Đúng 2 giờ chiều ngày 2/9, hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi 2015 chính thức khai màn tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong không khí kỷ niệm 70 năm Tết Độc lập rạo rực khắp non sông.

Những tiết mục biểu diễn trong Điều Còn Mãi 2015  

Mời độc giả xem lại chương trình Điều còn mãi 2015 Ở ĐÂY

Sau 1 năm gián đoạn, Điều còn mãi đã chính thức trở lại và nâng tầm lên hòa nhạc quốc gia. Chương trình năm nay có ý nghĩa đặc biệt hơn bao giờ hết khi diễn ra vào đúng dịp Quốc Khánh lần thứ 70 của đất nước, khi hàng triệu con tim đang hướng về Quảng trường Ba Đình, nơi Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam.


{keywords}
Tới dự hòa nhạc có bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (thứ tư từ phải qua), ông Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (thứ 5 từ phải qua), ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (thứ 3 từ phải qua)
Tới dự hòa nhạc có bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, ông Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Như thường lệ, hòa nhạc Điều còn mãi bắt đầu với bản Quốc ca được chơi bởi các nghệ sĩ của Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi. Đây là tiết mục luôn mang đến cảm xúc đặc biệt cho những người có mặt tại Nhà hát Lớn mỗi dịp đặc biệt này.
{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son tiếp nhân sĩ trí thức tại Phòng Gương trước giờ khai màn Điều còn mãi 2015.

 

{keywords}Bộ trưởng Bộ TT&TT ghi lưu bút cho chương trình Điều còn mãi


Phát biểu mở màn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nói: "Đúng thời khắc này cách đây 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngay giờ phút thiêng liêng này, chúng ta ngồi đây cùng nhau tiếp tục thực hiện giấc mơ của Người bằng âm nhạc về tình yêu tổ quốc, tình yêu thương con người, niềm tự hào dân tộc. Đó chính là ý nghĩa của chương trình hòa nhạc Điều còn mãi được bắt đầu tổ chức vào năm 2009, vào một khung giờ đặc biệt tại một địa điểm lịch sử.


Chương trình được diễn tại 1 địa điểm duy nhất - Nhà hát Lớn Hà Nội vào đúng thời khắc thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, 14h ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, mùng 2 tháng 9. 

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT phát biểu khai màn Hòa nhạc Quốc gia Điều còn mãi

 

Qua 5 lần tổ chức, hòa nhạc Điều còn mãi đã gây tiếng vang, tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng cũng như trở thành sự kiện văn hóa được chờ đợi. Với sự đồng hành của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Lê Phi Phi và các nghệ sĩ hàng đầu, chương trình năm nay sẽ mang đến những tác phẩm âm nhạc xuất sắc của cả nền thanh nhạc và khí nhạc Việt Nam. Những tác phẩm đi cùng năm tháng đó sẽ gợi lại cho chúng ta một thời kỳ khí thế của cách mạng hào hùng của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi hy vọng sẽ mang đến bữa tiệc âm nhạc thực sự đặc biệt nhất.

 

{keywords}
Tổng biên tập báo VietNamNet Phạm Anh Tuấn (ngoài cùng bên trái) tiếp đón các khách mời đặc biệt tới hòa nhạc Điều còn mãi 2015.

Trong năm đặc biệt này, BTC mong muốn chương trình hòa nhạc Điều còn mãi sẽ trở thành hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi. Chúng tôi mong mỏi chương trình sẽ truyền đi thông điệp mạnh mẽ về tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, con người như một lời tri ân với những hy sinh mất mát của thế hệ tiền nhân để có được một đất nước Việt Nam như ngày hôm nay. Tôi trân trọng sự tri ân sự đồng hành của quý vị với chương trình hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi".

{keywords}
Các nghệ sĩ của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia, Dàn hợp xướng ĐHSPNT TW.

Tác phẩm được chọn mở đầu cho hòa nhạc Điều còn mãi năm nay là hợp xướng 'Tổ quốc' được nhạc sĩ Hồ Bắc viết năm 1960 nhân kỷ niệm 15 năm thành Quốc khánh. Với giọng hát của ca sĩ Trọng Tấn cùng sự hỗ trợ tuyệt vời của các thành viên Dàn hợp xướng ĐHSPNT TW, 'Tổ quốc' đã mang tới một cảm xúc đặc biệt đúng với tinh thần của hòa nhạc Điều còn mãi. Đó là khơi dậy tình yêu tổ quốc, niềm tự hào dân tộc qua âm nhạc.

 
{keywords}
Ca sĩ Trọng Tấn gây ấn tượng với hợp xướng 'Tổ quốc'.

 

Kế đến, hợp xướng 'Vinh quang hồn dân tộc' của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân do hai nghệ sĩ Hà Phạm Thăng Long và Mạnh Dũng lĩnh xướng tiếp tục mang đến không khí rạo rực của lòng yêu nước và lòng tự tôn dân tộc vĩnh cửu.

{keywords}
Hai ca sĩ Hà Phạm Thăng Long và Mạnh Dũng với hợp xướng 'Vinh quang hồn dân tộc'.

Khán giả tiếp tục được chiêu đãi bằng giọng hát cao vút của ca sĩ Lan Anh với sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - 'Tiếng hát giữa rừng Pắc Pó' biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc, nơi đã từng là 1 địa điểm lịch sử với vẻ đẹp tuyệt vời về con người và mảnh đất này được thể hiện xuất sắc qua tiếng hát của ca sĩ Lan Anh.

{keywords}
Ca sĩ Lan Anh gây xúc động với Tiếng hát giữa rừng Pắc Pó

  Và cũng đã lâu lắm, Aria 'Cô Sao' nổi tiếng của nhạc sĩ Đỗ Nhuận mới lại được vang lên ấn tượng như vậy trên sân khấu Nhà hát Lớn. Một lần nữa, Điều còn mãi tiếp tục trở thành điểm hẹn của những tác phẩm âm nhạc kinh điển của Việt Nam mà khán giả đại chúng có ít cơ hội tiếp cận.

{keywords}
Hà Phạm Thăng Long và Aria Cô Sao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận

Xen lẫn các tiết mục thanh nhạc, khán giả tiếp tục được chìm đắm trong giai điệu quen thuộc của 'Cây Trúc xinh' được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chuyển soạn cho Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Đây là điểm mới trong hòa nhạc Điều còn mãi năm nay khi quyết định không tách riêng phần khí nhạc và thanh nhạc mà sắp xếp xen kẽ.

Lần thứ 2 biểu diễn trong hòa nhạc Điều còn mãi, Tùng Dương tiếp tục gây bất ngờ khi thể hiện hai ca khúc nổi tiếng 'Người lái đò trên sông Pô Kô' (Cầm Phong) và 'Chiếc khăn Piêu' (Doãn Nho) - tác phẩm mang đến nhiều thành công cho anh. Với kỹ thuật xuất sắc cùng bản phối mới và sự kết hợp xuất sắc với Dàn nhạc giao hưởng đã mang đến cho Tùng Dương một phần trình diễn ấn tượng với tiếng vỗ tay vang dội.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong Điều còn mãi 2015, khán giả được thưởng thức 'Chiếc khăn Piêu' với màu sắc mới lạ qua tiếng hát của Tùng Dương. 

{keywords}
Tùng Dương mang đến một 'Chiếc khăn Piêu' mới mẻ.


Tác phẩm mở màn cho phần 2
. 'Người về đem tới ngày vui' của nhạc sĩ Trọng Bằng với sự biểu diễn của các nghệ sĩ
Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi tiếp tục mang tới âm hưởng âm vang, hào sảng về chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, vị lãnh tụ trọn đời hy sinh vì dân tộc Việt Nam.
 

Nghệ sĩ violin tài năng Xuân Huy tiếp tục trở lại trong hòa nhạc Điều còn mãi năm nay để khoe những ngón đàn xuất sắc với tác phẩm 'Bài ca chung thủy' (sáng tác: Hoàng Dương). Nổi tiếng là một nghệ sĩ ẩn dật, không nhận lời tham gia nhiều chương trình nên mỗi lần nghệ sĩ Xuân Huy trở lại sân khấu đều rất được những người nghe nhạc chờ đợi. Và lần này anh tiếp tục thể hiện kỹ thuật tuyệt vời trên sân khấu Điều còn mãi 2015.

 

{keywords}
Nghệ sĩ violin Xuân Huy

Xuất hiện trên sân khấu hòa nhạc Điều còn mãi từ năm đầu tiên và đã trình diễn rất nhiều ca khúc nổi tiếng nhưng đây là lần đầu tiên ca sĩ Trọng Tấn thể hiện tác phẩm 'Bám Biển quê hương' của nhạc sĩ Phạm Tuyên với sự hỗ trợ của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Trọng Tấn tâm sự anh đã từng nghe ca khúc này rất nhiều trên đài và từng dàn dựng cho các em sinh viên khi còn giảng dạy trong Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia nhưng chưa từng hát. "Chương trình chọn bài hát này trên sân khấu hôm nay rất đúng thời điểm lịch sử nên Tấn rất vui mừng được nhận bài này", anh nói. Lần đầu thể hiện trên sân khấu Điều còn mãi, Trọng Tấn không chỉ tiếp tục khoe giọng hát trời phú mà còn thể hiện được không khí rạo rực, hào sảng cũng như quyết tâm giữ biển của ngư dân, cũng là giữ biên giới trên biển của dân tộc.

{keywords}
Ca sĩ Đăng Dương thăng hoa tại Điều còn mãi

Trong khi đó, ca sĩ Đăng Dương lại thể hiện được tinh thần xây dựng đất nước trong 'Bài ca xây dựng' của nhạc sĩ Hoàng Vân, cũng là cha đẻ của nhạc trưởng Lê Phi Phi. Đăng Dương nói anh cảm thấy hạnh phúc vì năm nay Điều còn mãi đã trở lại. Và điều này đã được anh thể hiện rất rõ trên sân khấu năm nay. Một ca khúc tưởng đã rất quen thuộc nhưng vẫn có thể khiến người nghe nổi gai ốc. 

Không khí hào hùng và niềm tự hào dân tộc tiếp tục được thể hiện mạnh mẽ với trích đoạn Giao hưởng 'Tháng mười hai' của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng với phần diễn tấu của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Với chương 3 mang tên 'Điện Biên Phủ trên không', các nghệ sĩ đã tái hiện lại một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

{keywords}
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius trân trọng một chương trình như Điều còn mãi

Trở lại sân khấu lần thứ 2 trong chương trình Điều còn mãi 2015, ca sĩ Lan Anh lại mang đến một cảm xúc hoàn toàn khác về một đất nước yên bình đã trải qua nhiều năm chiến tranh. Là một sáng tác của nhạc sĩ tay ngang nhưng 'Đất nước tình yêu' của cô giáo Lệ Giang nhân kỷ niệm 30 năm Quốc khánh lại là một nhạc phẩm xuất sắc và giàu xúc cảm.

Hòa nhạc Điều còn mãi 2015 khép lại với tác phẩm 'Tổ Quốc gọi tên mình' của Đinh Trung Cẩn như một lời hiệu triệu mạnh mẽ. Năm 2011, khi tình hình biển đảo đang nóng bỏng, tác giả Đinh Trung Cẩn đã lên mạng và bắt gặp tác phẩm 'Tổ Quốc gọi tên mình' của nhà thơ Phan Quế Mai. Dù chưa đến Trường Sa một lần nhưng cảm xúc dồn nén đã khiến Đinh Trung Cẩn viết ra ca khúc này chỉ trong 1 giờ. Với sự hỗ trợ của dàn hợp xướng, dàn nhạc giao hưởng, ca sĩ Đăng Dương đã khiến rất nhiều khán giả rơi lệ vì xúc động khi cất giọng hát: "Tổ quốc linh thiêng! tổ quốc linh thiêng'.

{keywords}
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự chương trình tặng hoa cho các nghệ sĩ

Có thể nói chưa khi nào thông điệp về tình yêu tổ quốc, niềm tự hào dân tộc lại thể hiện rõ nét trong các tác phẩm được lựa chọn trong hòa nhạc Điều còn mãi năm nay. Nó càng có ý nghĩa hơn hết khi diễn ra vào đúng thời điểm lịch sử của đất nước.

VietNamNet
Ảnh:
Phạm Hải, Lê Anh Dũng

Trân trọng cảm ơn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-VietinBank (nhà tài trợ Kim cương). Đơn vị hỗ trợ kinh phí tổ chức: Công ty Cổ phần Truyền thông VietNamNet (VIETNAMNET JSC). Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội tài trợ địa điểm Nhà hát Lớn Hà Nội.