- Thượng tá – NSƯT Trần Tựa – Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội bồi hồi xúc động kể lại những kỷ niệm tình cảm gắn bó, những câu chuyện nghề về người nhạc sỹ tài hoa của Quân đội – Thiếu tướng  nhạc sỹ An Thuyên.

17h15 nhận được thông tin nhạc sỹ An Thuyên đột ngột qua đời. Tôi bàng hoàng ngỡ ngàng "Ôi sao vậy?"

Rồi được rõ nhạc sỹ An Thuyên do bị nhồi máu cơ tim đã ra đi!

Đang đi trên đường tôi liền gọi điện cho ca sỹ Hương Giang người cháu ruột của nhạc sỹ An Thuyên, Hương Giang cũng đang bàng hoàng xúc động chưa định hình rõ tâm thức và cũng đang vội tới viện Quân y 108... Tôi không giám điện cho hai cháu An Hiếu và Bông Mai bởi vì lúc này chắc hai cháu cũng đang cùng tâm trạng ấy. Đi tới đâu gặp ai tôi cũng thông báo tin buồn, bất cứ ai cũng đều ngỡ ngàng.  Không tin đó là sự thật, rồi mọi người hỏi thăm chia sẻ! Trong tôi bao kỷ niệm cùng nhạc sỹ lại ùa về thương nhớ!!! Đầu tháng 5 vừa rồi tôi gọi điện tới ông, trân trọng mời ông giao lưu trong chương trình nghệ thuật "Sáng mãi tên Người Hồ Chí Minh" khán giả muốn được nghe lời ông tâm sự về cảm xúc lúc ông mới hơn 20 tuổi đã viết ca khúc "Đêm đò đưa nhớ Bác", xong vì ông bận về quê hương lo chương trình "Tiếng hát làng Sen" và nhiều công việc khác, ông không thể tham dự được. Chúng tôi còn thăm hỏi nhau về công việc sức khoẻ, ông còn nói vui "Chú nói thay anh về bài hát cũng được!!!". Tôi nói: "Sao vậy được anh, tác phẩm, tác giả nhân chứng sống không thể vậy được đâu anh. Anh xuất hiện trong chương trình có ý nghĩa sâu sắc hơn chứ!" Tiếc quá tôi và khán giả là những cán bộ đảng viên, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội không được gặp nhạc sỹ tài hoa. Chương trình chào mừng ngày sinh nhật Bác và chào mừng đại hội Đảng bộ của trường.

  {keywords}

Ngày 13 tháng 6 năm 2013, Thiếu tướng nhạc sỹ An Thuyên và NSƯT Trần Tựa tại văn phòng của ông

Nhạc sỹ còn hẹn với tôi hôm nào tới thăm văn phòng mới của hội Văn hoá Doanh Nhân nằm trên phố Trích Sài bên cạnh Hồ Tây thơ mộng.

Đó cũng là lần cuối tôi được chuyện trò cùng ông!

Nhớ lại: đầu năm 1990 từ đoàn văn công QK I tôi được chuyển về công tác tại đoàn ca múa quân đội (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) nhạc sỹ ở cùng khu tập thể trong Mai Dịch với tôi, nhạc sỹ đưa cho tôi bài hát "Thơ tình của núi" nét chữ , nốt nhạc khoáng đạt phóng túng bay bổng, khi ấy ông đang công tác tại phòng văn hoá văn nghệ của TCCT - Hai anh em trao đổi về giai điệu, về cảm xúc của tác phẩm rồi trực tiếp ông phối khí, dàn dựng và chỉ huy dàn nhạc Dân tộc lúc đó do nhạc sỹ Chính Nghĩa phụ trách. Mỗi buổi tập là một sự tiến bộ cho tôi, bởi trong ông rất kỹ lưỡng trau chuốt từng nốt nhạc, từng móc đơn, dấu lặng ngắt nghỉ, đảo phách, to nhỏ sắc thái không chỉ những vậy vậy ông còn cẩn thận thu tạm bằng máy cát-set QT hai cửa băng để rồi hai anh em mang về khu nhà tập thể tầng ba nghe lại và rút kinh nghiệm. Nhiều buổi chạy chương trình ông còn mời vợ ông cùng hai con nhỏ đi nghe! Duyên của tác phẩm, sự tận tâm kỹ lưỡng và yêu cầu cao của tác giả, cùng với lòng ham mê học hỏi chắt chiu, cảm xúc của người lính trẻ đang căng đầy cảm xúc của miền biên cương Việt Bắc, Tây Bắc. Sự đồng điều hoà quyện ấy làm cho giai điệu của ca khúc thăng hoa, làm cho trái tim của mỗi người chiến sỹ, của mỗi khán giả trên khắp mọi miền quê hương Tổ Quốc rung động.

Thời gian sau, ông trở về công tác tại trường Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, ông đã cống hiến tận tâm tận lực bằng tài năng trí tuệ mẫn cán cùng tập thể nhà trường vực dậy từ một ngôi trường nhỏ bé ít người biết tới mà nay như sức mạnh vươn vai của Ông Gióng (từ Trung cấp tới CĐ rồi lên bậc ĐH) uy tín, tiếng tăm của trường gắn liền tên tuổi và uy tín của ông - nhạc sỹ thiếu tướng An Thuyên.

Tôi có vinh hạnh được gần ông từ khi tôi còn trẻ, lúc mới bước chân vào nghề nên đã học được ở ông rất nhiều điều tốt đẹp về âm nhạc, về nghề nghiệp và những đức tính tốt trong cuộc sống.

Những năm gần đây khi ông nghỉ công tác quản lý của trường, tôi đã được cùng ông làm giám khảo nhiều hội diễn nghệ thuật quần chúng, ông luôn tạo cơ hội cho tôi được thể hiện khả năng của mình trước công chúng.

Nhớ mãi, không bao giờ quên được ngày ấy khi Cuộc thi Giọng hát Nhạc nhẹ Toàn quốc - do Bộ văn hoá tổ chức, tại Nhà hát lớn, trước đêm Chung kết, dưới ánh trăng mờ ảo tại sân khu tập thể cùng một số anh em văn nghệ sỹ đang nói chuyện về cuộc thi. Bỗng nhiên ông giúi vào tay tôi: "Mai em thi anh cho chú chút tiền để chú bồi dưỡng sức khoẻ". Ôi! Giây phút ấy trong tôi mãi không bao giờ quên được bởi tình cảm mộc mạc chân thành, tình nghĩa anh em, đó chính là động lực cổ vũ cho tôi không chỉ trong cuộc thi ấy mà còn mãi trong sự nghiệp và cuộc đời tôi!

Năm 2013 chương trình VTV giới thiệu Chân dung Nhạc sỹ, tôi được vinh dự phát biểu cảm xúc về tác giả, tác phẩm "Thơ tình của núi" tâm sự, trao đổi thăm hỏi chia sẻ và giãi bày, chụp ảnh kỷ niệm suốt một buổi sáng ngay tại văn phòng của ông! Trước khi về ông cùng với tôi ngồi nghe hết đĩa nhạc mà ông mới viết giành tặng riêng cho thiếu niên nhi đồng được phối khí theo một phong cách mới!

Nhạc sỹ An Thuyên ơi! Thế là anh mãi ra đi!
Về với hoa lá cỏ cây, thiên nhiên cảnh sắc muôn màu!
Nhưng những âm thanh giai điệu, lời ca, nốt nhạc của anh
Em chọn lối này
Đêm đò đưa nhớ Bác
Hành quân lên miền Tây Bắc
Hành khúc người mẹ xa con
Thơ tình của núi
Xe tăng qua miền Quan Họ
Mẹ Việt Nam Anh Hùng

Và nhiều nhiều tác phẩm âm nhạc khác mãi mãi bất tử, mãi mãi hành quân cùng bước chân người lính, mãi mãi vọng vang trong tâm hồn người dân Đất Việt!

Mãi mãi vọng vang! Cùng hồn thiêng sông núi!
“… Một tình yêu người lính, nơi núi rừng mờ xa”

Thượng tá – NSƯT Trần Tựa