Quỳnh Hương cho biết, khi biết tình hình sức khỏe của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu không tốt cô cùng các thí sinh và ê kíp thực hiện chương trình Tiếng hát mãi xanh đến nhà thăm ông vào ngày 25/6. Lúc đó, ông vẫn tỉnh táo và còn trò chuyện.

"Nhạc sĩ hóm hỉnh "khoe" ra đôi cánh tay còn điểm vài nốt xuất huyết cùng các vết truyền dịch nói: Thôi cho tôi nghỉ xả hơi một buổi, dưỡng sức để tôi vô đêm chung kết và đêm Gala hai tuần tới cho nó ngon lành cái coi!" - MC Quỳnh Hương cho biết.

Cũng theo MC Quỳnh Hương, sáng 27/6, bác sĩ riêng của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đến nhà truyền dịch thì thông báo với gia đình ông bị thiếu máu trầm trọng, cần chuyển gấp vào bệnh viện Thống Nhất để điều trị. 

Đến sáng hôm nay, ngày 29/6/2015, gia đình thông báo nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu bị hôn mê sâu và chính thức qua đời lúc 10g15' sáng tại Bệnh viện Thống Nhất (Quận Tân Bình, TP.HCM).

{keywords}
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (sinh 1924) tại Đà Nẵng, là người con thứ 11 trong một gia đình cha làm thợ may. Tuy sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, nhưng nguyên quán của ông ở Điện Bàn, Quảng Nam.

Ông bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1940 trong nhóm tân nhạc. Sau ca khúc đầu tay Trầu cau, sáng tác của ông được biết rộng rãi là bài Đoàn giải phóng quân viết cuối 1945. Một nhạc phẩm nổi tiếng khác của ông là Mùa đông binh sĩ được viết khoảng giữa thập niên 1940.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Phan Huỳnh Điểu gia nhập quân đội, công tác ở Liên khu 5. Thời gian này ông viết một số ca khúc như Nhớ ơn Hồ Chủ Tịch, Quê tôi ở miền Nam...

Năm 1955, sau khi tập kết ra Bắc, ông công tác ở Ban Nhạc vũ, Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1957, khi thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông được cử vào Ban chấp hành là Ủy viên Thường vụ và công tác tại Hà Nội. Tháng 12 1964, Phan Huỳnh Điểu vào chiến trường Trung Trung Bộ ở trong Ban văn nghệ Khu. Thời gian đó ông viết bản hành khúc Ra tiền tuyến với bút danh Huy Quang.

{keywords}
Nụ cười hiền hậu của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Sau 1975, Phan Huỳnh Điểu chuyển về Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh và sống ở đó. Ông đã sáng tác và công bố hơn 100 ca khúc, quá nửa trong số đó là các bài hát phổ thơ.

Âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu có giai điệu trau chuốt, trữ tình, ngay cả trong thể loại hành khúc, như Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm. Phan Huỳnh Điểu còn có nhiều ca khúc về đề tài tình yêu thành công như Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơnia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Ở hai đầu nỗi nhớ, Đêm nay anh ở đâu, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu, Người ấy bây giờ đang ở đâu, Tình ca Đămbri, Tia nắng...

Ngoài ra, ông còn sáng tác một số tác phẩm dành cho thiếu nhi, tiêu biểu là: Đội kèn tí hon, Nhớ ơn Bác...

Với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam trong thế kỉ XX, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu từng được mệnh danh là "Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam" và được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vì những đóng góp của mình cho sự nghiệp âm nhạc Việt Nam.  

Sơn Hà