Ông Nguyễn Văn Nội - nhân chứng mới trong vụ tranh cãi bản quyền bài thơ "Tổ quốc gọi tên" cho biết sẵn sàng ra tòa về việc tác giả bài thơ không phải bà Nguyễn Phan Quế Mai.

Ông có thể nói rõ hơn về hoàn cảnh ông đọc được bài thơ "Tổ quốc gọi tên" cách đây đã 6-7 năm mà theo ông tác giả không phải bà Nguyễn Phan Quế Mai?

- Như nội dung tôi đã trao đổi với báo chí ngày 15/10, do đặc thù công việc thường xuyên phải viết lời bình cho các chương trình ca nhạc chủ đề Tổ quốc nên cách đây 6 -7 năm, tôi lên mạng search 2 từ khóa "Tổ quốc" thì gặp bài thơ này.

Đến bây giờ, theo trí nhớ của tôi thì bài thơ lúc ấy giống bài thơ phổ biến hiện nay khoảng 80% và đứng tên một nam quân nhân có tên Ngô Xuân Phúc chứ không phải bà Nguyễn Phan Quế Mai.

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Nội.

Tôi xin khẳng định chắc chắn: Không phải bà Nguyễn Phan Quế Mai. Sau đó, tôi có sử dụng ý thơ Tổ quốc gọi tên để viết thành lời dẫn: "Tuổi trẻ ơi, hãy nắm tay đoàn kết/ Và hãy lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình" làm đoạn kết cho kịch bản chương trình văn nghệ lúc bấy giờ.

Thông tin ông cung cấp có nhiều chi tiết khá trùng hợp với ý kiến của nhà thơ Bàng Ái Thơ trước đó. Trong vụ tranh chấp bản quyền này, nếu đương sự mời làm chứng, ông có sẵn sàng ra tòa không?

- Tôi sẵn sàng chứ! Ban đầu tôi cũng không nghĩ việc tranh chấp một bài thơ lại thành ra to chuyện thế này và tôi cũng chưa hề đọc bất cứ ý kiến nào của bà Ái Thơ công khai với báo chí. Những gì tôi nói là hoàn toàn độc lập, dựa vào trí nhớ của tôi, tôi xin chịu trách nhiệm. Sau khi sự việc trên gây ồn ào dư luận, tôi có tìm hiểu về tác giả Nguyễn Phan Quế Mai và Ngô Xuân Phúc.

Tôi trộm nghĩ rằng, ai cũng có quyền yêu Tổ quốc bằng nhiều cách khác nhau và việc bảo vệ sự thật ở khía cạnh nào đó cũng là yêu Tổ quốc. Dù chất lượng bài thơ có thế nào chăng nữa thì thông tin về tác giả vẫn cần sự trung thực. Dù ở góc độ pháp lý, tôi không còn giữ bằng chứng do đã lưu lại bài thơ, tên tác giả nhưng đổi máy tính rồi mất hết nhưng nếu được mời ra tòa, tôi sẽ trình bày tất cả những gì tôi biết bằng lương tâm.

Ông còn nhớ suy nghĩ, cảm xúc của bản thân khi bắt gặp bài thơ này không?

- Tôi đọc bài thơ vào giai đoạn Biển Đông đang dậy sóng nhưng dư luận lại rất hạn chế gọi tên Hoàng Sa, Trường Sa một cách trực tiếp. Khi đọc những câu như: "Máu của người nhuộm mặn sóng Biển Đông", tôi bỗng có một linh cảm rằng người đàn ông viết bài thơ này rồi sẽ... khổ!

Đến bây giờ tôi cũng không cắt nghĩa được vì sao tôi có cảm giác ấy. Có thể vì từ trước đến nay, ở trường đại học, tôi khá có duyên với người lính, với những chương trình chủ đề Tổ quốc, biển đảo... và tôi cũng không ngờ rằng, đến bây giờ, người đàn ông ấy khổ thật!

Quyết định lên tiếng về sự việc khi không có chứng cứ trong tay, ông có ngại bị dư luận chỉ trích?

- Tôi không ngại gì cả, mình biết gì thì nói nấy. Truyền thống gia đình tôi làm văn hóa, nghệ thuật nên không phải đến bây giờ tôi mới chứng kiến những cuộc tranh luận về bản quyền tác phẩm.

{keywords}
Tác giả Quế Mai và nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cùng ký tên
lên lá cờ Tổ quốc trong buổi ra mắt tập thơ Tổ quốc gọi tên mình.

Trước kia, sự bí ẩn về bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn đã trở thành giai thoại đẹp khiến bài thơ được chú ý hơn. So với tác phẩm, cái giai thoại ấy cũng "nên thơ" không kém, nhất là chuyện một bài thơ được đánh giá là hay nhưng chẳng ai lên tiếng nhận. Cho đến câu chuyện ồn ào vừa qua về tác phẩm Tổ quốc gọi tên, tôi chợt nghĩ về sự khác biệt của con người xưa và nay trong cách ứng xử, đối diện với nhau, với tác phẩm của mình hoặc không phải của mình.

Có những sự nghi vấn khiến tác phẩm sống mãi với người đọc, nhưng có nghi vấn làm giảm giá trị bài thơ, nhân cách con người. Nếu thế thì thật đáng buồn! Mấy hôm nay, tôi cũng gặp một vài người thành thạo công nghệ để tìm lại dữ liệu cũ nhưng chưa có kết quả.

(Theo GĐXH)