Chuyên mục Góc nhìn thẳng trao đổi với nhà báo Hồ Quang Lợi, Ủy viên ban thường vụ thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội về việc Hà Nội vừa đặt tên phố Trịnh Công Sơn.


 

Nhà báo Ngân Phương: Thưa ông, quyết định của Hà Nội về việc đặt tên phố theo tên của Nhà văn Nguyễn Đình Thi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ tạo ra một hiệu ứng như thế nào?

Ông Hồ Quang Lợi: Trước hết tôi muốn nói là Thủ đô Hà Nội thân yêu của chúng ta là trái tim của cả nước. Hà Nội là Thủ đô văn hóa, văn học nghệ thuật, Hà Nội là nơi hội tụ kết tinh và lan tỏa những giá trị cao quý của chúng ta. Tôi nghĩ là một Thủ đô văn hóa, một thủ đô văn học nghệ thuật tôn vinh 2 văn nghệ sĩ nổi tiếng của chúng ta là Nguyễn Đình Thi và Trịnh Công Sơn là một lẽ đương nhiên, như một điều tất yếu vậy. Đó là sự tôn vinh những đóng góp quý báu của giới văn nghệ sĩ nói chung và đặc biệt là của nhà văn Nguyễn Đình Thi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói riêng.

Đây là những con người đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng công chúng yêu nghệ thuật, trong những trái tim yêu Thủ đô Hà Nội và yêu đất nước Việt Nam.

Hiệu ứng tạo ra rất mạnh. Từ khi Hà Nội quyết định đặt tên và nhất là ngày hôm qua khi Hà Nội làm Lễ gắn tên phố mang tên 2 vị văn sĩ này thì có thể nói nhân dân tại vùng đó, sau đó là công chúng yêu nghệ thuật cả nước một niềm phấn khởi hạnh phúc và đó là những hiệu ứng hết sức tích cực.

Một quyết định đúng, tôn vinh đúng những con người đáng được tôn vinh chắc chắn sẽ tạo nên một hiệu ứng tích cực. Đối với Trịnh Công Sơn, trong cuộc đời lao động nghệ thuật của mình, ông viết cả mấy trăm bài hát nhưng ông viết về Hà Nội không nhiều. Người Hà Nội cũng như người yêu Hà Nội trên đất nước này nhớ đến Trịnh Công Sơn là nhớ đến bài Nhớ mùa thu Hà Nội, chỉ bằng một bài hát đó thôi, ông đã ở trong trái tim người Hà Nội rồi. Những câu hát thật là tuyệt vời. Nếu không phải là một người yêu Hà Nội, hiểu Hà Nội, yêu quý đất nước này bởi Hà Nội là biểu tượng của dân tộc, của đất nước chúng ta thì không thể viết lên những câu hát như vậy. Một người như thế xứng đáng có vị trí ở thủ đô này. Đó là phần thưởng cao quý nhất.

Nhà báo Ngân Phương:Việc nhà văn Nguyễn Đình Thi là rất dễ hiểu và có thể tôn vinh thậm chí sớm hơn nhưng với Trịnh Công Sơn, ông là nhạc sĩ chưa từng đạt được những giải thưởng được coi là quan trọng như giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh,  vậy vì sao Hà Nội lại có quyết định mang tính đột phá như vậy?

Ông Hồ Quang Lợi: Tôi nghĩ rằng một người yêu Hà Nội, hiểu Hà Nội và yêu quý đất nước này như vậy thì xứng đáng được có vị trí ở Hà Nội. Cuộc đời nghệ thuật của Trịnh Công Sơn khác với Nguyễn Đình Thi.

Trịnh Công Sơn bắt đầu cuộc đời nghệ thuật của mình từ khi đất nước chia 2 miền. Tiếng lòng của Trịnh Công Sơn cất lên trong một chế độ khác nhưng tư tưởng và tính nhân văn của ông thì xuyên suốt cả đời nghệ thuật. Nhiều người Việt Nam sẽ rất là cảm phục về tính triết lý, về nhân sinh và đặc biệt đầy tình người từ những lời ca rung động từ con tim, luôn hướng tới những con người chịu thiệt thòi, chịu những mất mát mát hi sinh trong xã hội và hướng tới sự hòa đồng. Hòa kết xã hội vượt qua hận thù, vượt qua khổ đau để hướng tới ánh sáng.  Ánh sáng của niềm tin và hy vọng, của tình thương con người. Trịnh Công Sơn là như vậy. Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ vượt ra ngoài quốc gia vươn tới tầm nhân loại. Không phải ngẫu nhiên mà những từ điển nổi tiếng của thế giới đưa tên Trịnh Công Sơn vào. Đối với một con người như vậy, chúng ta tôn vinh là rất đúng, chúng ta tự hào đã tôn vinh những người như vậy.

Có người hỏi tôi là có cái gì đột phá trong chuyện tôn vinh này không? Vì Trịnh Công Sơn không được hưởng huân chương, huy chương, không được trao danh hiệu gì? Tôi trả lời tôi chẳng thấy có gì đột phá cả. Tôi nghĩ rằng nhiều giá trị trong cuộc đời này không phải đo bằng những tấm huy chương hay danh hiệu.

Nguyễn Đình Thi và Trịnh Công Sơn có một phần thưởng cao quý sâu sắc đầy ý nghĩa đó là họ mãi mãi ở trong tim của chúng ta, trong trái tim những người yêu văn học nghệ thuật, trái tim của những người yêu đất nước, yêu dân tộc này.

Nhà báo Ngân Phương: Theo ông, chúng ta nên có những hành động phù hợp gì để tôn vinh những nghệ sĩ khác như Trịnh Công Sơn tới đây?

Ông Hồ Quang Lợi: Chúng ta đi nhiều đô thị cũng như nhiều thành phố khác đâu phải những người được đặt tên phố, tên đường, tên trường đâu phải là những người đã được thưởng huy chương huân chương qua các thời kỳ. Những người được đặt tên đường tên phố đó là những người đã ở trong trái tim của nhân dân. Cho nên tôi cảm thấy cái mà chúng ta cần làm là chúng ta thẩm định cho đúng đóng góp các cá nhân ở các thời kỳ khác nhau cho chính xác. Tôi tin rằng nếu chúng ta đánh giá chính xác các giá trị mà họ cống hiến cho chúng ta thì chúng ta tôn vinh đúng.

Tôn vinh có nhiều cách không hẳn chỉ là trao huân chương, huy chương hay chuyện đặt tên đường, tên phố. Cho dù là cách gì thì việc tôn vinh đó cũng phải dựa trên nền tàng, trên cơ sở của những gì họ đã tạo ra giá trị đích thực của cuộc sống, họ đã đóng góp cho dân tộc, cho đất nước. Và đó chính là ánh sáng của văn hóa mà chúng ta hướng tới.

Báo VietNamNet