"Hiện chỉ có 24/63 nhà xuất bản đủ điều kiện hoạt động theo quy định của luật Xuất bản" ông Chu Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ TT-TT) cho biết.


Ngày 16/7, tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2015 nhằm đánh giá tình hình xuất bản nửa đầu 2015; đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của ngành xuất bản nửa cuối năm 2015.

Trong 6 tháng đầu năm, nhìn chung, nội dung xuất bản phẩm của các NXB đã bám sát nhiệm vụ chính trị, văn hóa, tư tưởng, thể hiện ở việc đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc và phục vụ tốt công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước trên mọi lĩnh vực đời sống.

Các loại sách khác cũng được các NXB chú trọng đầu tư xuất bản phục vụ nhu cầu xã hội, như: sách văn học trong và ngoài nước, trong đó đáng chú ý là sáng tác của các tác giả trẻ có sự tìm tòi, thể nghiệm mới về mặt nội dung và phương thức thể hiện; các loại sách giáo dục, tham khảo phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của nhiều đối tượng độc giả; sách thiếu niên, nhi đồng được đầu tư, cải tiến ngày càng đẹp về hình thức, phong phú về nội dung, đáp ứng được nhu cầu giải trí và có tính giáo dục cao, phù hợp với từng lứa tuổi...

Các NXB đã đăng ký xuất bản 48.035 cuốn sách, nộp lưu chiểu 11.964 cuốn với trên 104 triệu bản in (giảm 7,3% về cuốn và giảm 46,2% về bản in so với cùng kỳ 2014). Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn có những hạn chế mà ngành xuất bản đang gặp phải và cần phải được giải quyết triệt để trong thời gian tới.

{keywords}
Nhiều vấn đề nổi cộm về nội dung xuất bản phẩm được đưa ra trong cuộc họp.

Tên một đằng, nội dung một nẻo

Theo ông Chu Văn Hòa, một số NXB đăng ký đề tài không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản, hoặc đăng ký xuất bản các ấn phẩm không thuộc chức năng xuất bản của nhà xuất bản và Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng không có thẩm quyền cấp xác nhận đăng ký xuất bản, như: tập san, nội san, bản tin...

Ví dụ như NXB Thông tấn, NXB Thanh Hóa, NXB Hải Phòng, NXB Hội nhà văn, NXB Đà Nẵng, NXB Y học, NXB Thế giới, NXB Thanh niên, NXB Phụ nữ, NXB Giao thông vận tải, NXB Nông nghiệp, NXB Bách khoa Hà Nội....  Vẫn còn hiện tượng đăng ký tên sách không phù hợp với tóm tắt nội dung; tóm tắt nội dung sơ sài hoặc trích nguyên tên sách vào phần tóm tắt nội dung; hoặc viết tắt, viết sai chính tả...

Nội dung của các xuất bản phẩm là vấn đề 'nổi cộm' trong thời gian vừa qua. Chẳng hạn nhiều cuốn sách như: Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư, Chuyện nhà một thuở… đã đưa ra những nhận định, đánh giá và xem xét lại cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Các ấn phẩm này cho rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là không đáng có hoặc như cuộc nội chiến “nồi da xáo thịt”. Với quan điểm sai lệch đó, nội dung của một số cuốn sách đã xóa nhòa ranh giới giữa cuộc kháng chiến chính nghĩa với các cuộc chiến tranh phi nghĩa khác, thậm chí coi những con người cách mạng là nguyên nhân bất hạnh của người dân miền Nam trong cuộc kháng chiến này.

Một số cuốn khác lại phản ánh hiện thực xã hội một cách sai lệch, không khách quan, có những nhận định, đánh giá tiêu cực đối với một số vấn đề chính trị xã hội, không phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước (như cải cách ruộng đất, các chính sách xã hội sau năm 1975, chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc…).

"Mặc dù nội dung các cuốn sách trên chưa đến mức phải thu hồi song dễ gây kích động, thù hằn dân tộc hoặc gây tâm lý hoang mang, hoài nghi cho bạn đọc về tính lịch sử, bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa và con đường phát triển của dân tộc. Đây là điều đáng lo ngại trong diễn biến tư tưởng của một bộ phận sáng tác hiện nay, cũng như thể hiện sự thiếu nhạy bén về chính trị, thậm chí đồng quan điểm của một số biên tập viên, lãnh đạo nhà xuất bản trong công tác biên tập, đọc duyệt nội dung", ông Hòa cho biết.

Về dòng sách ngôn tình, đam mỹ, một số nhà xuất bản đã không biên tập, đọc duyệt kỹ lưỡng, nhiều khi lấy từ trên mạng chủ yếu ở diễn đàn đọc - dịch, không phải do các dịch giả chuyên nghiệp, có uy tín thực hiện dẫn đến có những cuốn vi phạm về nội dung, bị cơ quan quản lý xử lý, đình chỉ phát hành.

Năng lực xuất bản còn nhiều hạn chế

Theo ông Chu Văn Hòa, nhìn chung năng lực hoạt động của các nhà xuất bản còn nhiều hạn chế. Trong 63 nhà xuất bản trên toàn quốc chỉ có 24 nhà xuất bản (chiếm 38,1%) đảm bảo đủ điều kiện hoạt động. Song, do thiếu nguồn tài chính, thiếu chức danh lãnh đạo, thiếu biên tập viên, thiếu diện tích trụ sở, chỉ có khoảng 13% nhà xuất bản hoạt động ổn định và phát triển, 11% nhà xuất bản hoạt động thua lỗ, số còn lại hoạt động cầm chừng, thiếu ổn định.

{keywords}
Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục xuất bản cho biết Cục sẽ tiếp tục mạnh tay chấn chỉnh hoạt động xuất bản.

Một số nhà xuất bản có năng lực xuất bản yếu kém, trong 6 tháng đầu năm 2015 chỉ xuất bản được trên dưới 10 đầu sách.

Để hạn chế tình trạng này, Cục đã phối hợp với Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông tổ chức 4 lớp “Bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản, nghiệp vụ biên tập” cho biên tập viên các nhà xuất bản. Bên cạnh đó Cục kiểm tra, xem xét hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề biên tập, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất để phát hiện và xử lý kịp thời, kiên quyết những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất bản.

Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT đề nghị các nhà xuất bản đẩy mạnh xuất bản sách, tài liệu phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước; chú trọng xuất bản các xuất bản phẩm tuyên truyền bảo vệ an ninh, trật tự, chủ quyền quốc gia, chào mừng đại hội đảng các cấp;. Ngoài ra cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của giám đốc, tổng biên tập, biên tập viên các nhà xuất bản trong quản lý chuyên môn, nghiệp vụ.

T.Lê