- Đến kỳ xét Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, làng nghệ Việt Nam lại dậy sóng. Đáng buồn vì những danh hiệu cao quý lại luôn là tiền đề tạo nên những cuộc đối đầu, kiện tụng liên miên giữa các nghệ sĩ.


Không được xét duyệt thì làm đơn kiện

Từ trái qua: Nhạc sĩ Đoàn Bổng, Đinh Quang Hợp, nhà soạn nhạc Tạ Tường và nhạc sĩ Thế Song. Ảnh: Đất Việt.

Đứng đơn gửi tới Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch là 5 nhạc sĩ Đoàn Bổng, Đinh Quang Hợp, Ngọc Khuê, Thế Song, Lê Việt Hòa; hai nhà biên kịch là Phan Huyền Thư, Phan Thanh Tú.

Sự việc có thể tóm tắt như sau: Cuối năm 2010, các nhạc sĩ: Đoàn Bổng, Đinh Quang Hợp, Ngọc Khuê, Thế Song, Lê Việt Hòa cùng 63 nhạc sĩ khác được đề nghị làm hồ sơ xét duyệt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Sau đó, năm người này nhận được thông báo không lọt vào danh sách cuối cùng vì không đạt 75% số phiếu.

Trong đơn thư gửi Hội nhạc sĩ Việt Nam và Bộ VH TTDL, năm nhạc sĩ cho rằng, Hội đồng thẩm định cấp cơ sở "không nghe đĩa nhạc cũng không xem các bản nhạc từ ca khúc đến tổng phổ ở các thể loại âm nhạc lớn như giao hưởng, thanh xướng kịch…"; “Các thành viên hội đồng thẩm định nếu không có tâm và thiếu cả tầm cao trí tuệ ắt phải xét đến các tác phẩm âm nhạc ấy theo cảm tính, mù mờ, lẫn lộn trắng đen, làm sao đánh giá được bản chất, giá trị đích thực các tác phẩm âm nhạc…”

Việc những bài hát được công chúng yêu mến như: Tiếng hát sông Lam, Thanh xướng kịch “Lửa và Hoa” (Đinh Quang Hợp), Dòng sông quê anh, dòng sông quê em, Hà Nội những kỷ niệm trong tôi (Đoàn Bổng), Mùa xuân làng lúa làng hoa (Ngọc Khuê), Gửi em chiếc nón bài thơ (Lê Việt Hòa), Nơi đảo xa (Thế Song)… bị loại khiến các nhạc sĩ không phục. Các nhạc sĩ còn đề nghị thành lập Hội đồng âm nhạc mới “do anh em nhạc sĩ đề cử”, đồng thời triệu tập cuộc họp gồm 68 nhạc sĩ tham dự giải thưởng để “bỏ phiếu công khai, thay thế cho kết quả trước đó”.

Tác giả ngày càng nhạt nhòa, khó tôn vinh

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân
Trước những thắc mắc nóng bỏng này, trao đổi với báo VietNamNet, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - cho biết: “Hội đồng cở sở xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước được thành lập vào ngày 1/12/2010, theo đúng quy chế, hoạt động độc lập dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng là nhạc sĩ Trần Long Ẩn – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN, các thành viên gồm có: PGS, NS Ca Lê Thuần (Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội VHNTVN), GS. TSKH Tô Ngọc Thanh, NS Phan Huỳnh Điểu, GS.NS Chu Minh, NS Đôn Truyền, NSƯT Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN.

Hội đồng đã tiến hành phân tích từng tác phẩm, bỏ phiếu kín cho từng tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình. Mỗi tác giả phải chiếm 6/7 phiếu của hội đồng mới được lựa chọn để gửi lên hội đồng trung ương.

Hội Nhạc sĩ VN đã nhận được đơn thư khiếu nại của các nhạc sĩ. Việc khiếu nại, khiếu kiện là quyền của mỗi hội viên nhưng không nên xúc phạm tư cách của hội đồng, nếu nói là các nhạc sĩ không phục hội đồng bao gồm toàn các nhạc sĩ tên tuổi, từng đoạt Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh như thế này, thì liệu khi thành lập hội đồng khác, có tránh khỏi cảnh cũng có vài nhạc sĩ khác không phục hay không?”

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cũng từng khẳng định với Vnexpress, các nhạc sĩ có đơn khiếu nại đã nói không chính xác bởi nếu không mở hồ sơ, hội đồng sao có thể xét duyệt được. Nhạc sĩ Đức Trịnh - phó chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ VN – trong cuộc trao đổi với báo Tuổi Trẻ cũng phát biểu rất thẳng thắn: “Có một vài người nào đó không phục một số thành viên của hội đồng cơ sở nhưng số lượng này không nhiều và chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong hàng ngàn nhạc sĩ hội viên… Trong ban chấp hành của Hội Nhạc sĩ VN còn có các giáo sư như: GS Tô Ngọc Thanh, GS - nhạc sĩ Ca Lê Thuần, GS Chu Minh..., những giáo sư này chắc chắn có lý do và quyết định của riêng họ chứ không chỉ là nể nang người này hay người kia… Cái khó của hội đồng chính là các nhạc sĩ ngày càng nhạt nhòa, tài năng ngang nhau thì sự lựa chọn sẽ khó hơn, không giống như việc một ca khúc đưa ra ngoài cộng đồng rồi mọi người đánh giá…”

Còn nhớ đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước lần trước, hồi năm 2006, nhạc sĩ Trọng Bằng (nguyên Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN) bị khui ra scandal “đạo” một số nét nhạc của Shostakovich và Prokofiev trong ouverture “Chào mừng”. Sự việc cũng đã trở thành “kỳ án” nóng bỏng trong giới âm nhạc với sự lên tiếng sôi sục phẫn nộ cho rằng “cái ung nhọt đã đến lúc phải vỡ” cả trên báo chí lẫn các diễn đàn và bàn trà quán rượu. Sau cùng thì sự vụ cũng chìm vào dĩ vãng khi nhạc sĩ Trọng Bằng rút khỏi danh sách đề cử.

Nhạc sĩ Trọng Bằng chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng. Đáng tiếc là một tác phẩm đình đám như Ouverture "Chào mừng" cũng bị dính scandal "đạo"

Toàn là các nhạc sĩ tên tuổi nổi danh đình đám, được công chúng biết đến và yêu quý. Vậy mà cứ mỗi mùa xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, lại lôi nhau ra với đủ thứ chuyện đáng buồn ở hậu trường. Liệu có thể hết lần này đến lần khác đổ tại nguyên nhân vì danh hiệu cao quý cho nên không thể để những người không xứng đáng được vinh danh?

Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước được xét và công bố 5 năm một lần vào dịp Quốc khánh 2/9.

Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước do Hội đồng cấp Nhà nước quyết định, theo đề nghị của Hội đồng cấp Bộ.

Hòa Bình