Hình ảnh ca sĩ Khánh Ly trên sân khấu tóc dài buông xõa và giọng hát liêu trai đã in sâu vào tâm trí nhiều khán giả nhưng ít ai biết, đằng sau đó là một người phụ nữ gan lì.


Về nước 10 ngày, danh ca Khánh Ly đi khắp nơi từ thiện, giao lưu với khán giả và biểu diễn. Một người đã vào tuổi “thất thập cổ lai hy” mà sức làm việc vẫn dẻo dai như vậy quả thật đáng nể. Nhưng ai từng gặp bà, nghe bà chia sẻ về cuộc đời sẽ hiểu phần nào Khánh Ly lại mạnh mẽ đến vậy. Mọi lời khen ngợi và ca tụng của khán giả, bà đều xua tay và tự nhận mình là người phụ nữ tầm thường với một giọng ca bình thường.

{keywords}

Danh ca Khánh Ly tiết lộ bí quyết trẻ đẹp là nhờ sống lạc quan.

Chồng mất, tôi như đóng băng

- Sau khi chồng mất, bà vẫn đi hát đều, ra mắt tự truyện "Đằng sau những nụ cười", vậy mà nhiều người nói, Khánh Ly suy sụp, không thể hát được nữa. Bà có thể chia sẻ về điều này?

- Khi ông Đoan mất, người tôi như đóng băng vậy. Tôi không tin được, người vừa nói chuyện với mình vài phút trước lại bỏ mình ra đi mãi mãi. Tôi suy sụp, đau chứ nhưng cuộc sống là thế, sống chết vô thường và đã là quy luật sinh tử thì mình phải chấp nhận. Mình chấp nhận vượt qua nghịch cảnh. Nhìn ra xung quanh, không phải một mình mình là người mất mát, còn nhiều người khổ hơn thì tại sao mình lại buông xuôi? Tôi nghĩ ông ấy chỉ đi trước tôi một bước thôi. Có lẽ ông Đoan sẽ chờ tôi ở đầu con đường nào đó. Ai chẳng có một cõi đi về.

- Đa số những người ở tuổi bà đều thay đổi tính cách khi mất mát người thân. Bản thân bà thì sao?

- Tôi thấy mình không thay đổi gì cả, có điều, trước đây tôi và ông ấy thỉnh thoảng đi ra ngoài với nhau, giờ tôi ít khi ra ngoài. Đời sống hữu hạn, tình yêu vô cùng, người ra đi không bị quên lãng hay tình yêu bị mất đi nên tôi vẫn nghĩ: “Một người đi bằng mười người ở lại”.

- Bạn bè nhận xét, Khánh Ly giản dị lắm, không như người ta tưởng tượng về ca sĩ nổi tiếng. Bà có thể chia sẻ về cuộc sống ở Mỹ?

- Cuộc sống của tôi bình thường. Tôi yêu ngôi nhà của mình, nhỏ nhưng ấm cúng, chất chứa bao nhiêu nụ cười, nước mắt. Về đây, tôi thấy mọi người có nhà lớn khủng khiếp, nhà tôi chắc chỉ bằng cái bếp trong đó thôi nhưng đó là nhà tình, nhà nghĩa. Vợ chồng tôi mua từ năm 1980, đã sống ở đó gần 40 năm và tôi sẽ ở đó đến chết.

Khánh Ly ở ngoài đời cũng là người phụ nữ của gia đình. Tôi cũng phải làm hết các việc nấu ăn, rửa chén, đổ rác… Ngày chồng còn sống, việc gì tôi không làm được, mới nhờ đến ông ấy. Không phải tôi tự cao tự đại, chỉ là muốn làm hết để chồng và con sướng. Ca sĩ cũng chỉ là nghề, về nhà mình là người vợ và mẹ, không thể mang danh đó mà sống.

Ngày đầu đặt chân lên đất Mỹ, bạn biết việc đầu tiên tôi làm là gì không? Làm nhân viên vệ sinh cho một trường tiểu học. Tôi không cảm thấy đó là công việc hổ thẹn và cần phải giấu giếm. Lúc đấy mình chỉ biết kiếm tiền nuôi con chứ còn thời gian đâu mà nghĩ đến Khánh Ly hay khánh chén. Ly hay chén gì thì vào hoàn cảnh đó cũng phải dẹp hết. Hiện nay tôi sống cùng gia đình con gái thứ ba và cháu ngoại. Cứ xa cháu vài ngày là nhớ nhung vô cùng.

Ở Việt Nam tôi có 2 người giúp việc đỡ đần nhưng không có cũng không sao. Tôi biết làm việc nhà từ khi 12 tuổi. Lúc đó, tôi sống cùng mẹ và cha dượng trên Đà Lạt, dù có vú nuôi nhưng mỗi ngày bà đều giao cho tôi cái làn và 80 đồng đi chợ. Tôi tự lên 4 món buổi trưa và 4 món buổi chiều cho gia đình. Trước khi đi học phải giặt 2 chậu quần áo to.

Nghĩ tôi có gì với Trịnh Công Sơn là sai lầm

- Mồ côi cha từ nhỏ nên phải sống cùng mẹ và cha dượng, hẳn đó là một mất mát lớn với cô bé Khánh Ly?

- Bố mất khi tôi mới 5 tuổi nhưng ấn tượng về ông trong tôi rất mạnh. Chính ông là người đầu tiên tập hát cho tôi. Vì thế khi ông ra đi, tôi tủi thân lắm.

Những bài hát như Chiều vàng, Con thuyền không bến… tôi thuộc là do nghe bố hát suốt trên đường cõng tôi chạy loạn. Tiếng hát ấy đã in đậm vào tâm trí tôi. Thành ra có nhiều người hỏi tại sao tôi nhớ bài Chiều vàng như thế. Nhờ tình yêu nhạc được truyền từ cha, tôi đi hát và trong cuộc đời này, tôi không làm được gì ngoài ca hát.

- Vì tủi thân khi sống với mẹ và cha dượng, đó có phải lý do từ năm 12 tuổi bà đã dời nhà đi hát?

- Không. Do tính tôi bụi đời thôi. Bề ngoài tôi nữ tính thế chứ tính tình như con trai. Tôi thích leo trèo, nghịch ngợm nên bị mẹ với dượng đánh hoài. Mà ghê lắm, bị đánh hoài nhưng không bao giờ khóc. Chỉ khi nào trèo lên cây trứng cá sau nhà, tôi mới khóc một mình.

Tôi đi hát, mẹ tôi và dượng đều không đồng ý nên khi tôi bỏ nhà đi thì mẹ giận lắm, thậm chí còn từ mặt luôn. Đi nhờ chiếc xe chở bắp cải để xuống Sài Gòn, quả thật, tôi gan hơn cả con trai. Đến giờ vẫn thường tự hỏi tại sao người ta lại cho tôi đi nhờ.

 

{keywords}

Giọng ca Khánh Ly gắn liền với nhạc Trịnh Công Sơn.

- Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chính là người phát hiện ra và đưa Khánh Ly đến với công chúng. Mặc dù bà không thừa nhận giữa mình và nhạc sĩ có tình yêu mà chỉ là tình bạn, tình đồng nghiệp nhưng làm sao để lý giải sự gắn bó giữa hai người?

- Nhiều người cũng hỏi tại sao tôi đang hát ở Đà Lạt có cát-xê mà chịu đi biểu diễn không công với ông Sơn. Đó, lại do tính bụi đời của tôi. Mặt khác, tôi thích nhạc của ông Sơn lắm! Tôi chơi chung với đám bạn của ông Sơn, toàn đàn ông và là những người dễ thương. Chỉ có mình tôi là con gái nhưng tôi không dính tới chàng nào. Họ coi tôi như một thằng đàn ông. Có lẽ tính tôi không khách sáo, thẳng thắn nên mấy ông thương.

Ông Trịnh Công Sơn đối với tôi hơn hết như một người cha. Ông đã lôi tôi ra ánh sáng. Nếu không có ông ấy, tôi vẫn là con bé Khánh Ly đen nhẻm ở Đà Lạt. Ai nghĩ tôi và ông Sơn có gì đó là sai lầm. Mà tội nghiệp cho ông, tại sao lại yêu một người xấu xí như tôi. Xung quanh ông có biết bao người đẹp.

Ông Sơn và tôi sở dĩ giữ được tình cảm lâu dài vì khi hát nhạc ông, tôi rất trân trọng. Tôi chăm chỉ tập luyện, hát đến khi nào được mới thôi. Tôi nhớ trong lần sang Canada, tôi tập hát bài Tôi ơi đừng tuyệt vọng cùng ông ấy từ chập tối đến tận sáng hôm sau. Ông ấy có thể nhịn ăn, tôi cũng có thể nhịn ăn tập hát, vì thế ông ấy thương tôi. Bây giờ, tôi về nước sau nhiều năm mà vẫn được mọi người thương là vì ông Trịnh Công Sơn. Mọi người thích nhạc Trịnh mà tôi là người hát nhạc của ông Sơn bền bỉ nhất, thủy chung nhất.

- Bây giờ điều bà mong ước nhất là gì?

- Tôi mong ước có sức khỏe để làm thêm nhiều việc có ích cho xã hội. Tôi không nghĩ mình làm cái gì to tát mà chỉ góp phần giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Ông Sơn nói rất đúng: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Khi mình giúp đỡ người khác cũng là tạo niềm vui cho chính mình.

Theo Zing