(VietNamNet) - "Tôi phải hướng đến công chúng chứ. Còn công chúng ngoảnh mặt đi là việc của công chúng" - Nhạc sĩ Ngọc Đại khẳng định.

>> Nhóm Đại-Lâm-Linh ..."phá vỡ rào cản thẩm mỹ"? 

Chương trình biểu diễn của nhạc sỹ Ngọc Đại với tên gọi “Thực nghiệm nhạc hát đương đại Việt Nam - Đan Mạch 2010” sẽ được ra mắt vào 20h00 ngày 10/12/2010 tại Nhà hát chèo Kim Mã. Đêm nhạc đang gây sự chú ý lớn với công chúng, bởi như nhạc sĩ Ngọc Đại đã tuyên bố, lần này ông sẽ còn "điên" hơn, ai đã 'dị ứng' sẽ còn dị ứng với nhạc của ông hơn.


"Sau hơn 1 tháng tập. Tôi có thể khẳng định
các bạn sẽ bị thuyết phục. Hoặc nếu không, sẽ bị dị ứng hơn nhiều lần trước"

Thưa nhạc sĩ Ngọc Đại, ông có thể chia sẻ về sự mới mẻ của đêm nhạc Đại Lâm Linh lần này?

Chúng tôi tiếp tục con đường đổi mới, thậm chí mới hơn cả Đại Lâm Linh. Đây là một con đường khó khăn nhưng chúng tôi quyết tâm làm.

Chúng tôi đã khai thác triệt để nhạc hát về âm chất và âm sắc, không sử dụng giọng hát để trình bày những câu thơ hay  giai điệu. Và chúng tôi rất quan tâm đến con người cụ thể, xã hội cụ thể, không gian - đời sống - sự hiện hữu cụ thể. Tôi muốn mang đến một nguồn năng lượng mới. Các bạn có thể thắc mắc tại sao tôi lại điên thế, tại sao lại đi quá liều lượng của hát,  và thế nào là hát? Chúng tôi cũng sử dụng ngôn từ, các chất liệu.. rất bạo dạn,, việc sắp xếp các chất liệu lên nhau cũng rất phức tạp. Đôi tai phải thật sự tinh tế mới có thể lắng nghe được. Chỉ với 5 phút biểu diễn thôi sẽ có rất nhiều biến đổi rồi.

Tôi sẽ cố gắng giống như một phòng thu. Các bạn sẽ ngồi thử nghiệm. Không phải việc đưa ra một lối quen, giá trị hay thẩm mĩ - mà chúng ta sẽ hào sảng để tặng cho nhau những cảm giác của con người. Đó là mục tiêu chính của tôi trong đêm nhạc.

Sau hơn 1 tháng tập. Tôi có thể khẳng định các bạn sẽ bị thuyết phục. Hoặc nếu không, sẽ bị dị ứng hơn nhiều lần trước.


NS Ngọc Đại chuẩn bị cho đêm
Thực nghiệm nhạc hát đương đại Việt Nam - Đan Mạch 2010

Ông có nói về việc cách tân sân khấu ca nhạc bằng sự kết hợp giữa văn hóa phồn thực và văn hóa tâm linh. Nhạc sĩ có thể giải thích rõ hơn về điều này?

Âm nhạc của Đại Lâm Linh 'tâm linh' như thế nào thì các bạn cũng biết rồi. Tôi không xa rời bản năng và thủ pháp. Tâm linh hay phồn thực chỉ để tìm đến một điều gì đó, chứ không phải để tôn vinh một trong hai nhân tố này. Hai nhân tố này sẽ xuất hiện cùng lúc, tạo ra xung đột để nói một điều gì đó và cùng hướng đến sự biểu đạt thuộc về con người.

Đến thời điểm này, ông đã có nhận định rằng Đại - Lâm - Linh là âm nhạc thử nghiệm hay âm nhạc thuần túy - tức là xếp nó chung với các dòng âm nhạc khác?

Tôi chưa bao giờ 'nhận' thế nào cả. Tôi chỉ nói rằng âm nhạc Việt Nam quá cũ và tôi không thích làm những cái cũ. Về dự án này, hiển nhiên đó là âm nhạc thực nghiệm. Đợt thực nghiệm này cũng để phá lần thực nghiệm trước. Câu 'thực nghiệm' quá xứng đáng với Đại - Lâm - Linh. Có cả khóc, cười, cả đau, mếu, chửi, điên, dại, thậm chí ra ngoài ý thức.

Tôi đã làm thử nghiệm từ những năm 77-78.  Khi đó tôi viết symphony (giao hưởng) ở Nhạc viện đã không ai nghe nổi rồi. Tôi nghĩ ở đâu cũng có thể thể nghiệm được, với địa lý của mình, không gian của mình.

Vậy đâu là sự khác nhau giữa thực nghiệm âm nhạc và thực nghiệm âm thanh?

Trong thực nghiệm âm nhạc người ta có quyền thực nghiệm âm thanh, tiếng động. Tiếng động trong thiên nhiên, đời sống. Đương nhiên rồi, thực nghiệm thì có quyền. Quyền lớn lắm. Còn làm được hay không lại là một chuyện khác (cười)

Trong đêm nhạc ngày 10/12 được biết có sự tham gia của dàn dây. Đây có phải là dàn dây của dàn nhạc giao hưởng Việt Nam không thưa ông?

Dàn nhạc giao hưởng khá bận rộn và chi phí đắt đỏ nên tôi mời các học sinh dàn dây của Nhạc viện.

Các học sinh của Nhạc viện Hà Nội vốn được học và theo đuổi dòng nhạc cổ điển của phương Tây. Vậy khi tham gia vào dự án lần này thì sự 'thử nghiệm'' âm nhạc mới của họ sẽ đến đâu?

Có thể không hẳn là hoàn toàn thử nghiệm. 12 học sinh dàn dây này tôi chọn . Có thể họ chỉ làm nền, là một câu chuyện nào đó trong một tổng thể thử nghiệm.



"Đại Lâm Linh không hề nghịch tai. Có lẽ tai các bạn nghịch!"


Nếu không thể hướng đến khán giả đại chúng thì đây phải chăng chỉ là cuộc chơi của các nghệ sĩ?

Không. Tôi phải hướng đến công chúng chứ. Còn công chúng ngoảnh mặt đi là việc của công chúng. Nghệ thuật là phải hướng đến công chúng.

Nhưng sẽ không 'chiều' công chúng, đúng không?


Thế là chiều rồi đấy! (cười)

Nghĩa là: Dù âm nhạc có nghịch tai thì vẫn là chiều lòng công chúng?


Không hề nghịch tai. Có lẽ tai các bạn nghịch!

Vào tháng 6 năm nay, Đại Lâm Linh đã có 3 buổi diễn tại Trung Tâm văn hóa Pháp và đều kín chỗ. Với đêm biểu diễn này, nếu như gây được sự chú ý với công chúng ông có tổ chức bán vé không?

Lỗ đấy! (ngừng một lúc) Tiền đâu mà trả. Cũng muốn lắm nhưng phải chờ thôi. Tôi cũng muốn bán vé để có thêm thu nhập cho nghệ sĩ nhưng cũng khó lắm, nhiều công đoạn. Mà đã bán vé thì phải bán thật cao để cho thật 'oách' (cười). Chưa làm được.

Như vậy làm thế nào mà những chương trình thực nghiệm của Đại Lâm Linh có thể tiếp cận với công chúng như ông mong muốn? Bằng cách nào đây?

Cũng phải từ từ. Lại thu CD, và nếu có cơ hội thì biểu diễn. Nhưng tôi thấy mỗi lần Đại Lâm Linh biểu diễn đều thu hút sự quan tâm của giới trí thức. Thế cũng đã làm nên chuyện rồi. Chứ người ta chẳng thèm quan tâm, chẳng nhắc tới. Tôi không thích bị chửi đâu, nhưng tôi quan niệm "chửi cho là may rồi".

Theo những gì tôi được biết thì hệ thống âm thanh tại nhà hát chèo Kim Mã không phải là tối ưu cho một chương trình biểu diễn âm nhạc. Đó là sự lựa chọn đầu tiên của ông sao?


Tôi chọn Nhà hát chèo Kim Mã không phải vì lý do kinh phí rẻ.  Tôi cho rằng nó phù hợp với chương trình này của tôi. Tôi rất ghét nếu đêm nhạc này biểu diễn ở Nhà hát lớn vì sân khấu không phù hợp, không tự nhiên. Chương trình cần sự tự nhiên, hai bên năng lượng hài hòa về tính âm dương. Tôi rất thích sân khấu này.

Cảm ơn nhạc sĩ Ngọc Đại, chúc cho đêm nhạc Thực nghiệm của Đại Lâm Linh sẽ thành công!

  • Hồ Hương Giang