Vietnam Idol (VI) và Sao Mai Điểm Hẹn (SM-ĐH) đang đi dần đến hồi kết với nhiều kịch tính thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Được quan tâm không hẳn vì nó hay mà vì nó đã từng hay nhưng sao lại nhạt đi (SM-ĐH) hoặc vì nó từng rất bình thường (VI) mà giờ bỗng cuốn hút hơn…

Năm 2004, SM-ĐH lần đầu tiên lên sóng đã tạo nên một cơn sốt cho khán giả xem truyền hình và giới thiệu một thế hệ ca sĩ mới, cá tính như Tùng Dương, Ngọc Khuê, Phương Anh, Lưu Hương Giang... Cho tới nay đây vẫn được xem là kì SM-ĐH thành công nhất. Năm 2007 VI xuất hiện, nhiều ý kiến cho rằng đã SM-ĐH rồi còn thêm VI na ná, sao không làm khác đi, rằng VI sẽ không vượt qua cái bóng của SM-ĐH. Nhưng bây giờ, 2010, phần đông những người quan tâm đánh giá VI lôi cuốn hơn, hấp dẫn hơn. Do SM-ĐH đuối đi hay VI hay lên?

“Cân” ca sĩ và ban nhạc

Trong một chương trình ca nhạc thông thường, yếu tố để đánh giá hay hoặc dở chính là ca sĩ và nhạc công, những người trực tiếp làm nên buổi diễn (bên cạnh các yếu tố phụ trợ như đạo diễn, âm thanh, ánh sáng, bài trí sân khấu…). Các ca sĩ - thí sinh của VI qua các vòng thi đã tạo được cảm giác thú vị cho người xem bằng phong thái trình diễn tự tin. Sự tự tin diễn ra tự nhiên như người khát cầm ly nước lên và uống. Nó khiến họ làm chủ được sân khấu, tạo được bản lĩnh cho riêng mình (chứ không hẳn bản lĩnh khiến họ trở nên chủ động). Và điều này dường như được tạo nên khi họ đối diện với khán giả - có thể coi đó như sự thăng hoa, điều rất quan trọng trong nghệ thuật. Sự nhuần nhuyễn của các thí sinh VI còn được thể hiện qua sự biểu cảm trên khuôn mặt khi hát.

Những cái nhíu mày, liếc mắt, nhoẻn miệng không khiến khán giả cảm giác họ diễn mà nó rất ăn nhập với âm nhạc.Ở SM-ĐH, các ca sĩ cũng rất tự tin, nhưng sự tự tin của họ có vẻ được lên dây cót từ trong cánh gà. Tâm niệm thường trực về tự tin khiến nét biểu cảm cũng như động tác của họ bị gồng, bị cường điệu hóa mà không thâm nhập được sâu hơn vào nội dung bài hát. Bên cạnh đó, thí sinh SM-ĐH hát phô rõ hơn, tần suất phô nhiều hơn, diễn ra trong nhiều vòng thi hơn. Các thí sinh VI cũng không tránh khỏi việc hát phô nhưng chỉ lác đác chứ không diễn ra một cách “có hệ thống” và quan trọng là họ không khiến người nghe có cảm giác chênh vênh.

Những thí sinh SM-ĐH được cho là có giọng hát tốt, tạo được ấn tượng ở mảng “nghe” như Minh Chuyên, Mỹ Như lại không tạo được sự lôi cuốn ở mảng “xem”. VI làm tốt hơn ở khâu này. Bằng chứng là Trung Quân, Hà Minh Nguyệt, Nguyễn Phương Anh… là những người không có lợi thế về hình thức nhưng khi họ diễn, khán giả đều ấn tượng với phong thái của họ. Còn Lều Phương Anh, Đức Anh, Đăng Khoa, Mai Hương, Uyên Linh… khi hát đều khiến cho khán giả thích ngắm nhìn. Nói vậy không có nghĩa các thí sinh SM-ĐH kém hơn thí sinh VI. Lan Trinh, Minh Chuyên, Pha Lê đã từng đứng trên sân khấu VI; Uyên Linh cũng đã từng đi thi SM-ĐH.

Ban nhạc của VI quy tụ được những cái tên đủ để đảm bảo sự an tâm cho người hát cũng như người thưởng thức: A Dzìn, Sơn Thạch, Dũng Đà Lạt… Họ chơi chắc chắn, gọn gàng, quyện và bật được phong cách của từng thể loại, từ balad tới funky, blue, Latin… Trong đêm diễn với chủ đề Bài ca không quên với những ca khúc mà giới trong nghề thường nói vui là “nhạc cúng cụ”, vậy mà họ chơi không hề “cúng cụ”. Họ vẫn lồng được những style mới vào bản nhạc nhưng không vì thế mà làm mất đi tính nghiêm túc của bài hát vốn đã được định hình. Ở SM-ĐH, ban nhạc quy tụ những sinh viên, giảng viên của trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật quân đội (không kể đêm diễn bắt đầu ở TP.HCM). Họ chơi không dở, vẫn tuân thủ bản phối một cách chặt chẽ nhưng âm thanh đến tai người nghe thì rời rạc, căng cứng và thiếu tính nghệ sĩ.

“Cân” công nghệ tổ chức

Từ vòng thi thử giọng của VI, khán giả đã được xem qua truyền hình và bị thu hút bởi sự ngộ nghĩnh của nhiều thí sinh cũng như phản ứng hài hước của BGK, từ đó hình thành sự quan tâm trong công chúng. Và họ càng bị cuốn hút, cảm thấy thú vị, bất ngờ khi theo dõi tiếp, họ thấy được sự lột xác của những thí sinh đã gặp ở vòng thử giọng. Đó là kết cấu chặt chẽ, thống nhất giúp người xem thấy chương trình gần gũi, quen thuộc. Trong khi đó, SM-ĐH chỉ xuất hiện lác đác với những thông tin có tính quảng cáo rồi “bụp”, cả thí sinh, HĐNT, MC xuất hiện trên sóng truyền hình.

Nếu ở SM-ĐH, trong tất cả các vòng thi, chuyên gia về thanh nhạc luôn là NSƯT Hà Thủy và ca sĩ Nam Khánh thì ở VI, ngoài một giáo viên luyện thanh thường trực, ở mỗi vòng thi đều có thêm một ca sĩ tên tuổi hướng dẫn, tư vấn cho thí sinh theo từng chủ đề của đêm diễn và ca sĩ này cũng tham gia biểu diễn một tiết mục trong chương trình… Ngay cả phần âm nhạc, ngoài việc có một ban nhạc tốt, VI còn có một đạo diễn âm nhạc xuyên suốt, nhạc sĩ Huy Tuấn. Tên anh xuất hiện đều đặn ở mỗi đêm thi, những clip phát trước mỗi tiết mục của thí sinh anh cũng có mặt. Điều đó khiến những người quan tâm biết rõ mình xem ai, tổng thể âm nhạc hay là nhờ đâu. Ở SM-ĐH chắc cũng có người giữ vai trò tương tự nhưng là ai thì đến nay khán giả vẫn không rõ nếu không… đọc báo.

“Cân” BGK và Hội đồng nghệ thuật

Xin được nói luôn, xem BGK VI thích hơn. Người trong nghề vốn rất thích đọc những bài báo nhạc sĩ Quốc Trung trả lời phỏng vấn vì anh thường đề cập đến chuyên môn, không bị những thứ ngoài lề xen vào. Trên cương vị giám khảo VI, anh vẫn như vậy. Những nhận xét của anh không chỉ có ích với thí sinh mà khiến người xem cũng rút ra được nhiều điều. Anh nói lên ý nghĩ của mình chứ không mượn từ ngữ để làm cho bài diễn văn hay hơn, mà vế sau lại xuất hiện ở nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, trong HĐNT SM-ĐH.


Hồ Hoài Anh có lẽ là người nói nhiều nhất trong 7 vị ngồi ghế HĐNT của cả 2 chương trình, nặng về trưng trổ kiến thức khi nhận xét về các thí sinh nhưng không mang nhiều tính xác thực về chuyên môn. Siu Black (VI) và Mỹ Tâm (SM-ĐH) có vẻ là đối trọng của nhau khi cả hai cùng có lối nhận xét dựa vào cảm xúc, nhưng độ “duyên” và độ “nhiệt” của Mỹ Tâm thì không thể bằng chị Siu.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng rất hóm hỉnh và hay đùa nhưng sau những câu nói trào lộng, anh thường đưa ra ý kiến rất thú vị qua lăng kính của người hiểu chân tơ kẽ tóc cỗ máy giải trí, tạo nên miếng ghép khăng khít với mảng nhận xét chuyên môn của nhạc sĩ Quốc Trung. Ở SM-ĐH, nhạc sĩ Tuấn Khanh là người ôn hòa hơn cả. Anh luôn tỏ ra nhã nhặn nhưng lại nhạt. BGK của VI tạo nên không khí thoải mái, hài hước và ngắn gọn hơn so với HĐNT của SM-ĐH, trừ vị giám khảo thứ tư của VI, nhà báo Diễm Quỳnh. Chị là người “lệch tông” nhất trong BGK VI.


Các thí sinh thi hát và trình diễn còn chị… thi hùng biện. Vì là hùng biện nên phải có cao trào. Trong một cao trào, chị đã nói với Lân Nhã ở đêm diễn với chủ đề Bài ca không quên rằng: “Chị muốn em mặc trang phục của một anh chàng Tám lúa để thực hiện bài hát này (Hồ trên núi) vì nó hợp vài bài hát” khiến không ít khán giả thắc mắc: trang phục Nam bộ hợp với bài hát có âm hưởng Bắc bộ ư?.

Và “cân” công nghệ tạo kịch tính (nếu có)

Đây là giả thiết. Giả thiết này không phải người viết nghĩ ra mà nó được bàn đến trên rất nhiều diễn đàn mạng.

Trong đêm SM-ĐH tuần sáu, lúc công bố thí sinh bị loại, 8 thí sinh được chia thành 2 nhóm, một nhóm gồm Đinh Mạnh Ninh, Hà Hoài Thu, Yến Ngọc và Minh Chuyên; nhóm kia gồm các thí sinh còn lại. Đinh Mạnh Ninh trước khi đến với cuộc thi đã có chút tiếng tăm và một lượng fan khá đông. Hà Hoài Thu từ đầu cuộc thi luôn nằm trong top đầu và là người được hậu thuẫn tốt từ nhiều phía. Minh Chuyên có lợi thế giọng hát nên không ai nghĩ cô sẽ bị loại. Chỉ còn Yến Ngọc. Ai cũng thấy trong tuần thứ sáu Yến Ngọc đuối nhất, nguy cơ bị loại khá cao. Nhưng khi Ngọc đứng ở nhóm này, những người lo lắng cho Yến Ngọc có thể yên tâm.

Bất ngờ MC công bố nhóm này là nhóm nguy hiểm, những người đang yên tâm về Yến Ngọc trở nên bất an, còn khán giả khác ngỡ ngàng với Đinh Mạnh Ninh, Hà Hoài Thu và Minh Chuyên. Cuối cùng thì Yến Ngọc cũng bị loại, không nằm ngoài dự đoán của số đông. Nghĩa là kịch tính được tạo ra một chút nhưng rồi cũng chẳng gây ngạc nhiên mấy. Phần dở nhất là khi nhạc sĩ Tuấn Khanh bảo các thí sinh xin lỗi khán giả.


Anh chỉ định thẳng thừng Minh Chuyên nói trước. Khi Minh Chuyên đang vòng vo vì không biết mình làm gì sai thì Tuấn Khanh lại cắt ngang và nói “tôi muốn em xin lỗi tới những người đã ủng hộ mình…”. Câu đầu tiên như lời gợi ý nhưng câu thứ hai như ra chỉ thị khiến toàn bộ thí sinh cũng như khán giả ngơ ngác. Nếu đó là một kịch bản mà nhạc sĩ Tuấn Khanh được yêu cầu là phải làm cho bằng được thì kịch bản này quá dở vì nó khiến không ai hiểu phải làm như vậy để làm gì!

Hai ngày sau, trong đêm công bố kết quả của VI, mọi con mắt đổ dồn vào Đăng Khoa vì vụ scandal với Đức Anh trước đó một tuần. Nhưng Đăng Khoa là một trong những thí sinh đầu tiên được nằm ở nhóm an toàn. Lúc này mọi người nghĩ ngay tới Lều Phương Anh. Nhưng không gì bất ngờ hơn khi Uyên Linh, người hay nhất kể từ đầu cuộc thi phải hát bài hát chia tay. Lúc mọi người thất vọng nhất thì Đăng Khoa lên tiếng xin rút khỏi cuộc chơi và Uyên Linh được cứu.


Nhiều người cho rằng nếu Đăng Khoa không rút thì HĐNT cũng dùng quyền hạn của mình để cứu Uyên Linh. Nhưng vấn đề là HĐNT sẽ chẳng bao giờ phải lo cứu Uyên Linh cả. Sự sắp xếp đó phải là Uyên Linh thì mới tạo được kịch tính đến vậy. Uyên Linh vẫn ở lại. Đăng Khoa được nhìn nhận như người hùng. Nếu đó là kịch bản thật thì nó đã được làm rất “tới” vì Diễm Quỳnh hết “chết ngồi” rồi lại khóc, Siu Black cũng khóc, khán giả thì xúc động khi Đăng Khoa hát bài hát chia tay.

Theo TTVH