Xin đừng biến thần tượng của bạn thành người có lỗi cho những hành động trẻ con và có phần ích kỉ của chính bạn.


"Sự cố đám đông yên lặng" ở màn trình diễn của Hồ Ngọc Hà

Đêm Gala The Voice 2015 khép lại với chiến thắng xứng đáng dành cho thí sinh Đức Phúc của đội Mỹ Tâm.

Tuy nhiên, với nhiều người đây là một cái kết được đoán trước nên không có nhiều sự ngạc nhiên, lạ lẫm.

Sau đêm Gala, lượn một vòng mạng xã hội người ta chỉ thấy sự xuất hiện của hình ảnh Hồ Ngọc Hà. Nhiều bạn trẻ còn nói đùa rằng nếu Hồ Ngọc Hà là thí sinh thì ắt hẳn họ sẽ bình chọn ngay cho cô.

Đến với The Voice 2015, cựu giám khảo "hot" nhất các mùa đã làm sân khấu nổ tung với bài hát "What Is love" sôi động. Cô đã làm cả khán phòng phải bùng cháy với những động tác vũ đạo gợi cảm và khỏe khoắn.

Nếu câu chuyện chỉ dừng lại tại đó thì ắt hẳn người xem chẳng có gì để nói. Tuy nhiên, ngay sau đó, người ta bất ngờ thấy rất đông fan của Hồ Ngọc Hà lên tiếng về sự cố "tắt điện".

{keywords}

Khi Hồ Ngọc Hà kết thúc màn biểu diễn, thái độ của nhóm fan bên trái khác biệt hẳn với nhóm fan ở góc phải.

Được biết, trong màn biểu diễn sôi động của Hồ Ngọc Hà thì một lượng fan không nhỏ được cho là của Mỹ Tâm đã lựa chọn phương án yên lặng và không cổ vũ. Đám đông này đã quyết định tắt hết lightstick cổ vũ và ngồi im lặng như đang đi xem phim.

Thậm chí, kết thúc màn biểu diễn sôi động của Hồ Ngọc Hà, người ta còn không thể nghe được tiếng vỗ tay từ khu vực fan của Mỹ Tâm.

Nhân chuyện của sao và fan khán giả cũng chưa thể nào quên vụ việc của ca sỹ Mỹ Tâm tại HTV awards 2012.

Sau khi Mỹ Tâm trượt giải Ca sĩ được yêu thích nhất vào tay Hồ Ngọc Hà, các fan của cô đã có những hành động không mấy đẹp mắt. Các fan đã không ngừng la hét ầm ĩ tên thần tượng của mình khi Hà Hồ được xướng tên nhận giải và phát biểu.

Vụ việc này đã khiến Mỹ Tâm phải 2 lần viết tâm thư trên facebook để "răn đe" người hâm mộ của mình. Và sau đó, trước những lời đầy tâm huyết của mình sự việc cũng được lắng xuống.

Cho đến nay, không thể phủ nhận Mỹ Tâm vẫn là ca sỹ có lượng fan đông đảo hàng đầu và hết mình vì thần tượng.

Khi cổ vũ cũng cần có văn hóa

Người ta nói rất nhiều về văn hóa thần tượng, văn hóa ngôi sao nhưng có lẽ ít khi nào nói về văn hóa thần tượng. Tuy nhiên, điều này lại được nói rất nhiều đối với làng giải trí Hàn Quốc.

Tại Hàn Quốc, các fandom (cộng đồng fan của ca sĩ, nhóm nhạc) được xem là bộ mặt của chính thần tượng. Vì vậy, những hoạt động của fandom này luôn phải đảm bảo để không ảnh hưởng tới hình ảnh của thần tượng.

Trong cộng đồng người hâm mộ ngôi sao Hàn Quốc luôn tồn tại một thứ gọi là "danh dự của fandom" được khẳng định bằng màu lightstick, màu bóng bay để có thể ủng hộ thần tượng của mình trong các concert ca nhạc.

Nếu các thần tượng cạnh tranh nhau trên bảng xếp hạng âm nhạc thì trong cộng đồng fan K-Pop lại thường diễn ra sự đấu đá. Đó là những mối bất hòa, kỳ thị với fan của các nhóm nhạc đối thủ, hoặc thậm chí là fan của nhóm nhạc khác cùng thuộc công ty chủ quản.

Điều đáng sợ nhất trong văn hóa cổ vũ của Hàn Quốc chính là việc cộng đồng người hâm mộ kêu gọi nhau lập “biển đen” tẩy chay fan và ngôi sao các nhóm nhạc khác. Điều mà lịch sử K-Pop gọi đó là “black ocean” (biển đen tàn nhẫn).

Chắc chắn những người từng biết đến K-Pop không thể nào quên câu chuyện đau lòng trong đêm nhạc Dream Concert năm 2008.

Bắt nguồn từ những tranh cãi của một nhóm fan SNSD và các fan khác trước đêm diễn, một số fan nam của SNSD đã mạnh miệng tuyên bố trên mạng xã hội rằng nhóm nhạc này là số 1 và họ không cần các fandom khác cổ vũ.

Cuộc trả đũa bắt đầu khi SNSD bắt đầu biểu diễn. Những người đứng đầu của các fan club các nhóm nhạc khác ra hiệu lệnh “Im lặng”, đồng thời tất cả các fan tắt hết light-stick.

Chỉ có duy nhất các SONE (fan của SNSD) cất tiếng cổ vũ yếu ớt. Tất cả khán đài như chìm vào một màn đen im ắng. SNSD đã phải hoàn tất màn biểu diễn trước một biển đen tàn nhẫn, đau đớn.

Đây được xem là bài học vô cùng đau lòng dành cho cả thần tượng và các fandom tại Hàn Quốc. Cũng từ đó đến nay rất ít "biển đen tàn nhẫn" được ra đời bởi họ hiểu rằng dù làm điều gì đi chăng nữa thì người phải gánh chịu lại là chính thần tượng của họ.

{keywords}
Hà Hồ trong đêm gala The Voice 2015

  Quay lại câu chuyện cổ vũ trong màn trình diễn của Hồ Ngọc Hà. May mắn cho cô là "biển đen tàn nhẫn" ấy chỉ là một số nhỏ trong tất cả khán giả trong đêm nhạc.

Và có thể, trong suốt màn biểu diễn của mình nữ ca sĩ cũng không kịp nhìn xem dưới khán đàn khu vực nào đang tối đèn và im lặng. Sự bức xúc có thể chỉ dành cho fan của ca sĩ này mà thôi.

Hâm mộ một nghệ sỹ không có lỗi nhưng điều đáng nói ở đây là cách khán giả cổ vũ cho thần tượng của mình và tôn trọng màn biểu diễn của ca sĩ khác cũng sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh thần tượng của họ.

Có thể đám đông yên lặng ấy không phải là fan của ca sĩ Mỹ Tâm, có thể họ chỉ "vô tình" tắt gậy cổ vũ và "vô tình" yên lặng trong suốt màn biểu diễn của Hồ Ngọc Hà.

Không chỉ thế, trong màn biểu diễn của các thí sinh ở team khác Mỹ Tâm, đám đông náo nhiệt ấy cũng dường như cũng "nghỉ ngơi".

Mọi thứ đều có thể chỉ là sự "ngẫu nhiên" nhưng ít nhiều hình ảnh của đám đông này đã xấu đi rất nhiều trong mắt các cộng đồng fan khác.

Thành thực mà nói, cổ vũ cũng cần phải có văn hóa.

Bạn là khán giả và bạn có quyền yêu hay ghét bất kỳ ca sĩ nào nhưng cổ động cho một người đang hát trên sân khấu đơn giản là văn hóa cổ vũ tối thiểu. Bạn không cần hò hét, không cần khua light-stick điên cuồng nhưng ít nhất bạn nên dành cho họ một cái vỗ tay khích lệ.

{keywords}

Fan hâm mộ của Thu Phương.

Tôi từng tới một buổi trao giải âm nhạc và chán nản vì văn hóa cổ vũ của một số cộng đồng fan. Tôi không thể nghe nổi ca sĩ đang hát cái gì khi tiếng cổ vũ của fan cô ấy như "gào thét" bên tai. Còn khi những nghệ sĩ già hơn 1 chút lên sân khấu nhận giải thì đám đông ồn ào ấy bắt đầu "im re".

Nghĩ mà buồn, chẳng nhẽ thế hệ trẻ đang sống với một trái tim ích kỷ và nhỏ nhen nhiều đến vậy sao?

Nếu ai đã từng được xem các buổi biểu diễn âm nhạc hay trao giải uy tín trên thế giới có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt từ hàng ghế cổ vũ.

Ở đó, họ không quan tâm mình là fan của ai hay ngôi sao nào nổi tiếng hơn mà họ dùng sự cổ vũ của mình để trân trọng tài năng và sự cống hiến của những người đứng trên sân khấu.

Thực tế một điều rằng những tiếng gào thét không làm cho thần tượng của bạn trở nên nổi tiếng hơn nhưng có thể làm cho hình ảnh của họ "bớt đẹp" trong cộng đồng fan khác. Hay những "biển đen tàn nhẫn" cũng không thể làm cho thần tượng của người khác trở nên thảm hại.

Làm gì cũng vậy, ngay cả cổ vũ cũng cần có văn hóa.

Theo Trí Thức Trẻ