Trong chuỗi hoạt động chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, Tọa đàm khoa học với chủ đề “Tuyển tập Vũ Hạnh – Đời văn, Chiến sĩ” cùng sự kiện ra mắt bộ sách “Tuyển tập Vũ Hạnh” do Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố xuất bản và phát hành.
Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, quê xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. |
Vũ Hạnh là tác giả ẩn sau những bút danh Cô Phương Thảo, Nguyên Phủ, ký dưới các bài báo bút chiến, tiểu luận phê bình; tung hoành trên các cuốn nhật báo, với truyện ngắn Bút máu, truyện dài Lửa rừng, tiểu thuyết Cô gái Xà Niêng, công trình lý luận “Đọc lại Truyện Kiều”..., đặc biệt là tác phẩm “Người Việt cao quý” với bút danh A. Pazzi... Vũ Hạnh đã trở thành một cái tên lừng lẫy của làng văn làng báo Sài Gòn như một biểu tượng của tinh thần yêu nước, bảo vệ văn hoá dân tộc. Từ điển Văn học (NXB Khoa học xã hội) đánh giá ông là “một cây bút nòng cốt, tâm huyết trong dòng văn học yêu nước và cách mạng vùng bị Mỹ - ngụy tạm chiếm”.
Tập 1 của Tuyển tập với độ dài gần 600 trang chia làm 3 phần: Hồi ký (3 tác phẩm – tiêu biểu là Một chặng đường bút mực); Truyện ngắn (32 tác phẩm – độc đáo với Bút máu, Chất ngọc, Vượt thác…); Kịch (2 tác phẩm – Người nữ tỳ; Đôi mắt dịu hiền).
Tập 2 của Tuyển tập hơn 800 trang gồm các phần: Truyện dài (4 tác phẩm – điển hình là Cô gái Xà Niêng); Tiểu luận – phê bình (18 tác phẩm - mang tính chiến đấu mạnh mẽ và tính nhân văn sâu sắc với Người Việt cao quý; Văn hóa và mạo hóa; các bài bình luận tác phẩm, tác giả văn học như: Truyện Kiều – Nguyễn Du; Tú Xương, Nhất Linh, Khái Hưng…); Các bài báo về tác phẩm và tác giả Vũ Hạnh.
Chí Bách