Đó là chia sẻ chân thành của các nghệ sĩ tại buổi bàn tròn về hòa nhạc Điều còn mãi tại VietNamNet trưa 18/8.
Các khách mời là Nhạc trưởng Lê Phi Phi, NSƯT Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia (DNGHQG), ca sĩ Đăng Dương và ca sĩ Tùng Dương cũng chia sẻ về ý nghĩa đặc biệt của hòa nhạc Điều còn mãi cũng như niềm vinh dự được biểu diễn trong chương trình này vào mỗi buổi chiều 2/9.
Xem toàn bộ nội dung phần 1 cuộc tọa đàm
Bàn tròn trực tuyến về hòa nhạc Điều còn mãi
|
4 khách mời tham gia bàn tròn ngày 18/8 |
Nhà báo Ngân Phương: Hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi sẽ diễn ra vào đúng 2h chiều ngày 2/9 tại Nhà hát Lớn. Đây chính là thời khắc Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 70 năm trước. Chính bởi ý nghĩa của buổi hòa nhạc này mà hôm nay chúng tôi đã mời tới đây 4 vị khách mời vừa là những người có uy tín trong giới âm nhạc, vừa là những nghệ sĩ đã gắn bó lâu năm với hòa nhạc Điều còn Mãi của VietNamNet. Chúng tôi xin giới thiệu Nhạc trưởng Lê Phi Phi, NSƯT Nguyễn Trí Dũng là Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng quốc gia, ca sĩ Đăng Dương và ca sĩ Tùng Dương.
Hôm nay chúng tôi sẽ cùng thảo luận về âm nhạc, về lòng yêu nước, về giá trị của âm nhạc hàn lâm trong đời sống âm nhạc hiện đại.
- Kính thưa các anh, nhiều năm qua các anh đã đồng hành với hòa nhạc Điều còn mãi của VietNamNet. Với một chương trình phi lợi nhuận như Điều còn mãi, mức cát sê tượng trưng thì các anh gắn bó với hòa nhạc Điều còn mãi vì điều gì?
Xin mời nhạc trưởng Lê Phi Phi, người sống ở tận Macedonia nhưng mùng 2/9 năm nào cũng dành thời gian về Việt Nam và tham gia hòa nhạc Điều còn mãi với VietNamNet.
Chúng ta đang rất thiếu những chương trình như Điều còn mãi
Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Trước hết tôi thấy câu hỏi chỉ nên đặt 1 vế thôi, tức là điều gì khiến các nghệ sĩ gắn bó với Điều còn mãi. Còn cát sê không phải vấn đề chúng ta phải bàn.
Từ ngày đầu tiên tôi đã có mặt vì tôi nghĩ đó là chương trình mang ý nghĩa rất rộng, không chỉ đơn giản về nghệ thuật mà còn mang ý nghĩa nhân văn, xã hội. Mục đích tôn chỉ khi VietNamNet đặt tên là Điều còn mãi, tức là tôn vinh tác phẩm, tác giả trong quá khứ của nền âm nhạc Việt nói chung, từ thời tiền chiến, kháng chiến đến khi hòa bình.Chương trình bao gồm từ thính phòng đến cổ điển, giao hưởng và thính phòng nữa cho nên hội tụ tất cả tinh hoa âm nhạc Việt các lĩnh vực tham gia. Đồng thời đơn vị luôn là bề tảng vững chắc làm cho tất cả chương trình Điều còn mãi thành công chính là Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam (DNGHQG). Chúng ta không dùng nhạc điện tử, các tác phẩm giao hưởng thính phòng đều do DNGHQG thực hiện.
Điều đó nói lên chất lượng nghệ thuật, số lượng người tham gia cùng các tên tuổi đã hội tụ tinh hoa, tinh tú trong Điều còn mãi. Năm đầu tiên khi làm tôi đã nói với VietNamNet là làm sao chương trình còn mãi. Đó là nguyên nhân tôi nhận lời tham gia.
- NSƯT Trí Dũng: Ý nghĩa của chương trình Điều còn mãi chính là sự đặc biệt của nó. Đặc biệt về ý nghĩa, nội dung, tính chất chương trình. Đặc biệt là năm nào chương trình diễn ra vào thời khắc lịch sử, là khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam. Đặc biệt nữa là nội dung, tính chất của nó, là cơ hội để các nghệ sĩ giao hưởng được trình tấu, biểu cảm khả năng của mình với những làn điệu dân ca được chuyển soạn cho dàn nhạc. Đó là kho tàng âm nhạc vô cùng khổng lồ của nước ta cùng các tác phẩm khí nhạc, thanh nhạc qua các thế hệ, đó là sự cuốn hút của chương trình Điều còn mãi.
|
Ca sĩ Đăng Dương và Giám
đốc Nguyễn Trí Dũng |
- Ca sĩ Đăng Dương: Lần đầu tiên tôi được xem hòa nhạc Điều còn mãi là năm 2009 qua truyền hình vào buổi chiều 2/9 và thực sự có cảm xúc rất lớn. Chương trình thật sự có ý nghĩa về mặt chính trị và nghệ thuật, xem rất cuốn hút. Năm thứ hai được nhạc sĩ Dương Thụ mời tôi đã nhận lời ngay, cảm giác như mở cờ trong bụng. Cho đến năm ngoái tôi cũng chờ đợi nhưng không được làm. Đó là điều đáng tiếc. Hy vọng từ năm nay hòa nhạc VietNamNet sẽ được tổ chức thường xuyên.
Khách quan mà nói tôi thấy khán giả đánh giá rất cao chương trình này. Nó vừa có giá trị nghệ thuật và chính trị lớn. Chúng ta đang rất thiếu những chương trình như Điều còn mãi. Những người tiên phong tổ chức những chương trình như thế này rất có ý nghĩa và tôi nghĩ VietNamNet nên duy trì. Chúng tôi là những nghệ sĩ và luôn sẵn sàng đi theo nếu có lời mời từ chương trình.
- Ca sĩ Tùng Dương: 2 năm trước Dương đã tham gia với lời mời của nhạc sĩ Dương Thụ khi hát ca khúc 'Bên kia sông Đuống'. Dương nhớ như in cảm xúc thăng hoa lúc đó. Vào ngày 2/9, khi các bạn trẻ đưa nhau đi chơi làm những công việc ý nghĩa cho người thân thì mình lại lại được cất cao tiếng hát của người nghệ sĩ với sứ mệnh được hát trong thánh đường Nhà hát Lớn. Trong Dương mang một sự tự hào là như vậy. Là một người con của Việt Nam và với buổi hòa nhạc mang tính hàn lâm như vậy. Dương luôn đau đáu muốn cống hiến và mong muốn có những buổi hòa nhạc như vậy để mình được thể hiện, được chia sẻ những phút giây thiêng liêng với Tùng Dương. Với VietNamNet, Dương coi mình như người thân chứ không chỉ với tư cách một nghệ sĩ biểu diễn. Dương luôn muốn đóng góp cá nhân mình cho âm nhạc Việt Nam.
Với Điều còn mãi, tôi nhận lời đầu tiên và nhận lời ngay
Nhà báo Ngân Phương: Và biểu diễn trong hòa nhạc Điều còn mãi có khác gì biểu diễn trong các chương trình hòa nhạc khác?
- Ca sĩ Tùng Dương: Sự khác biệt chính là tính kinh viện của nó. Và việc hát với DNGHQG cũng đòi hỏi các nghệ sĩ rèn luyện bản lĩnh. Trước đây tôi hát với dàn nhạc nhẹ, acoustic sẽ đơn giản hơn nhiều. Nó không đòi hỏi sự nhất quán, chặt chẽ, khúc chiết như hát với DNGHQG. Khi hát với dàn nhạc làm sao cảm xúc của mình thăng hoa với cả dàn nhạc. Và với các tác phẩm bất hủ qua thời gian, sứ mệnh của người nghệ sĩ là truyền giữ tiếp qua các thế hệ mà cha anh ta đã để lại tác phẩm bất hủ như vậy.
|
Ca sĩ Tùng Dương và nhạc trưởng Lê Phi Phi |
Nhà báo Ngân Phương: Ca sĩ Tùng Dương vừa nói đến những khó khăn của các nghệ sĩ khi trình diễn với DNGH, vậy về mặt dàn nhạc thì có khó khăn gì khi chuyển soạn các tác phẩm dân ca, nhạc nhẹ khi trình diễn với DNGH?
Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Khi một ca khúc được bất cứ ca sĩ nào hát, chơi với 1 nhóm nhạc điện tử thì mang tính chất khác nhưng đánh với DNGH nó phải có sự chặt chẽ, tổng hòa bởi một dàn nhạc 60-70 con người cộng với nhạc trưởng và ca sĩ cùng thở với nhau. Cái tự do của người hát với nhạc điện tử khác với khi hát với DNGH bởi khi ém âm thanh lại thì rất yên lặng nhưng lên cao trào thì rất mạnh mẽ. Do vậy cách thể hiện của ca sĩ cũng khác. Tùng Dương có thể hát lơi ra, rất bé nhưng dàn nhạc cũng phải theo được. Về các tác phẩm như bạn hỏi là chuyển thể từ dân ca, ca khúc... đó chỉ là 1 mảng trong chương trình
Mảng khí nhạc rõ ràng là viết cho dàn nhạc giao hưởng nhưng các ca khúc, dân ca, nhạc nhẹ chuyển soạn rất khó với DNGH. Một tác phẩm dân ca mà dàn nhạc dân tộc chơi sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng với DNGH, kèn Oboa, Trumpet hay violin cũng phải thể hiện sao cho ra màu sắc dân tộc. Theo đánh giá của tôi, tính âm nhạc, cảm xúc âm nhạc của người Việt, đặc biệt là các nhạc công trong DNGH rất tốt. Nên khi dàn dựng chương trình cho Điều còn mãi, ví dụ như Bèo dạt mây trôi chúng tôi không phải nói nhiều mà họ có thể thổi ngay ra được hồn Việt.
- NSƯT Trí Dũng: Với loại hình giao hưởng kết hợp với các ca sĩ đòi hỏi các ca sĩ phải có kinh nghiệm và khả năng nhất định, nếu không sẽ rất khó khăn. Bởi khi hát với DNGH đòi hỏi sự chia sẻ, sâu lắng và chính sự cảm nhận của chính ca sĩ đó và ngược lại với hàng trăm con người mà chỉ huy là người kết nối. Biểu cảm của dàn nhạc giao hưởng vô cùng phong phú, có thể đáp ứng mọi yêu cầu của ca sĩ.
Với khí nhạc, theo tôi có hai dạng. 1 là các nhạc sĩ của chúng ta hay trên thế giới cũng vậy thôi, đều dựa vào các làn điệu dân ca của các vùng miền và quốc gia để sáng tạo nên các tác phẩm bất hủ cho giao hưởng. 1 loại nữa là phối khí. Đây cũng là ước mơ của tôi, từ nay đến mãi sau này, chúng ta sẽ có lộ trình phối khí các làn điệu dân ca Việt Nam. Đây là kho tàng vô cùng lớn, giữ nguyên các làn điệu dân ca cho DNGH. Chúng tôi đã phối nhiều bài và biểu diễn tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản rất thành công như Xe chỉ luồn kim, Cây trúc xinh... Dùng biểu cảm của dàn nhạc lớn như vậy để thể hiện kho tàng dân ca Việt Nam.
Nhà báo Ngân Phương: Ca sĩ Đăng Dương lần nào cũng rất thăng hoa trên sân khấu Điều còn mãi, không biết cảm xúc khi trình diễn với DNGH thế nào?
- Ca sĩ Đăng Dương: Từ khi rất nhỏ tôi đã thích âm nhạc chính thống. Từ năm đầu học nhạc viện tôi đã học opera. Khi còn là sinh viên tôi đã hát với dàn nhạc của trường. Sau này các nghệ sĩ ra trường được cộng tác rất nhiều với DNGHQG, đó là niềm vinh dự rất lớn của người nghệ sĩ. Đặc biệt mỗi chương trình Điều còn mãi của VietNamNet, kỷ niệm không bao giờ quên được sau mỗi chương trình. Mỗi bài hát có cảm xúc riêng, nhưng phải nói rằng với tất cả các chương trình của VietNamNet tôi luôn nhận lời đầu tiên và nhận lời ngay.
Ban Văn hóa
Ảnh: Lê Anh Dũng
Trân trọng cảm ơn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-VietinBank (nhà tài trợ Kim cương), Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài gòn - Sabeco (Tài trợ Đồng). Đơn vị hỗ trợ kinh phí tổ chức: Công ty Cổ phần Truyền thông VietNamNet (VIETNAMNET JSC). Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội tài trợ địa điểm Nhà hát Lớn Hà Nội.
|